Đa dạng hoá nguồn lực và chương trình tín dụng giúp giảm nghèo bền vững 

(Chinhphu.vn) – Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp các hộ dân tộc thiểu số (DTTS) xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế còn lớn so với khả năng, cần có sự vào cuộc đồng bộ, huy động thêm các nguồn lực cũng như thiết kế các chương trình đa dạng hơn cho bà con DTTS có vốn làm ăn, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.

 

Đây là một nội dung được trao đổi tại hội thảo khoa học với chủ đề “Đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam” do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức chiều ngày 25/9 tại Hà Nội.

 
 

 

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, tính đến ngày 31/8, NHCSXH đang quản lý các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ và một số dự án cho vay, tổng dư nợ đạt 199.823 tỷ đồng, với 8,2 triệu món vay của hơn 6,5 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Có hơn 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với doanh số cho vay 135.964 tỷ đồng, doanh số thu nợ 86.061 tỷ đồng và tổng dư nợ đạt 49.617 tỷ đồng, chiếm 24,8%/tổng dư nợ của NHCSXH, dư nợ bình quân một hộ DTTS đạt 34 triệu đồng/bình quân chung là 30,4 triệu đồng.

 

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao các kết quả hoạt động của NHCSXH. Trong 54 chính sách trực tiếp cho đồng bào DTTS, chính sách tín dụng được đánh giá là một điểm sáng.

 

Qua quá trình triển khai chính sách, hàng triệu hộ DTTS đã tiếp cận được vốn vay và thay đổi được cuộc đời.

 

 

Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng: Tín dụng chính sách xã hội đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

 
 

Tuy nhiên, tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua vẫn còn một số khó khăn như: Tỉ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khá cao ở mức 60% số hộ nghèo trong cả nước nên việc bố trí nguồn vốn thực hiện các chương trình đôi khi còn chưa kịp thời, chưa đảm bảo nguồn vốn để thực hiện theo kế hoạch được duyệt; chính sách tín dụng được thiết kế giải quyết cho từng giai đoạn, thời gian thực hiện chính sách ngắn, việc xử lý chuyển tiếp chậm nên hiệu quả chương trình có lúc chưa cao; tại một số địa phương còn chưa thực sự quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nhất là tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số…

 
 

Để giải quyết triệt để những khó khăn, bà Trương Thị Mai đề nghị các bộ, ngành chức năng ở trung ương và địa phương cần có các giải pháp để NHCSXH thực hiệu quả hơn nữa các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác.

 

Thứ nhất, các tỉnh, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, cần tập trung, ưu tiên nguồn vốn dành cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Thứ hai, để đồng bào DTTS có đủ điều kiện vượt qua khó khăn riêng có của mình như nêu trên, cần tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn vốn, cấp đủ nguồn vốn để giúp cho các địa phương nơi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị đồng bộ, đẩy mạnh tính cạnh tranh trên thị trường…

 

Thứ ba, đối với tín dụng chính sách, cần xây dựng, ban hành chính sách tín dụng đầu tư theo Đề án giảm nghèo của từng vùng, từng địa phương, với mức cho vay, thời hạn cho vay tối đa phù hợp với từng dự án, tạo bước đột phá để phát triển bền vững.

 

Thứ tư, để tạo điều kiện ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào DTTS, Quốc hội cần hình thành một nguồn vốn riêng và được cân đối bố trí từ Quốc hội để đảm bảo nguồn vốn cho vay đối với đồng bào DTTS được ưu tiên nhất, với lãi suất cho vay phù hợp. Ngoài ra, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cũng đề nghị các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực, gắn kết các chương trình tín dụng với các mô hình sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức cho đồng bào DTTS không chỉ thoát nghèo mà từng bước quen dần với cơ chế thị trường và vươn lên làm giàu.

 
 
Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng. Ảnh: VGP/Huy Thắng

 

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng khẳng định, trong thời gian tới, NHNN và NHCSXH sẽ tiếp tục đồng hành cùng đồng bào DTTS trên cả nước thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội.

 

Thống đốc cũng cho biết, NHNN đã trình Dự thảo đề án tài chính toàn diện, trong đó tập trung cung cấp những giải pháp tiếp cận nguồn vốn và dịch vụ tài chính cho người dân, người nghèo, những đối tượng yếu thế ở vùng sâu vùng xa chưa có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Giải pháp này sẽ đưa vào áp dụng các công nghệ mới, chi phí thấp phục vụ bà con vùng sâu vùng xa.

 

“Tới đây ngành ngân hàng sẽ triển khai mạnh mẽ đề án tài chính toàn diện để đưa các dịch vụ tài chính, ngân hàng đến tận vùng sâu vùng xa với chi phí thấp nhất”, Thống đốc khẳng định.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho rằng, trong những năm qua, công tác dân tộc, chính sách dân tộc là vấn đề cơ bản, lâu dài, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị.  

 

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đánh giá, NHCSXH hoạt động hiệu quả góp phần thực hiện công bằng xã hội, giàu tính nhân văn và thật sự là công cụ đắc lực để Đảng và Nhà nước chăm lo cho các đối tượng yếu thế vì cho vay đa dạng, lãi suất vay thấp, cơ chế xử lý rủi ro rõ ràng, minh bạch thật sự là một kênh cung ứng vốn ưu việt, riêng có của chế độ xã hội chủ nghĩa.

 

 

“UBDT sẽ tiếp tục đồng hành cùng NHCSXH báo cáo với các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; theo chức năng nhiệm vụ, sẽ hướng dẫn cơ quan công tác dân tộc các cấp phối hợp chặt chẽ với các chi nhánh, các ban đại diện để thực hiện tốt hơn nữa tín dụng CSXH ở vùng đồng bào DTTS trong thời gian tới”, ông Đỗ Văn Chiến khẳng định.

 

Huy Thắng

272 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 578
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 578
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87232371