Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền về bầu cử 

(Chinhphu.vn) - Chiều 19/4, tại Nhà Quốc hội, Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền của Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tiến hành phiên họp thứ hai. Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp. Ảnh:VGP/Nguyễn Hoàng

Báo cáo kết quả hoạt động của Tiểu ban từ sau phiên họp thứ nhất đến nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Tiểu ban đã trực tiếp nghiên cứu, tham mưu cho Hội đồng Bầu cử quốc gia ban hành 32 văn bản trả lời, hướng dẫn về công tác bầu cử.

Bộ phận Thường trực Tiểu ban đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật trực tiếp tham gia biên tập, góp ý vào dự thảo cuốn sách Hỏi đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát bầu cử của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia tại một số địa phương…

Các cơ quan báo chí đã tiến hành đợt cao điểm thứ nhất thông tin, tuyên truyền về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Các cơ quan, đoàn thể cũng đã tổ chức nhiều hội nghị để thông tin, tuyên truyền đến các đối tượng khác nhau về cuộc bầu cử. Đại diện Tiểu ban đã tham dự và có báo cáo chuyên đề tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội nhà báo tổ chức… 

Từ nay đến ngày bầu cử (23/5), Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền tập trung tham mưu cho Hội đồng Bầu cử quốc gia kịp thời ban hành văn bản trả lời, hướng dẫn địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện công tác tổ chức bầu cử theo phân công; cử thành viên tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát bầu cử; tham mưu trả lời, hướng dẫn các vướng mắc, đề xuất của địa phương trong công tác bầu cử.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các cơ quan báo chí cần tiếp tục có nhiều tuyến tin, bài để thông tin về bầu cử. Trong đó, tập trung tuyên truyền kết quả của Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, về việc công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, công tác vận động bầu cử của những người ứng cử và thông tin với tần suất lớn về việc thực hiện quyền bầu cử của cử tri.

Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ phối hợp với Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền tổ chức họp báo để công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội. Phối hợp với các cơ quan hữu quan chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai công tác thông tin để tuyên truyền trực tiếp đến người dân về cuộc bầu cử; chú trọng việc tổ chức tuyên truyền trực quan, thông qua các sự kiện văn nghệ, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền miệng, qua việc động viên đông đảo cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân tham gia cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử... Chỉ đạo việc đăng tải đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, tổ chức cập nhật thường xuyên Trang Thông tin điện tử của Hội đồng Bầu cử quốc gia…

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao công tác triển khai nhiệm vụ của Tiểu ban kể từ sau phiên họp thứ nhất đến nay. Công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử rất kịp thời, đúng trách nhiệm, đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.

Hướng tới ngày bầu cử, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục tập trung trả lời, hướng dẫn các vướng mắc, đề xuất trong công tác bầu cử nếu có.

Trong công tác thông tin, tuyên truyền cần đa dạng hóa các hình thức thông tin, phù hợp với từng địa phương và khu vực; tăng cường các nội dung, sôi nổi hơn, tránh xơ cứng trong tuyên truyền để gần gũi với cuộc sống cử tri và nhân dân.

Tiểu ban cần thực hiện tốt các công việc như kế hoạch đã đề ra; phối hợp chặt chẽ để chia sẻ thông tin nhằm triển khai đồng bộ, toàn diện đối với các cơ quan báo đài. Bên cạnh đó, cần kịp thời phản biện những thông tin trái chiều, không đúng với tinh thần cuộc bầu cử…

Nguyễn Hoàng
299 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 874
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 874
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87192699