Đã chi hỗ trợ 27 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP 

(Chinhphu.vn) – Tính đến hết ngày 15/11, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 là 27,29 nghìn tỷ đồng; 27,63 triệu lượt người lao động và người sử dụng lao động được hỗ trợ. Theo đánh giá của các chuyên gia, chính sách của Chính phủ và các cấp, các ngành đối với người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong 2 năm vừa qua được tóm gọn trong 3 từ "hơn”: Chính sách sau ngày càng kịp thời hơn, thiết thực hơn, thuận tiện hơn trước.

 

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68 có tỷ lệ cao như nhóm chính sách về bảo hiểm, chính sách hỗ trợ trẻ em, người tham gia phòng chống dịch, lao động tự do… Ảnh: VGP

Hơn 27 triệu lượt đối tượng được thụ hưởng chính sách

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về tình hình triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg về hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết Bộ đã tổ chức 12 đoàn kiểm tra thực tế tại các địa phương. Ngày 12/11, các đoàn đã kiểm tra xong tại 32 địa phương.

Trực tiếp kiểm tra tại một số tỉnh phía nam như Tây Ninh, An Giang…, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá các địa phương đã cơ bản đảm bảo an sinh cho người dân. Một số chính sách hỗ trợ có tỉ lệ cao như: Nhóm chính sách về bảo hiểm, chính sách hỗ trợ trẻ em, người tham gia phòng chống dịch, lao động tự do…

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng các địa phương cần đánh giá lại nguyên nhân tại sao còn một số chính sách triển khai chậm để khắc phục trong thời gian sớm nhất; tiếp tục rà soát thật kỹ các nhóm hỗ trợ để hỗ trợ kịp thời vì nhiều người dân còn khó khăn sau giãn cách. Đồng thời, cần áp dụng công nghệ thông tin để việc rà soát nhanh hơn, chính xác hơn.

Theo báo cáo của 63 Sở LĐTB&XH, tính đến hết ngày 15/11, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là 27,29 nghìn tỷ đồng; 27,63 triệu lượt đối tượng đã được (gồm 377.328 lượt đơn vị sử dụng lao động, 27,25 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác).

Riêng TPHCM đã hỗ trợ 11,11 triệu lượt đối tượng với số tiền 11,92 nghìn tỷ đồng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (2.531 tỷ đồng), Hà Nội (1.936 tỷ đồng), Đồng Nai (1.806 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.401 tỷ đồng), Bắc Giang (702 tỷ đồng), Long An (588 tỷ đồng).

Cụ thể, nhóm chính sách về bảo hiểm, tổng kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm là 5,38 nghìn tỷ đồng (tương đương 32,3% kinh phí dự kiến ban đầu) hỗ trợ cho 375.811 đơn vị sử dụng lao động và hơn 11,390 triệu người lao động.

Với nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, tổng kinh phí thực hiện là 21,11 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ 15,64 triệu đối tượng.

Về nhóm chính sách cho vay vốn, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đơn vị này đã phê duyệt hồ sơ cho 1.535 lượt người sử dụng lao động vay vốn 806,5 tỷ đồng để trả lương cho 224.965 lượt người lao động. Đã giải ngân 794,9 tỷ đồng hỗ trợ 1.517 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho 221.520 lượt người lao động.

Thực tế, trong quá trình triển khai Nghị quyết 68 đã bộc lộ một số vướng mắc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP. Ngày 6/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Theo đó, việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động sẽ được cắt giảm điều kiện; doanh nghiệp được nộp hồ sơ hỗ trợ đào tạo nghề thành nhiều đợt; mở rộng hỗ trợ người lao động; bổ sung hỗ trợ đối với người cao tuổi, người khuyết tật.

Về thực hiện Nghị quyết 116 và Quyết định 28, hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, tính đến nay đã hỗ trợ bằng tiền cho 11,365 triệu lao động với tổng số tiền hỗ trợ là 27,230 tỷ đồng (gói này dự kiến hỗ trợ 30.000 tỷ đồng). Giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động cơ bản hoàn thành, giảm mức đóng cho hơn 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính điều chỉnh giảm đóng là 7.595 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành chính sách (theo Nghị quyết phải hoàn thành trước ngày 31/12/2021).

Số hóa dữ liệu lao động giúp chính sách triển khai nhanh chóng

Đánh giá về các gói hỗ trợ, TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết: “Qua  gặp trực tiếp công nhân, lao động tự do, tôi thấy thực tế là các chính sách của Chính phủ và các cấp, các ngành đối với người lao động trong 2 năm vừa qua được tóm gọn trong ‘3 từ hơn’. Các chính sách sau ngày càng kịp thời hơn, thiết thực hơn và thuận tiện hơn trước.

 

Khi có cơ sở dữ liệu về người lao động, việc triển khai hỗ trợ sẽ nhanh chóng, thuận tiện

Riêng 2 gói hỗ trợ gần đây nhất, đặc biệt là gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116, tất cả công nhân lao động và doanh nghiệp đều rất phấn khởi vì tính kịp thời, thủ tục thuận tiện. “Tôi được biết, hầu hết công nhân lao động và các doanh nghiệp đều đã tiếp cận được gói này. Đầu tiên tôi cũng rất hoang mang với mục tiêu 45 ngày nhưng đến nay về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu ‘tốc tiến, tốc thắng’ đặt ra ban đầu”, ông Vũ Minh Tiến chia sẻ.

Đồng ý với quan điểm của TS. Vũ Minh Tiến, PGS. TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng các chính sách rất kịp thời thiết thực và thuận lợi hơn cho người lao động, người sử dụng lao động khi tiếp cận.

“Tôi cho rằng Nghị quyết 116 cho phép doanh nghiệp giảm đóng Quỹ Bảo hiểm xã hội từ 1% xuống 0% vào tháng 9/2022 giảm đóng BHXH là rất hợp lý và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Nhìn trong dài hạn, việc khuyến khích người lao động tham gia đóng BHXH là một điều cực kỳ quan trọng. Càng nhiều người tham gia quỹ BHXH, chúng ta càng có nguồn lực để chia sẻ rủi ro với người mất việc, làm tấm nệm để đỡ họ chống lại những cú sốc tương tự như cú sốc do COVID-19 gây ra vừa rồi”, ông Giang Thanh Long đánh giá.

Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ chuyên gia nghiên cứu và cũng là người khảo sát những vấn đề có liên quan đến chính sách, ông Giang Thanh Long nêu một vấn đề cần chú ý.

“Theo báo cáo Tổng cục Thống kê, trong quý II/2021, tỉ lệ lao động phi chính thức đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây, với tỉ lệ 57,4%. Có thể thấy hàng chục triệu người lao động được coi là lao động phi chính thức. Như vậy, các chính sách hỗ trợ vẫn chưa bao phủ được hết, vẫn còn một số lượng khá lớn lao động phi chính thức chưa tiếp cận được hoặc tiếp cận chậm với chính sách”, ông Giang Thanh Long phân tích.

Chính vì vậy, công tác rà soát, thống kê giữ vài trò rất quan trọng, giúp người dân tiếp cận chính sách dễ dàng, thuận tiện hơn. Ông Giang Thanh Long nêu ví dụ từ việc những người được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 116 đã có đầy đủ thông tin trong cơ sở dữ liệu và được hỗ trợ nhanh chóng, có thể thấy, khi số hóa công tác quản lý lao động thì chúng ta xử lý giải quyết chính sách rất nhanh, giảm chi phí rà soát. Đây cũng là yếu tố giúp chúng ta sử dụng hiệu quả các quỹ hỗ trợ cho người lao động. 

Thu Cúc

288 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 537
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 537
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76723999