Trưa 17.4, vừa gặp miếng thịt luộc chấm nước mắm ở phòng ăn của BĐBP tỉnh Quảng Trị, Hồ Văn Hinh (19 tuổi, trú thôn Trà Rụt, xã Tà Rụt, Đakrông, Quảng Trị) vừa nói: “Lâu lắm rồi em mới có bữa trưa ngon thế này. Trước đó em làm ở mỏ vàng bị ngược đãi, ăn uống khổ sở, làm nhiều, vất vả mà còn bị đánh đập, luôn sống trong sợ hãi”.
Thiếu tá Đặng Tất Phùng - Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng Ba Lin (BĐBP Quảng Trị - ngoài cùng bên trái) đứng bên những nạn nhân được giải cứu. Ảnh: Ngọc Vũ
Hinh kể, ở quê không có việc làm, cuộc sống khó khăn nên khi nghe một người đàn ông tên Nhất (trú thôn Ka Hẹp, xã Tà Rụt) giới thiệu vào Đà Nẵng làm phụ thợ xây với mức lương 6 triệu đồng/tháng, Hinh đã rủ thêm em trai là Hồ Văn Tài (18 tuổi) cùng đi.
Không ngờ, Hinh và Tài bị đưa đến mỏ vàng Khe Muối (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn) của Công ty TNHH Phước Minh (trụ sở tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) để khai thác vàng.
Hồ Văn Hinh kể chuyện bị người của công ty khai thác vàng bạt tai vì làm việc quá mệt mỏi dẫn đến ngủ gật. Hinh còn cho biết, em trai Hồ Văn Tài đã cùng chạy trốn nhưng giờ chưa rõ tung tích. Ảnh: Ngọc Vũ
Còn Hồ Văn Mây (24 tuổi, trú thôn Ba Lin, xã A Vao, Đakrông) cho hay, ông Nhất nói rằng vào bãi vàng Quảng Nam làm việc sẽ được hưởng lương 6 triệu đồng/tháng, ăn uống đầy đủ, chế độ đãi ngộ tốt, được bảo hộ lao động…
Thế nhưng, khi vào làm việc tại bãi vàng, mưa cũng như nắng, hàng ngày từ 4h30 người làm thuê như Mây đều phải thức dậy. Sau khi vệ sinh cá nhân, ăn cơm với canh sắn, đu đủ xào xong thì đến 5h40 phải làm việc cho đến 11h trưa, buổi chiều kéo dài từ 12h40 đến 17h. Những ai làm ca đêm thì thời gian từ 17h đến 23h, và từ 0h40 đến 5h sáng hôm sau.
Quần quật làm việc, bất chấp nguy hiểm, không có bảo hộ lao động, chân trần nhưng Mây chỉ được trả 110.000 đồng/ngày.
Đôi chân đầy vết đứt xước, xạm đen của các nạn nhân sau cuộc chạy trốn khỏi mỏ vàng tại Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Vũ
Trở về từ mỏ vàng Khe Muối, anh Hồ Văn Hùng (SN 1985, trú thôn Ba Lin, A Vao) cho biết, vẫn còn đau bởi bị dính mấy cú đấm của người Công ty TNHH Phước Minh. Nguyên nhân vì khi bị gọi dậy làm việc, anh Hùng chưa kịp tỉnh thì bị bảo vệ đấm vào mặt.
Hồ Văn Hinh cũng bị dính nhiều bạt tai vì làm việc mệt mỏi dẫn đến ngủ gật. “Chúng em bị quản lý rất chặt, chỉ quanh quẩn ở lán trại và chỗ đi vệ sinh. Chỉ cần đi quá giới hạn cho phép chúng em sẽ bị đánh. Hầu như ai cũng bị đánh đập” – Hinh kể.
Trốn chạy và thất lạc
Theo lời kể của Hinh, bị hành hạ, bóc lột sức lao động quá tàn nhẫn nên 12h trưa 12.4, có 12 nạn nhân đều ở huyện Đakrông rủ nhau bỏ trốn. Cả nhóm chạy thật nhanh xuyên qua những cánh rừng rậm, giẫm lên những cạnh đá sắc nhọn bằng đôi chân trần, áo quần rách tơi tả trước khi bị đám hơn chục người của Công ty TNHH Phước Minh truy đuổi bằng gậy, xẻng, dao…
Ông Hồ Văn Chức (SN 1973, trú thôn Ba Lin, A Vao - bên phải) bày tỏ lòng cảm ơn đối với BĐBP vì đã giải cứu con trai ông là Hồ Văn Huân (SN 1998). Ảnh: Ngọc Vũ
Hinh cho hay, trong 12 người bỏ chạy có em trai Hồ Văn Tài hiện nay đang bị lạc và một người khác bị bắt lại. 10 người còn lại chia thành 2 nhóm chạy bạt mạng, không định hướng.
“Lúc bỏ chạy vào rừng chúng em phải ăn lá cây, uống nước suối cầm cự, chân tay, quần áo bị cây rừng cào rách tả tơi, máu me đau ê ẩm, dù có thấy nhà dân nhưng không dám vào cầu cứu vì sợ là người của công ty sẽ bắt lại” – Hinh kể.
Nhận được thông tin về sự việc nghiêm trọng trên từ người thân của các nạn nhân, sau khi xác minh, BĐBP Quảng Trị đã lập tổ công tác gồm 5 cán bộ chiến sĩ do thiếu tá Bùi Đình Lợi – Trưởng Ban điều tra Phòng Phòng chống ma túy và Tội phạm BĐBP tỉnh Quảng Trị làm tổ trưởng.
Thiếu tá Bùi Đình Lợi – Trưởng Ban điều tra Phòng Phòng chống ma túy và Tội phạm BĐBP tỉnh Quảng Trị thăm hỏi, kiểm tra vết thương của anh Hồ Văn Hùng (xã A Vao) bị người công ty khai thác vàng đánh đập. Ảnh: Ngọc Vũ
Sáng 14.4, tổ công tác vào Quảng Nam, phối hợp với Công an tỉnh và BĐBP tỉnh Quảng Nam để điều tra xác minh. Cùng thời điểm, tổ công tác nhận được điện thoại của các nạn nhân báo tin có 5 người đang trú ẩn ở lán trại bảo vệ nhà máy thủy điện Đắc Min 3, thuộc xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn – cách mỏ vàng 60km nên lập tức đến đưa về.
Khai thác nhanh từ 5 nạn nhân, BĐBP xác định có thêm một nhóm 5 người khác đã bỏ chạy về khu vực xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) nên tiếp tục giải cứu thành công.
Sau đó, tổ công tác tiếp tục làm việc với Công ty TNHH Phước Minh giải cứu thêm 1 thanh niên nữa cho về quê.
Các nạn nhân được chăm sóc y tế, cho ăn uống, nghỉ ngơi chu đáo tại Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ
“Lúc chạy trốn chúng em không tin ai, chỉ núp trong lùm cây bụi rậm, mãi đến khi thấy cán bộ biên phòng tỉnh Quảng Trị đến thì mới dám bước ra. Khi được ôm chặt các anh biên phòng chúng em mới cảm thấy mình đã an toàn sống sót” – Hồ Văn Hinh nói.
Tối 16.4, các nhân đã được đưa về Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị chăm sóc y tế, cho nghỉ ngơi, ăn uống.
Theo lời các nạn nhân, tại khu vực mỏ vàng khe Muối có khoảng 170 người làm thuê đến từ các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… Điều đáng lưu tâm là số lao động này đều có nhu cầu về quê nhưng không thể thoát ra.
Thiếu tá Bùi Đình Lợi – Trưởng Ban điều tra Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ vụ việc, đồng thời cảnh báo lao động muốn đi làm cần báo cáo chính quyền địa phương để được tư vấn nơi làm việc an toàn.
Theo Ngọc Vũ (Dân Việt)