Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 - một sự kiện lịch sử tiêu biểu của dân tộc ta trong thế kỷ XX 

Cách đây 56 năm, đúng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, toàn quân và toàn dân ta ở miền Nam đã mở cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt đánh vào hầu hết các thành phố, các thị xã, thị trấn, chi khu, quận lỵ, sân bay và căn cứ hậu cần của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn trên toàn chiến trường miền Nam. Đây là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược, đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi hoàn toàn.

Chủ trương của Đảng ta mở cuộc tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 trong bối cảnh cách mạng nước ta gặp nhiều khó khăn, thử thách. Mặc dù đầu năm 1965, chiến lược "chiến tranh đặc biệt" bị phá sản, nhưng đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược "chiến tranh cục bộ", ồ ạt đưa quân Mỹ vào tham chiến ở quy mô lớn ở miền Nam, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Tham vọng của đế quốc Mỹ trong chiến lược "chiến tranh cục bộ" là đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng từ 25 đến 30 tháng, với kế hoạch ba giai đoạn, hai cuộc phản công chiến lược, mà giai đoạn ba dự tính là hoàn thành việc tiêu diệt khối chủ lực của ta, tiếp tục bình định miền Nam, rút quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ về nước vào cuối năm 1967. Đứng trước tình thế đó, Đảng ta khẳng định: "Với việc thay đổi chiến lược chiến tranh như trên của đế quốc Mỹ, cách mạng và cuộc kháng chiến của nhân dân ta đứng trước một tình thế hiểm nghèo. Đảng ta, Nhân dân ta sẽ đối phó với thách thức ấy như thế nào? Trên chiến trường, cách đánh với quân Mỹ sẽ ra sao? Có tiếp tục đấu tranh chính trị được nữa hay không? Vận mệnh của dân tộc, chiều hướng phát triển của sự nghiệp cách mạng nước ta và trên một mức độ nào đó của cả phong trào cách mạng thế giới, phụ thuộc vào câu trả lời về cách thức chúng ta xử trí tình huống chiến lược hệ trọng này"(1).

Đảng ta đã đánh giá tình hình chiến lược mới một cách bình tĩnh và sáng suốt, tạo nên sự nhất trí cao trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, cả nước một lòng thực hiện Lời kêu gọi vang dậy núi sông của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn"(2). Theo đó, với khí thế quyết chiến, quyết thắng, quân dân ta đã đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của địch ở miền Nam, đánh bại một bước chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, tạo đà cho cách mạng Việt Nam tiến lên.

Tháng 5-1967, ngay sau khi cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của quân Mỹ kết thúc, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá tình hình, xem xét dự thảo Kế hoạch chiến lược Đông - Xuân 1967 - 1968. Tiếp đó, tháng 6-1967, Hội nghị Bộ Chính trị được triệu tập và bàn bạc rất kỹ dự thảo kế hoạch chiến lược này. Hội nghị nhận định, thắng lợi của quân và dân ta giành được trên cả hai miền Nam, Bắc là to lớn, toàn diện. Thắng lợi đó đã làm thất bại một bước rất cơ bản chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, đẩy chúng vào thế lúng túng, bị động về chiến lược. Hội nghị còn nhận định, về phía ta, cả thế và lực đang có những tiến bộ, cho phép ta "trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn"(3).

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Khải - Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, từ ngày 20 đến ngày 24-10-1967, Bộ Chính trị họp bàn cụ thể hơn về chủ trương và kế hoạch chiến lược năm 1968 - kế hoạch tiến công táo bạo "Tết Mậu Thân” lịch sử. Tại Hội nghị này, thay mặt Quân ủy Trung ương, đồng chí Văn Tiến Dũng trình bày dự thảo Kế hoạch chiến lược Đông - Xuân - Hè 1967-1968 làm cơ sở cho Bộ Chính trị bàn bạc và thảo luận. Bên cạnh đó, Hội nghị còn dành thời gian nghe báo cáo về tình hình địch của Cục 2, về tình hình ta của Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu, về các kế hoạch tác chiến của Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khu 5, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trên cơ sở đường lối độc lập, tự chủ và thảo luận kỹ các báo cáo, đặc biệt là Kế hoạch Đông - Xuân - Hè 1967-1968 do Quân ủy Trung ương dự thảo, Bộ Chính trị chủ trương tạo một bất ngờ lớn về chiến lược đánh địch. Để tạo được bất ngờ về chiến lược, Bộ Chính trị quyết định thời gian bắt đầu mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Mậu Thân. Tiếp đó, tháng 11-1967, Bộ Chính trị họp tiếp để bàn cụ thể về Kế hoạch tổng khởi nghĩa ở các đô thị miền Nam.

Quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị, các chiến trường, các địa phương nhanh chóng bắt tay chuẩn bị trực tiếp cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, cụ thể: xây dựng và hoàn chỉnh phương án, kế hoạch công kích; khởi nghĩa; tổ chức, điều động, bố trí lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị; phân chia chiến trường; tổ chức hệ thống bảo đảm hậu cần; triển khai mạng lưới giao liên từ căn cứ xuống vùng ven, vào nội thành; chuẩn bị khu vực, địa điểm cất giấu lực lượng và địa bàn xuất phát tiến công; điều tra các mục tiêu và nắm tình hình cũng như quy luật hoạt động của địch ở nội đô. Đồng thời, huy động lực lượng bí mật bằng nhiều đường, nhiều loại phương tiện vận chuyển vũ khí vào nội thành cất giấu... Để khắc phục mọi khó khăn, các địa phương, các chiến trường đã phân cấp, phân hướng, trên dưới đồng thời chuẩn bị. Trong điều kiện thời gian gấp, chiến trường chia cắt, hơn một triệu quân Mỹ, quân đội Sài Gòn, quân một số nước đồng minh của đế quốc Mỹ với bộ máy kìm kẹp cùng mạng lưới tình báo, gián điệp, chỉ điểm giăng rộng và trà trộn khắp mọi nơi nhưng quá trình chuẩn bị của ta vẫn giữ bí mật tuyệt đối và cơ bản hoàn tất trước khi ngày giờ nổ súng bắt đầu.

Cùng với quá trình chuẩn bị, các chiến trường mở đợt hoạt động Thu - Đông 1967. Đợt hoạt động này nằm trong khuôn khổ giai đoạn 1 của kế hoạch tác chiến chiến lược. Mục đích của đợt hoạt động là trực tiếp tạo thế, tạo lực cho Tết Mậu Thân, buộc địch phải phân tán binh lực, nghi binh làm lạc hướng chú ý của chúng, tạo thêm điều kiện cho quá trình chuẩn bị của ta. Vì thế, ở vùng ven đô thị và vùng nông thôn đồng bằng, lực lượng vũ trang ta được lệnh duy trì các hoạt động. Trong khi đó, chủ lực Quân giải phóng liên tiếp mở các chiến dịch có quy mô tương đối lớn ở khu vực rừng núi nhằm đánh bồi vào quân Mỹ, phá kế hoạch chuẩn bị phản công lần thứ ba của chúng và lôi kéo, ghìm chân một bộ phận quan trọng chủ lực Mỹ tại vòng ngoài(4). Cùng với hoạt động trên chiến trường miền Nam trong Thu - Đông 1967, cơ quan chỉ đạo chiến lược đã đề ra các biện pháp nghi binh nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của bộ chỉ huy đối phương(5).

Trên cơ sở nhận định về tình hình chiến trường miền Nam năm 1968, Mỹ - Ngụy chủ trương tiếp tục mở cuộc phản công chiến lược lần thứ ba, mùa khô 1967-1978 mà hướng chủ yếu vẫn là miền Đông Nam Bộ và hướng quan trọng là Trị - Thiên nhằm duy trì thế giằng co, tránh mọi sự đảo lộn bất ngờ, chờ cho kỳ bầu cử tổng thống mới ở Mỹ kết thúc sẽ tính toán bước đi tiếp theo.

Ngày 28-12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 và chủ trương: "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định"(6). Bộ Chính trị quyết định: "Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định"(7). Tháng 1-1968, để giữ bí mật ý đồ chiến lược, Ban Chấp hành Trung ương lên họp ở Kim Bôi, Hòa Bình để thông qua Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12-1967. Hội nghị Trung ương phân tích sâu sắc, toàn diện các vấn đề Bộ Chính trị nêu ra, tính kỹ các phương án, cuối cùng Trung ương nhất trí với Bộ Chính trị và lấy đó làm Nghị quyết Trung ương lần thứ 14. Phát biểu trong Hội nghị, đồng chí Trường Chinh cho đây là một sáng tạo lớn của Đảng. Căn cứ vào Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 14, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh gấp rút hoàn chỉnh lần cuối phương án tổng công kích - tổng khởi nghĩa và xác định cụ thể: "Cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở hướng phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh, nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, một đòn tiến công chiến lược đánh vào thị xã, thành phố quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng nông thôn và đô thị, mở đầu cho tổng công kích - tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn, Gia Định, Đà Nẵng, Huế; trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Huế - Đà Nẵng và các thành phố lớn"(8).

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 30 rạng ngày 31-1-1968, quân dân miền Nam từ Trị - Thiên đến Khu 5 và Nam Bộ đã tiến công và nổi dậy đồng loạt hướng trọng điểm nhằm vào các thành phố, thị xã, nhất là các hang ổ của địch ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, các căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng, kho tàng lớn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trên toàn miền, gây cho chúng tổn thất lớn và choáng váng nhiều ngày, đối phó bị động, lúng túng ở tất cả các vùng chiến lược, nhiều nơi ta đánh chiếm và làm chủ được nhiều ngày.

Ở Huế, quân và dân ta hoàn toàn làm chủ thành phố, đánh lui hàng trăm đợt phản kích của địch. Ở Sài Gòn - Gia Định, sào huyệt đầu não của địch, quân và dân ta tập kích nhiều mục tiêu quan trọng như Tòa Đại sứ Mỹ, dinh "Gia Long", Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn... là những nơi đề xướng và điều hành mọi tội ác chiến tranh chống Nhân dân, chống cách mạng. Đánh phá làm tê liệt nhiều hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, làm ngưng trệ việc vận chuyển và thông tin liên lạc của địch trong nhiều ngày, nhiều giờ. Phối hợp chặt chẽ với tiến công, đội quân chính trị hùng hậu của Nhân dân ở cả nông thôn và thành thị nổi dậy mạnh mẽ, lật đổ bộ máy chính quyền cơ sở, phá ách kìm kẹp của địch ở nhiều nơi, san bằng hàng loạt "ấp chiến lược", giành quyền làm chủ nhiều vùng rộng lớn, xây dựng và củng cố hậu phương trực tiếp, mở rộng địa bàn của ta.

Thắng lợi lớn nhất và quan trọng nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là ta đã làm đảo lộn chiến lược chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ - một siêu cường quân sự, kinh tế, làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của chúng. Trong chiến tranh, thắng lợi ở quy mô chiến dịch là rất quan trọng, song chỉ khi làm đảo lộn kế hoạch chiến lược chiến tranh của đối phương mới tạo được chuyển biến lớn, thay đổi cục diện chiến trường. Đó là vấn đề có tính quy luật thuộc về nghệ thuật chỉ đạo và điều hành chiến tranh, có tác động lớn đến tiến trình và kết cục cuộc chiến tranh. Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ta đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Sự kiện Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta là lần đầu tiên trong lịch sử Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, quân Mỹ bị đánh bại bởi một dân tộc nhỏ ở cách xa nước Mỹ.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đồng thời đã tác động trực tiếp đến đời sống chính trị - tinh thần nước Mỹ, làm cho làn sóng đấu tranh phản đối chiến tranh xâm lược trong Nhân dân Mỹ lên cao chưa từng thấy - một cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ. Không còn sự lựa chọn nào khác, ngày 31-3-1968, Tổng thống Giônxơn buộc phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pari và không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai.

"Kết quả cuộc Tổng tiến công và nổi dậy chứng tỏ Đảng ta không máy móc, mà luôn luôn có những phát kiến chiến lược lớn, luôn luôn sáng tạo trong chủ trương cũng như trong chỉ đạo toàn dân, toàn quân hành động"(9). Đánh giá về sự kiện Tết Mậu Thân 1968, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng sau ngày toàn thắng đã nêu rõ: ”... Thắng lợi rất oanh liệt của đòn tiến công và nổi dậy táo bạo, bất ngờ đó đã đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari"(10).

Như vậy, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã mang lại cho quân và dân ta một xung lực mới, một khả năng mới và củng cố niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng ngay trong những ngày tháng cam go, ác liệt nhất. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ta đã cùng lúc đánh đồng loạt vào gần 40 thành phố, thị xã toàn miền Nam, trong đó tập trung vào các sào huyệt quan trọng, hiểm yếu nhất của đế quốc Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa như Sài Gòn, Huế... Mặc dù còn có những khuyết điểm, hạn chế, song thắng lợi to lớn mà Tết Mậu Thân 1968 tạo ra là không thể phủ nhận được. Từ đó có thể khẳng định, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một sự kiện lịch sử tiêu biểu trong thế kỷ XX, góp phần đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà./. Phan Văn Lãn

-----------------------------------

(1) Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Nxb. Quân đội nhân dân, Hà nội, 1998, tr.19.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.131.

(3). Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.384-385.

(4) Chiến dịch Lộc Ninh – Đường 13 của chủ lực miền Nam (27-10 đến 10-2-1967) ở khu vực rừng núi miền Đông Nam Bộ; Chiến dịch Đắk Tô của lực lượng vũ trang Tây nguyên (đầu tháng 11-1967).

(5) Tung bản tác chiến giả vào chiến trường, phóng thích hai tù binh “giặc lái” Mỹ về đoàn tụ với gia đình nhân dịp Nôen năm 1967, nhắc lại tuyên bố ngày 28-1-1967 của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, rằng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ nói chuyện với Chính phủ Hoa Kỳ sau khi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc vô điều kiện,…

(6) Hồ Khang: Tết Mậu Thân 1968 – Bước ngoặt lớn của Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.95.

(7) Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12-1967 được Ban chấp hành Trung ương thông qua tháng 1-1968 thành Nghị quyết Trung ương 14.

(8) Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 11- Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1955), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.238.

(9) Cuộc tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998, tr.265.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđđ, t.37, tr.481.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

319 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 301
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 301
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88181833