Cuộc chiến trong lòng đất 

Theo thống kê, hiện trạng tồn lưu, ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh tại Việt Nam có ở tất cả 63/63 tỉnh, thành với tổng diện tích 6,1 triệu ha (chiếm 18,71% diện tích cả nước).

 

Học sinh Bình Định vẽ tranh hưởng ứng Ngày thế giới nâng cao nhận thức và phòng chống bom mìn

Học sinh Bình Định vẽ tranh hưởng ứng Ngày thế giới nâng cao nhận thức và phòng chống bom mìn

Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực phối hợp với các tổ chức quốc tế để cố gắng giải quyết dứt điểm những tàn dư, hệ lụy của các cuộc chiến nhằm hồi sinh lại những vùng đất chết. Đó là thông tin được đưa ra tại lễ kỷ niệm Ngày thế giới nâng cao nhận thức và phòng chống bom mìn (4-4) được tổ chức tại Bình Định vào sáng 31-3.

Ám ảnh

Suốt gần 44 năm qua, từ khi đất nước được giải phóng, hòa bình, nhưng đâu đó vẫn còn xảy ra những cái chết đau lòng do bom đạn của chiến tranh còn sót lại gây nên. Trong đó, dải đất miền Trung được ví như một “túi bom khổng lồ” của cả nước. Những vùng đất như Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định… có nơi từng bị san phẳng bởi bom mìn trong chiến tranh. Chỉ tính riêng ở Bình Định, từ năm 1965 - 1975, không quân Mỹ đã ném xuống đây khoảng 251.500 tấn bom mìn, vật liệu nổ và ước tính còn sót lại 8.000 tấn trên 247.000 ha đất (chiếm gần 40,8% diện tích đất tự nhiên).

Với số bom mìn trên, người dân Bình Định luôn ám ảnh trong đầu sự chết chóc, tang thương xuất phát từ dưới những lớp đất cát. Từ tháng 5-1975 đến nay, toàn tỉnh Bình Định đã xảy ra 627 vụ tai nạn về bom mìn, vật liệu nổ, làm chết 1.045 người và bị thương 3.049 người. Đa số những cái chết này là từ các hoạt động khai hoang, canh tác và trồng trọt với 289 vụ; mua bán phế liệu, cưa đục bom mìn 216 vụ; đào mương thủy lợi, giếng nước và các công trình 72 vụ; 50 vụ do trẻ em nghịch bom mìn…

Theo Đại úy Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Công binh BCH Quân sự tỉnh Bình Định, nhiều vụ nổ vô cùng tang thương đã xảy ra mà đến bây giờ người dân vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại. Đất đai Tổ quốc sau chiến tranh vẫn còn hiện hữu sự chết chóc ở mọi ngóc ngách. Tàn dư hậu chiến vẫn còn gây gián đoạn rất lớn đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Hơn 10 năm trước ở vùng đất xung quanh kho đạn hồ Phú Hòa - Đèo Sơn (phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) xảy ra một vụ nổ đạn pháo 105 ly kinh hoàng khiến 6 cha con chết thảm”, ông Hùng dẫn chứng.

Nỗ lực hồi sinh

Trong thông điệp gửi tới các quốc gia trên thế giới, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc António Guterres nhấn mạnh: “Con đường để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 là phải dọn sạch được bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Những nỗ lực rà phá sạch bom mìn đem lại những khu đất an toàn, nhiều ngôi nhà được xây lại và xây mới trên đó…, phải thay đổi được cách suy nghĩ của người dân, làm sao để họ có thể biết cách bảo vệ bản thân mình. Chính điều đó sẽ đem lại chân trời mới và hy vọng mới cho mọi người và cộng đồng”.

Theo Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), trên thế giới số lượng trẻ em là nạn nhân của các vụ tai nạn do bom mìn, vật liệu nổ gây ra đã gia tăng trong nhiều năm qua (chiếm hơn 1/2 số thương tật và tử vong ở trẻ em). Trong cuộc khảo sát kiến thức, thái độ, hành vi liên quan đến rủi ro bom mìn, thực hiện tại Bình Định vào năm 2018 cho thấy: Hơn 1/2 số người tham gia khảo sát chưa có kiến thức về lĩnh vực này, có đến 87% số người trả lời không đúng về xử lý tình huống rủi ro.

Bà Catherine Phuong, Trợ lý Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, gửi đến thông điệp: “Vẫn còn nhiều việc cần phải làm để đảm bảo rằng tất cả người dân biết được hành vi an toàn khi gặp các tình huống rủi ro từ bom mìn, vật liệu nổ. Phải giảm thiểu tối đa nhất những tai nạn, cho đến khi nào tất cả đất đai đều được làm sạch”.

Còn bà Cho Jung Myung, Phó Giám đốc quốc gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), nhấn mạnh: “Tinh thần Ngày thế giới nâng cao nhận thức và phòng chống bom mìn năm nay là để không còn những tai nạn thương tâm do bom mìn gây ra. Trẻ em và thanh thiếu niên là đối tượng cần được bảo vệ nhất trước những tàn dư của chiến tranh. KOICA, UNDP và Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) sẽ nỗ lực trong việc tổ chức rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thiết lập một hệ thống tốt hơn để quản lý các vấn đề liên quan đến bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh”.

NGỌC OAI

494 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 837
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 837
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87144663