Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị 

Trong 81 ngày đêm “Lửa thép Cổ Thành”, Mỹ nguỵ đã dùng mọi âm mưu thâm độc, xảo quyệt, chúng đã dồn sức cao nhất hòng giành được chiến thắng nhanh nhất với tốc độ “Tốc chiến tốc thắng”, nhưng chúng đã gặp một thứ “lửa – thép” đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tôi luyện gần 30 năm trong đấu tranh giải phóng dân tộc thiêu cháy tất cả. 81 ngày đêm chốt vùng thị xã và Thành Cổ Quảng Trị là một trong những bản anh hùng ca tuyệt vời về sức mạnh của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. “Lửa – thép Cổ Thành Quảng Trị” mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Đúng như nhận định của Tỉnh uỷ Quảng Trị “Thất bại của địch ở Quảng Trị là một thất bại có ý nghĩa chiến lược. Do đó, chúng rất cay cú, chúng sẽ tìm hết mọi âm mưu thủ đoạn để phản kích nhằm phá hoại mọi thành quả mà ta đã đạt được, thậm chí chúng có thể đánh chiếm lại Quảng Trị”, ngày 13-6-1972 Nguyễn Văn Thiệu quyết định mở cuộc hành quân “Tái chiếm lại Quảng Trị”. Ngày 14-6-1972, địch bắt đầu mở cuộc hành quân. Đây là cuộc hành quân cực kỳ đẫm máu và tàn bạo. Ba mươi vạn Nhân dân Quảng Trị lại phải đương đầu với thử thách mới, một thử thách vô cùng quyết liệt chưa từng có trong lịch sử chiến tranh.

Sau mấy ngày đổ bộ nghi binh, bắn phá dọn đường, sáng sớm ngày 28/6/1972, từ tuyến xuất phát đông Mỹ Chánh, bộ binh và xe tăng địch mở cuộc phản kích mang mật danh “Lam Sơn 72”. Chúng kết hợp tiến công đường bộ (đường số 1 và 68) với đổ bộ đường không (nam sông Nhùng, Cổ Lũng) và đường biển (Thuận Đầu) từ nhiều hướng tiến đánh các chốt của ta trên đường tới thị xã. Với tham vọng và nỗ lực rất lớn của cả Mỹ lẫn quân đội Sài Gòn, mặt trận Quảng Trị, đặc biệt là thị xã, thành cổ Quảng Trị trở thành mục tiêu trọng yếu nhất, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch.

Để chủ động đối phó cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị, ngay từ khi địch đang tập kết quân, ngày 25/6/1972, Bộ Tư lệnh B5 lệnh cho Tỉnh đội Quảng Trị: Khẩn trương chuẩn bị chiến đấu, đánh bại cuộc phản kích lớn của địch nhằm tái chiếm lại toàn bộ tỉnh Quảng Trị trước mắt chiếm cho được thị xã. Bộ đội địa phương, du kích vừa phối hợp khẩn trương đưa 8 vạn dân của thị xã và 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng đến các nơi an toàn, vừa tổ chức nhiều đợt tập kích đánh địch ở nhiều hướng. Khắp các xã, phường phía Nam tỉnh, trên tuyến sông Vĩnh Định, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích nung nấu lời thề “còn người còn trận địa, quyết tử bảo vệ quê hương”, kiên cường chiến đấu không cho địch vào thị xã.   

Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị bố trí lực lượng tại khu vực thị xã với biên chế đầy đủ cho Tiểu đoàn bộ binh 8, Tiểu đoàn bộ binh 3, Đại đội 32 của thị xã, cùng các đơn vị du kích tập trung để phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực bảo vệ địa bàn. Trên hướng Đông, Tiểu đoàn bộ binh 14, với nhiệm vụ chủ yếu là cùng bộ đội chủ lực chốt giữ khu vực Cửa Việt, đồng thời cùng với cán bộ cơ sở vận động, tổ chức sơ tán nhân dân về phía sau, kể cả vùng địch tràn qua. Chuẩn bị mặt trận sau lưng địch, Tiểu đoàn 10 đặc công và các đại đội bộ đội địa phương của hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng cùng các đội du kích, bám trụ thôn xã, sẵn sàng tập kích đánh vào hậu phương địch.

Sáng ngày 28-6, với sự chi viện của không quân và hải quân Mỹ, các sư đoàn chủ lực ngụy bắt đầu ồ ạt tiến công sang bờ bắc sông Mỹ Chánh thực hiện cuộc hành quân “tái chiếm lãnh thổ”. Cuộc đánh trả địch phản công của quân và dân Quảng Trị cùng với bộ đội chủ lực trên mặt trận Quảng Trị quyết liệt ngay từ những ngày đầu. Sau 20 ngày tiến công vào thị xã, địch chỉ lấn thêm đến làng Trí Bưu, làng Cổ Thành và khu vực chợ Sãi, mọi cuộc tấn công ồ ạt của quân địch đều bị chặn lại trước những chốt thép kiên cường của quân ta. Trong suốt thời gian từ ngày 04/7/1972 đến ngày 27/7/1972, địch đã nhiều lần tấn công vào các trận địa của ta nhưng đều bị ta đánh trả quyết liệt. Tiểu đoàn 14 của tỉnh đội Quảng Trị phối hợp với du kích tại chỗ đánh địch ở tuyến các làng Cu Hoan, Trà Trì, Trà Lộc. Ngày 22/7/1972, địch đổ bộ bằng trực thăng xuống bắc sông Vĩnh Định đã bị LLVT tỉnh cùng với bộ đội chủ lực đánh thiệt hại nặng.

Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ ác liệt và hy sinh, các chiến sĩ quân đội ta  chiến đấu kiên cường, chỉ trong vòng từ ngày 28-6 đến 27-7-1972, các đơn vị chốt giữ thị xã và Thành Cổ Quảng Trị đã đánh thiệt hại nặng lữ đoàn dù 2 và 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, buộc sư đoàn dù phải lui về phía sau củng cố. Ở phía Nam tỉnh, trong vùng địch tràn qua, chiến tranh du kích lan rộng. Lực lượng vũ trang tỉnh mở những trận đánh táo bạo ở Hội Yên, Gia Đẳng (Tiểu đoàn 10), ở Trà Trì, Trà Lộc (Tiểu đoàn 14), đánh sập cầu Hội Yên, Ngô Xá Đông, cầu Ba Bến trên tỉnh lộ 68 (Đại đội 24 Công binh). Du kích Triệu Sơn, Triệu Trạch, Triệu Thượng… tập kích địch bằng súng bộ binh, chông bẫy.

Bước sang tháng 8 cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch ở khu vực thị xã và Thành cổ ngày càng diễn ra ở mức độ cao hơn. Sau khi chiếm được một số địa bàn có lợi, địch chuyển sang tấn công vào thị xã. Với ý chí “còn người, còn trận địa”, K3 Tam Đảo còn, Thành Cổ Quảng Trị còn” cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 8 chốt giữ trong thành đã đánh bật nhiều đợt phản kích của địch. Để giữ được Thành cổ, chiến sỹ ta đã phải sử dụng chiến thuật phối hợp hỏa lực và vận động, dùng pháo binh, xe tăng dẫn đầu đánh tan những vị trí địch yếu kém. Các dàn súng phòng không cơ động ngăn không cho máy bay đến đúng tầm có thể yểm trợ, nhờ đó xe tăng ào tới chiếm các mục tiêu của địch. Nhiều trận đánh giữa ta và địch giành giật từng mảnh vườn, mỏm đồi, góc phố diễn ra hết sức quyết liệt.

Để hỗ trợ cho tinh thần quân ngụy, ngoài máy bay chiến thuật, chiến lược oanh tạc theo yêu cầu của bộ binh ở tiền duyên, Mỹ còn cho pháo hạm, pháo mặt đất tầm xa bắn tới 20.000 viên đạn suốt một ngày. Với chiến thuật “chậm chắc” mỗi khi gặp quân ta, địch dừng lại, gọi bom, pháo đánh rồi mới tổ chức tiến công tiếp. Bởi vậy, trên dải đất hẹp chỉ vài cây số vuông của thị xã và Thành cổ Quảng Trị, suốt ngày bom đạn nổ rền rĩ, mặt đất như chảo lửa lớn. Song, dù địch tập trung vào đây một lượng lớn, tinh nhuệ, dội hàng chục vạn tấn bom, các trận địa đang nghiêng ngả, chao đảo vì bom đạn, nhưng trước sự chiến đấu kiên cường, tiến công diệt địch, người này ngã người khác thay, các lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu vẫn đứng vững trên trận địa.

Cuộc chiến đấu giữa quân và dân ta với quân địch trong những ngày tiếp sau của tháng 9 trên mặt trận Thị xã và Thành Cổ Quảng Trị bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Những cuộc chiến đấu khốc liệt để giành được từng đoạn hào, căn hầm, gầm cầu, hố đất, cống rãnh... đã lên tới đỉnh điểm. Cả một vùng thị xã kéo dài xuống  bãi biển trở thành một vùng bình địa đổ nát, tan hoang. Nhiều điểm chốt, thước đất đã thấm máu của hàng chục chiến sĩ hy sinh nằm lại... Mức độ khó khăn, quyết liệt không chỉ là ở những "tọa độ lửa" dày đặc, ở những trận đánh chiếm ác liệt, mà còn do thời tiết xấu, mưa, lũ lụt kéo dài làm cho ta gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Số thương vong của các đơn vị chốt giữ thị xã và Thành Cổ ngày một nhiều thêm. Hỏa lực chi viện cho thị xã giảm dần. Các ngả đường tiếp tế qua sông bị địch chặn đánh quyết liệt, lại bị nước lũ chia cắt gây rất nhiều thiếu thốn, trở ngại. Trước tình thế đó, quân ta được lệnh rút lui sang sông Thạch Hãn hồi 18 giờ, ngày 16/9/1972.

Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm (từ 28-6 đến 16-9-1972), gắn cùng với dòng sông Thạch Hãn đầy bi tráng đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử, lay động lương tri loài người, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đánh giá sự kiện này, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư của Đảng ta nói: “Chúng ta chịu được không phải vì chúng ta gang thép, vì gang thép cũng cháy với bom đạn của chúng, mà chính ta là con người, con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống 4000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.

Thắng lợi chiến dịch Xuân- Hè 1972 giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, góp phần thực hiện tích cực quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng đó là: Phát triển thế tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, đánh bại chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trong thế thua. Cùng với những chiến công oanh liệt của cả nước, nổi bật là trận “Điện Biên phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội năm 1972, chiến thắng tại Quảng Trị đã làm thất bại mưu đồ đàm phán trên thế mạnh của Mỹ, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari, rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam, làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo bước ngoặt căn bản của cuộc kháng chiến.

Chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng là sự kiện trọng đại trên chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. Lần đầu tiên một tỉnh ở miền Nam được giải phóng, trở thành nơi đặt trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cổ vũ mạnh mẽ quân, dân cả nước xốc tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đó cũng là sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị trong 30 năm chiến tranh giải phóng nói chung, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng.

Thời gian đã lùi xa, nhưng chiến tích oai hùng năm xưa trên chiến trường Quảng Trị vẫn còn vang vọng, chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ mãi mãi giữ nguyên ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử to lớn và để lại những bài học quý báu cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Lê Như Tâm (tổng hợp)

1403 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 982
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 982
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76430005