|
Cán bộ y tế quận Hoàng Mai làm nhiệm vụ không kể ngày đêm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm. |
Chạy đua với thời gian
Việc truy vết giống như một cuộc rượt đuổi, chạy đua với thời gian, nếu chậm trễ một chút thì khó khăn sẽ nhân đôi, nhân ba, mạng lưới ca bệnh sẽ tiếp tục lan nhanh từng giờ… Đó là chia sẻ của những cán bộ y tế làm công tác truy vết trong những ngày Hà Nội đang căng mình phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Trưởng Phòng Y tế quận Hoàng Mai cho biết, trong đợt dịch thứ 4 này quận Hoàng Mai có 81 ca mắc COVID-19 (tính đến chiều 22/7). Vì vậy, việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Nếu người dân không phối hợp với lực lượng chức năng thì khi dịch lan rộng sẽ không thể đủ người làm công tác phòng, chống dịch. Bởi ngay cả bản thân các y, bác sĩ cũng phải giữ sức khỏe để có thể chiến đấu lâu dài, nhất là trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay. Bên cạnh đó, người truy vết cũng có rất nhiều khó khăn nhưng người dân cũng có cái khó vì họ không biết về đối tượng nguy cơ và kiến thức y khoa. Hơn lúc nào, nhân viên y tế vừa phải là cán bộ chuyên môn vừa là cán bộ tuyên truyền. “Mình vừa làm vừa giải thích, vừa động viên để người dân phối hợp trong phòng, chống dịch”, ông Trung cho biết thêm.
Khi nắm bắt được thông tin về ca bệnh, cán bộ y tế ngay lập tức xuống địa bàn thực tế để triển khai các biện pháp, vì chỉ cần muộn một chút thôi thì ngay lập tức “vết” sẽ lan rộng và khó truy tìm được hơn. Vì vậy, bất kể một thông tin nào liên quan đến trường hợp tiếp xúc là lực lượng y tế cũng như Tổ COVID-19 cộng đồng tiến hành khoanh vùng luôn. Trường hợp có số điện thoại, sẽ gọi luôn cho người dân yêu cầu họ ở đâu ngồi yên ở đó. Nếu không có số điện thoại thì đến tận nơi để khoanh vùng, phun khử khuẩn…; ra quyết định cách ly, trường hợp nào phải đi, trường hợp nào cần cách ly tại nhà. Việc phân bổ các công việc này phải được làm khẩn trương, nhanh chóng, chỉ như vậy mới kịp “bắt dấu” ca bệnh và các F liên quan. Công việc này là nhiệm vụ xuyên suốt, không quản ngày đêm hay nắng mưa, anh chị em y tế đều dốc sức để hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh nhất, tốt nhất.
“Tuy nhiên, do dịch ngày càng diễn biến phức tạp, lực lượng xét nghiệm và làm công tác y tế lại mỏng, cán bộ y tế đã tăng cường thời gian làm việc luôn chân luôn tay, không ngơi nghỉ, hết việc này sang việc khác trong bộ quần áo bảo hộ dày. Nhiều khi đến 12h trưa nhưng chưa xong việc, anh chị em bảo nhau làm cố đến 2h-3h chiều cho xong rồi mới cởi quần áo bảo hộ rồi ăn... bữa trưa để tiết kiệm thời gian”, ông Trung chia sẻ.
Đặc biệt, có những cán bộ y tế phải đến ở cơ quan nhiều tháng trời. Do công việc truy vết chứa nhiều yếu tố nguy cơ cao (hằng ngày tiếp xúc nhiều với các F) nên các y, bác sĩ đã tự “cách ly đặc biệt” để giữ cho mình, cho gia đình và cho người thân, đồng nghiệp. Theo ông Trung, nhiều khi công việc căng thẳng, phải quán triệt, động viên anh chị em luôn giữ vững tinh thần bình tĩnh, phải tìm ra nguyên nhân và giải pháp tốt nhất trên tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, tạo thêm động lực để cùng nhau vượt qua và làm tốt nhiệm vụ được giao.
Ngay khi có thông tin ca bệnh, nhân viên y tế Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế, quận Hai Bà Trưng lập tức có mặt để truy vết. Ảnh: Thiện Tâm.
Quyết không để mất dấu
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Chương, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật của Trung tâm Y tế (TTYT) quận Hai Bà Trưng cho biết đây là một trong những địa bàn của Thành phố có nhiều ca F0 nhất hiện nay. Trong đó, có nhiều ca mắc chưa rõ nguồn lây như ở Trại Găng, phường Thanh Nhàn; khu phố Bùi Thị Xuân, phường Vĩnh Tuy và một số điểm nhỏ lẻ khác nên tình hình rất phức tạp.
Khoa Kiểm soát bệnh tật của TTYT quận có 15 cán bộ tham gia phòng chống dịch, điều tra truy vết. Với số lượng ca F0 nhiều như hiện nay (59 ca tính đến chiều ngày 22/7) các cán bộ rất vất vả. Nhất là trong tuần vừa rồi anh em phải làm cả ngày, cả đêm, cứ có thông tin là đi ngay địa bàn và trong 1 tiếng đồng hồ phải điều tra xong việc truy vết để đưa các F đi cách ly.
Hiện ở Hà Nội, dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát nên mục tiêu truy vết vẫn đặt lên hàng đầu, nhằm giúp khoanh vùng nhanh và dập dịch ngay không để lan rộng.
|
Công tác điều tra truy vết gặp nhiều khó khăn nhưng các cán bộ y tế vẫn quyết tâm khoanh vùng nhanh nhất có thể. Ảnh: Thiện Tâm. |
Ông Đặng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc, quận Hà Đông cho biết, là lãnh đạo của phường nhưng bản thân trực tiếp tham gia truy vết nên ông thấy rõ sự vất vả, khó khăn với lực lượng làm công tác này.
Từ ngày 29/4 đến nay, phường có 1 ca F0 và đã nhanh chóng truy vết điều tra 10 F1 liên quan, trong đó trên địa bàn phường có 4 ca F1 và 6 ca thuộc địa phương khác.
Hiện trên địa bàn phường có 12 Tổ COVID-19 cộng đồng, với 280 người. Thời gian qua Tổ COVID-19 cộng đồng đã phát huy rất hiệu quả từ việc điều tra dịch tễ các ca bệnh, thông tin phản ánh của nhân dân cũng như việc giám sát công tác phòng, chống dịch. Với mục tiêu làm sao để đạt hiệu quả cao trong điều tra, truy vết nên ngay từ khi nhận thông tin ca bệnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Phường lập tức chỉ đạo lực lượng y tế và Tổ COVID-19 cộng đồng xử lý, truy vết luôn các trường hợp F có liên quan.
Theo chia sẻ của ông Đặng Quang Hải, việc truy vết hết sức khó khăn. Nhiều khi thông tin cung cấp về cho phường nhưng chưa nắm được hết và “có trường hợp có tên nhưng không rõ địa chỉ, số điện thoại, rất khó khăn trong việc điều tra. Có những đêm khi đến truy vết nhưng người dân không tiếp cán bộ điều tra; có trường hợp nhận được thông báo của quận rồi nhưng khi điều tra thì công dân lại chưa về đến nhà do vẫn đang ở các địa phương khác. Có trường hợp không nắm được thông tin ca bệnh nên phải triệu tập cả Tổ dân phố, cảnh sát khu vực đến để giao nhiệm vụ cho các lực lượng chức năng, khi đó gia đình mới hợp tác khai báo dịch.
Nhưng với quyết tâm và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, việc thần tốc truy vết vẫn là mục tiêu hàng đầu và bằng mọi cách, cán bộ y tế và lực lượng chức năng không để mất dấu.
Thiện Tâm