Lực lượng mỏng, gian thương dày
Khi vận chuyển thuốc lá nhập lậu trót lọt từ biên giới vào nội địa, thuốc lá lậu sẽ được phân phối tới các điểm bán lẻ … Thực tế cho thấy, ở các tỉnh Tây Nam bộ thuốc lá lậu được bán tràn lan và công khai ở các cửa hàng bán lẻ, tiệm tạp hóa với số lượng “bao nhiêu cũng có”.
Về công phòng chống thuốc lá lậu, bên cạnh các yếu tố như lực lượng mỏng, chế tài nhẹ… các địa phương đều phản ánh gặp khó khăn trong việc xử lý thuốc lá điếu nhập lậu sau khi bị tịch thu. Cụ thể, từ 26/4/2018 đến nay, số thuốc lá nhập lậu được tịch thu trên cả nước là gần 10 triệu bao, tuy nhiên việc xử lý gặp nhiều khó khăn do vướng mắc, hạn chế của quy định hiện hành, nhất là công tác giám định, đánh giá mặt hàng này tiêu hủy hay đấu giá vẫn chưa có cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp, trước đây tiêu hủy hết số thuốc lá nhập lậu thì được hỗ trợ kinh phí theo Thông tư 19 của Bộ Tài chính, còn hiện nay thực hiện theo quy định mới thì lại phải xác định được chất lượng thuốc lá nào đảm bảo chất lượng thì tái xuất, còn không thì mới tiêu hủy…Tuy nhiên, hiện nay lại chưa có cơ quan nào kiểm định chất lượng nên rất khó khăn trong việc xử lý.
Đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An cũng cho biết, số lượng vụ buôn lậu thuốc lá có giảm so với những năm trước nhưng vẫn là mặt hàng "nóng" trong công tác chống buôn lậu. Nguyên nhân của tình trạng này là do tuyến biên giới tiếp giáp Campuchia có nhiều đường ngang, ngõ tắt, đường mòn, lối mở nên việc kiểm soát người và phương tiện qua lại biên giới còn thiếu chặt chẽ. Các đối tượng thường cho người bám sát lực lượng chống buôn lậu; hoạt động chủ yếu vào ban đêm hoặc lúc có nhiều phương tiện lưu thông qua lại nhằm tránh sự truy đuổi của các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, một số đối tượng vận chuyển hàng lậu thường sử dụng ma túy đá khi điều khiển phương tiện, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, thường rất manh động, chống đối để tẩu tán tang vật.
Để có “hồi kết”, cần hiệu quả và quyết liệt
Liên quan đến những bất cập về xử lý thuốc lá lậu, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An cũng cho biết, việc xử lý tang vật là thuốc lá nhập lậu trong các vụ án hình sự tạm đình chỉ và điều tra chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Việc bán đấu giá thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng nên việc bán đấu giá không thực hiện được. Đến nay, Quản lý thị trường tỉnh Long An mới bán đấu giá được hơn 750 nghìn gói. Chính vì thế, Long An rất mong muốn cơ quan quản lý sớm có hướng dẫn cụ thể việc xử lý tang vật trong các vụ án buôn lậu.
Ngay cả khi bắt giữ thành công, các lực lượng chức năng vẫn gặp không ít khó khăn về công tác xử lý. Chẳng hạn như theo quy định của Bộ luật Hình sự, các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên chịu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong thực tế, các lực lượng chức năng đã bắt nhiều vụ từ 1.500 bao trở lên nhưng không bắt được đối tượng thực hiện hành vi vi phạm. Đối với các trường hợp này, cơ quan công an tiến hành khởi tố vụ án theo quy định, tuy nhiên, do không xác định được đối tượng nên sau khi hết thời hạn điều tra phải ra quyết định tạm chỉ điều tra vụ án, dẫn đến số vụ việc tạm đình chỉ tăng cao.
Để xử lý vấn đề này, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, Ban Chỉ đạo đang bàn giải pháp để các lực lượng chức năng sớm xử lý lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam trong thời gian qua, để vừa đảm bảo yêu cầu xử lý được đối tượng, xử lý được tang vật, vừa đảm bảo ngăn chặn được tình trạng buôn lậu thuốc lá qua biên giới rất phức tạp. Văn phòng Thường trực cũng sẽ làm việc với các Bộ, ngành, để xác định cơ quan chức năng nào kiểm định chất lượng để các địa phương phối hợp thực hiện.
Hiền Minh