Cuộc cách mạng không dừng lại 

(Chinhphu.vn) – Cuộc cách mạng to lớn, lâu dài mà Đảng, Nhà nước phát động với sự tham gia mạnh mẽ của nhân dân cả nước đã tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống của hàng chục triệu nông dân, mang lại diện mạo mới cho cho khu vực nông thôn, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn có những đổi thay vượt bậc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội.

Ngày mai, 19/10, tại Nam Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 20102-2020. Cùng dự sự kiện quan trọng này có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 với mục tiêu cụ thể đến năm 2020, cả nước có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Sau hơn 9 năm triển khai chương trình trên phạm vi toàn quốc, khu vực nông thôn Việt Nam đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là trong giai đoạn nước ta chịu tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu; củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Vượt trước 2 năm với 10 thành tựu lớn

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra trước gần 2 năm. Đánh giá một cách tổng thể, xây dựng nông thôn mới đã đạt được 10 thành tựu lớn.

Thứ nhất, Chương trình đã hình thành được một hệ thống bộ máy chỉ đạo, điều hành, quản lý, giúp việc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đồng thời đã hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thực hiện, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tới.

Thứ hai, Chương trình đã huy động được sự tham gia mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và  đặc biệt là sự hưởng ứng rộng khắp của cộng đồng dân cư nông thôn.

Thứ ba, Chương trình đã tạo được mối quan tâm hài hòa, toàn diện trên hầu hết những vấn đề cần quan tâm ở khu vực nông thôn.

Thứ tư, Chương trình đã tạo nền tảng và cơ hội để gắn kết thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đặc biệt là thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp nói riêng.

Thứ năm, Chương trình đã tạo được sự chuyển biến căn bản từ tư duy, nhận thức cho đến năng lực và hành động của đội ngũ cán bộ các cấp.

Thứ sáu, Chương trình đã tạo sự kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tác nhân khác nhau, theo chiều dọc, chiều ngang để cùng hướng tới mục tiêu chung của xây dựng nông thôn mới.

Thứ bảy, Chương trình đã mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn, nhiều vùng quê nông thôn trở thành nơi đáng sống.

Thứ tám, Chương trình đã trở thành nhiệm vụ chính trị của tất cả các địa phương trên cả nước, gắn chặt với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và là cơ sở thúc đẩy đô thị hóa nông thôn, tăng cường kết nối nông thôn – đô thị.

Thứ chín, Chương trình được triển khai là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đóng vai trò quyết định trong việc không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Thứ mười, Chương trình ra đời không chỉ tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần thực hiện thành công những mục tiêu cơ bản của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X mà còn hình thành nên những giá trị mới, quan trọng, tạo nền tảng và tiền đề để bước sang giai đoạn mới tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được.

110 tỷ USD cho nông thôn mới

Tính chung trong cả 9 năm qua, cả nước đã huy động được 2.418.471 tỷ đồng (tương đương khoảng 110 tỷ USD) cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là 319.289 tỷ đồng (bình quân khoảng 35,9 tỷ đồng/xã trong 9 năm).

Diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi sau gần 10 năm.

Tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong 04 năm giai đoạn 2016-2019 tăng 1,84 lần so với cả 05 năm giai đoạn 2010-2015. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương mặc dù mới bố trí được khoảng 60% so với Nghị quyết của Quốc hội, nhưng đã cao gấp 2,3 lần so với giai đoạn 2010-2015.

Nguồn vốn đối ứng của địa phương cao gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2011-2015, cao hơn gấp 2,8 lần so với yêu cầu của Quốc hội. Nhiều địa phương khó khăn nhưng đã tự chủ động cân đối để bố trí nguồn lực đầu tư cho chương trình.

Nguồn vốn tín dụng cao gấp 2,2 lần so với giai đoạn 1, được đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy, hải sản,...

Đặc biệt, về xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới - là một trong những tồn tại của giai đoạn 1 gây bức xúc trong xã hội, với nguồn ngân sách trong giai đoạn 2 tăng mạnh nên đến thời điểm này, các địa phương đã bố trí đủ vốn để thanh toán dứt điểm nợ đọng.

Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, hiện đại hoá một bước theo hướng đồng bộ, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, đồng thời, đang dần bắt kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Trong đó, nổi bật nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, sau hơn 9 năm, cả nước đã xây dựng mới và nâng cấp được trên 206.743 km đường giao thông.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được quan tâm, như tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom tăng đáng kể qua từng năm, từ 44,1% năm 2011 lên 63,5% hiện nay, thậm chí có nhiều địa phương cấp huyện, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đã đạt đến trên 90%.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng còn một số điểm cần rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện trong giai đoạn tới, với nhiều thách thức bên trong và bên ngoài đến từ biến đổi khí hậu, từ thị trường, từ quá trình hội nhập sâu rộng.

Cụ thể, kết quả xây dựng nông thôn mới của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung và còn khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền. Một số địa phương có số xã đạt chuẩn rất thấp dưới 20% (như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum…).

Nông thôn phát triển chưa đồng đều, kết nối kinh tế nông thôn – đô thị còn yếu; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, một số nơi xuất hiện tình trạng bê tông hoá nông thôn. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm so với yêu cầu đặt ra.

Vấn đề ô nhiễm môi trường ở một số địa bàn vẫn còn nghiêm trọng; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản trên phạm vi cả nước đã có tiến bộ nhưng chuyển biến chưa thực sự rõ nét, vẫn đang là vấn đề được xã hội quan tâm. Ở một số  địa phương, xây dựng đời sống văn hoá, xã hội nông thôn còn nhiều hạn chế, tồn tại nhiều vấn đề bức xúc…

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng to lớn, lâu dài, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cuộc cách mạng ấy không dừng lại ở thời điểm tổng kết hay trong 5-10 năm tới, Thủ tướng nêu rõ và Hội nghị sắp tới sẽ là một dấu mốc quan trọng để tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. 
 

Đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Trong số các xã được công nhận đạt chuẩn, có 87 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 42 xã vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Đồng thời, đã có 63 xã đạt chuẩn nâng cao và đã có địa phương có xã đạt chuẩn kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Có 08 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ).

Cả nước đã có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định đã có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Hà Chính

1452 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 739
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 739
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87229683