Cùng tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa 

(Chinhphu.vn) - Trực tiếp kiểm tra tại hiện trường trong 3 ngày vừa qua, Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT và Bộ Công Thương đã ghi nhận nhiều vấn đề và cùng đi đến thống nhất phương thức phối hợp chung nhằm giải quyết khó khăn liên quan đến vận tải hàng hóa thiết yếu cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội.

 

Tổ công tác đặc biệt Bộ GTVT và Bộ Công Thương đã có buổi làm việc để cùng phối hợp trong việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu
Ngày 22/7, Tổ công tác đặc biệt Bộ GTVT và Bộ Công Thương đã có buổi làm việc để cùng phối hợp trong việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu.

Theo Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp cho thấy, đến nay, việc lưu thông, vận chuyển hàng hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản và lương thực thực phẩm trong 19 tỉnh, thành phía Nam cơ bản thuận lợi. Giao thông hàng hóa liên tỉnh tại miền Tây và miền Đông Nam bộ tương đối thông thoáng.


Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu tình trạng: Hiện các hệ thống phân phối liên tỉnh phục vụ cho bình ổn thị trường đang thiếu lái xe do nhiều tài xế bị nhiễm COVID-19. Vì thế, Bộ Công Thương đề xuất Bộ GTVT chỉ đạo việc thành lập các đội lái xe phản ứng nhanh để hỗ trợ vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương tại phía Nam.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị về việc vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh bên ngoài 19 tỉnh, thành phía Nam đang áp dụng Chỉ thị 16 đến các tỉnh khác nhưng có cung đường phải đi qua các tỉnh này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ghi nhận những đề xuất nêu trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt Bộ GTVT khẳng định, Bộ GTVT đang tập trung cao nhất trong việc vận tải hàng hóa, đảm bảo bà con được cung ứng hàng hóa trong thời gian sớm nhất.

Đơn cử, Bộ GTVT đã tạo thuận lợi bằng cách không yêu cầu dừng kiểm soát đối với những xe được nhận diện "phương tiện ưu tiên vận chuyển hàng hóa thiết yếu" trong 19 tỉnh, thành phía nam, mà chỉ kiểm soát ở điểm cuối và điểm đầu xuất phát.

Tại khu vực nội đô của TPHCM, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Sở GTVT TPHCM sử dụng lực lượng taxi để vận chuyển hàng hóa thiết yếu và đã mang lại hiệu quả tốt. Đây cũng là kinh nghiệm cần nhân rộng để áp dụng vì số lượng xe tải nhẹ trong Thành phố tại thời điểm này hạn chế.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị xây dựng các kế hoạch cung ứng hàng hóa; trong đó có sự phối hợp thường xuyên, liên tục giữa Sở Công Thương với Sở GTVT để bố trí đủ phương tiện vận tải, bảo đảm vận chuyển hàng hóa thông suốt, đáp ứng với yêu cầu thực tế.

Trong khuôn khổ buổi họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Lê Đình Thọ thống nhất về đầu mối liên lạc, phương thức phối kết hợp giữa hai Tổ công tác nhằm giải quyết nhanh các vấn đề ách tắc, khó khăn liên quan đến phân phối hàng hóa thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng dịch.

Nguồn hàng tại TPHCM dần ổn định

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết: Trước khi dịch diễn ra, nguồn hàng về thành phố thông qua 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn với khoảng 7.000 - 9.000 tấn rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm. Chợ đầu mối của thành phố có đặc thù là phục vụ hàng hóa ngược lại cho các các tỉnh, thành khác trong vùng. Chẳng hạn, Bà Rịa - Vũng Tàu mang tôm cá lên chợ đầu mối sẽ mua ngược lại các mặt hàng rau củ quả về tỉnh.

"Khi hệ thống chợ đầu mối đóng cửa, các thương lái vẫn hoạt động mua bán qua điện thoại, zalo, chành vựa vẫn nhận - giao hàng. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hiện đại nhập hàng nhiều hơn nên cơ bản nguồn cung hàng hóa đã đảm bảo ổn định", ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay.

Về lưu thông phân phối hàng hóa, thành phố có 106 siêu thị bán lương thực thực phẩm, 2.469 cửa hàng tiện lợi, 28.700 cửa hàng - cửa hiệu có bán lương thực thực phẩm. Một số hệ thống bưu điện, Viettel Post, doanh nghiệp logistics… đã có những chuyến xe lưu động để bán hàng hóa thiết yếu… nên đã góp phần cung ứng hàng hóa cho người dân khi nhiều chợ truyền thống đóng cửa.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, hiện tại lượng hàng cũng tương đối ổn định nhưng giá một số mặt hàng vẫn cao. Sở kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT kết nối với các đơn vị cung ứng, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn hàng giá bình ổn cho chương trình bình ổn giá của thành phố.

"Hiện các đơn vị bán hàng bình ổn đang phải gồng mình kéo giá xuống. Đơn cử mặt hàng trứng gà, trứng vịt hiện nay nguồn cung giảm, nhưng do nhu cầu thiết yếu nhiều dẫn đến giá tăng. Trong khi đó, Saigon Coop đang bán giá bình ổn chỉ 29.000 đồng/chục trứng còn giá mua vào đã ở mức 31.000 đồng/chục trứng", lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM cho biết.

Để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, Sở Công Thương TPHCM đã có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động các chợ bảo đảm an toàn để cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn.

Theo đó, Sở Công Thương TPHCM đề nghị UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, các đơn vị quản lý chợ căn cứ theo điều kiện, tình hình thực tế và khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung như: Đối với tổ chức hoạt động của các chợ truyền thống, tăng cường các biện pháp phòng chống COVID-19, đồng thời tiếp tục tổ chức thông tin tuyên truyền về phòng chống dịch đối với tiểu thương, người lao động, khách hàng; Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Kiểm soát số lượng người vào chợ thông qua việc phát phiếu, quét mã QR đến và đi bằng ứng dụng “Vietnam Health Declaration” và các ứng dụng khác phù hợp theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Đối với các điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời tại các chợ đầu mối phải tuân thủ các nội dung về địa điểm bố trí, tổ chức phân luồng giao thông, các điều kiện kiểm soát dịch bệnh… Các phương tiện vận chuyển khi ra vào chợ phải thực hiện phun xịt khử khuẩn, phải đảm bảo tuân thủ các quy định của Bộ GTVT, Sở GTVT trong phân luồng, tổ chức lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
 

Phan Trang
577 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1272
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1272
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87124903