Củng cố quyết tâm và khát vọng phát triển kinh tế bền vững 

(ĐCSVN) – Kỷ niệm 76 năm cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2021) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2021), càng thấy thấm thía hơn giá trị của “độc lập, tự do” cùng sự tự chủ trong đường lối phát triển, trong đó không thể không nhắc tới sự phát triển kinh tế.

 

Nghị quyết Đại hội XIII khi đề cập đến những thành tựu kinh tế, đặc biệt là kinh tế Việt Nam sau đổi mới đã đánh giá, nền kinh tế nước ta đã thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế từng bước được đẩy mạnh, phát huy lợi thế ngành và lãnh thổ; Chuyển nền kinh tế từ thế bị bao vây, cấm vận, khép kín sang nền kinh tế mở và hội nhập quốc tế…

Sự chuyển mình của nền kinh tế từ khi đất nước độc lập

 Đất nước có bước chuyển minh to lớn sau những năm tháng giành độc lập (Ảnh: HNV)

Dấu mốc năm 1945 từ việc thành lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sau này là nước CHXHCN Việt Nam đã minh chứng cho căn cứ, có “độc lập, tự do” là có tất cả. Theo đó, giai đoạn 1945 - 1954 là giai đoạn đầu tiên xây dựng chế độ kinh tế mới ở Việt Nam và là giai đoạn khó khăn nhất. Cùng với nhiệm vụ thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta đã thực hiện chuyển nền kinh tế tàn tích thực dân, phong kiến và thấp kém thành nền kinh tế dân chủ, độc lập phục vụ nhu cầu kháng chiến và kiến quốc.

Bước sang giai đoạn 1954 - 1975, đất nước bị chia cắt, do vậy nền kinh tế của hai miền cũng khác nhau. Kinh tế miền Bắc giai đoạn 1954 - 1975 thực hiện nhiều nhiệm vụ: thời kỳ 1955-1957 là thời kỳ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiếp tục hoàn thành cải cách ruộng đất, tạo cơ sở kinh tế và chính trị vững chắc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; thời kỳ 1958 - 1960 thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế; thời kỳ 1961 - 1975 thực hiện đường lối phát triển kinh tế trong bối cảnh miền Bắc có chiến tranh.

Trong giai đoạn 1976 - 1985, Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế trở thành nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân ta. Nhân dân sôi nổi thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980) và kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985). Mặc dù đạt được một số thành tựu nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta thời kỳ trước đổi mới có nhiều hạn chế, thậm chí có những dấu hiệu khủng hoảng.

Đặc biệt, từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới đất nước, chúng ta đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Đến năm 1995, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1991 - 1995) hoàn thành vượt mức, sự nghiệp đổi mới đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo được những tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của 10 năm 1990 - 2000 đạt 7,5%.

Giai đoạn 2006 - 2010, nền kinh tế nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng nhanh, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 7%. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 đạt 101,6 tỉ USD (gấp 3,26 lần so với năm 2000).

Giai đoạn 2011 - 2020, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó: Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt bình quân 5,9%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,8%/năm. Dự trữ ngoại hối tăng từ 12,4 tỉ USD năm 2010 lên trên 80 tỉ USD vào năm 2020.

8 tháng qua, kinh tế nước ta đang đứng trước nhiều thách thức khó khăn khi biến chủng Delta của dịch bệnh COVID-19 lan rộng, nhưng về cơ bản, chúng ta vẫn đang cố gắng kiểm soát trong mục tiêu đặt ra.

Sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên rõ rệt, năng suất lao động cũng được cải thiện đáng kể. Xếp hạng toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam những năm gần đây tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Giai đoạn 1986 - 2010, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP tăng nhanh và liên tục (năm 1988 chiếm tỷ lệ 21,6%, năm 1995 chiếm tỷ lệ 41%, năm 2010 chiếm tỷ lệ 41,1%…). Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP năm 1988 là 46,3%, năm 2003 giảm xuống còn 21,8%, năm 2005 là 20,5%. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GDP giảm dần, từ 38,06% năm 1986 xuống còn 18,9% năm 2010; 18,12% năm 2014 và 13,1% năm 2020. Tỷ trọng  khu vực dịch vụ trong GDP đã tăng từ 33,1% năm 1988 lên 38% năm 2003 và 38,5% năm 2010.

Từ năm 2011- 2020, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm từ 18,9% năm 2010 xuống 13,1% năm 2020; các khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng tương ứng từ 81,1% lên 86,9%, vượt mục tiêu đề ra. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin được đẩy mạnh trong nhiều ngành, lĩnh vực. Nông nghiệp tập trung vào sản xuất hàng hoá theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hình thành nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ. Cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo và ứng dụng công nghệ cao. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao tăng từ 26,9% năm 2010 lên 78,3% năm 2020. Công nghiệp hỗ trợ từng bước được hình thành và phát triển. Ngành xây dựng tăng trưởng khá, năng lực xây lắp và chất lượng công trình xây dựng từng bước được nâng lên. Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, chất lượng ngày càng cao. Ngành du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, lượng khách quốc tế tăng nhanh.

Cơ cấu lao động đã có sự chuyển đổi tích cực, gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ tốt hơn các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp đã giảm mạnh, từ 73% năm 1990 xuống khoảng 47% năm 2014 và 33,5% năm 2020. Tỷ trọng lao động ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng liên tục, trong đó ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 11,2% năm 1990 lên 18,2% năm 2005 và đến năm 2014 là 20,8%; ngành dịch vụ tăng từ 15,8% năm 1990 lên 24,7% năm 2005 và đến năm 2014 là 32,2%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ dưới 10% năm 1990 lên 40% năm 2010 và 65% năm 2020.

Tự hào hơn nữa, từ một nước bị bao vây cô lập, bằng việc nêu cao thiện chí và chính nghĩa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, nỗ lực tìm kiếm sự đồng tình, ủng hộ của các nước trong khu vực, các lực lượng hòa bình, dân chủ trên thế giới đối với cách mạng Việt Nam, Việt Nam đã thoát khỏi giai đoạn bị bao vây, cấm vận thời kỳ 1945-1954, mở rộng quan hệ thương mại từ 10 nước giai đoạn đầu của cách mạng đến năm 1955 tăng lên 35 nước đến năm 1965. Tính đến tháng 7/2000, Việt Nam ký Hiệp định thương mại với 61 nước, trong đó có Mỹ, đưa tổng số nước có quan hệ ngoại thương với nước ta từ 50 nước năm 1990 lên 170 nước năm 2000. Đến đầu năm 2020, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), có quan hệ thương mại với 224 đối tác, trong đó có hơn 70 nước là thị trường xuất khẩu của ta; có quan hệ với hơn 500 tổ chức quốc tế; 71 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; các địa phương đã ký kết 420 thỏa thuận quốc tế với các địa phương, đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, tăng 20,3% so với giai đoạn 2014 - 2016.

Quan trọng hơn cả, chính sách xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện, không ngừng nâng cao. Minh chứng là giai đoạn 1946 - 1954, các chính sách về ruộng đất, giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng từng bước được cải thiện. Lương thực bình quân đầu người năm 1957 đã đạt 303 kg. Thu nhập bình quân đầu người của gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp năm 1970 tăng 20% so với năm 1965. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua các năm, kể cả khu vực nông thôn và thành thị, từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015), từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). GDP bình quân đầu người tăng từ 1.332 USD/người năm 2010 lên khoảng 3.000 USD/người năm 2020. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 90%, dân số nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh ước đạt 96%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường ước năm 2020 là 90%. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên khoảng 40% năm 2020.

 Tiếp tục khát vọng xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (Ảnh: HNV)

Phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp

Mới đây nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Theo Nghị quyết, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 USD.

Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu tổng quát là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân; từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau."

Trong quá trình phát triển đất nước, luôn quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP.

Các chỉ tiêu về xã hội, tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 67 năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) duy trì mức giảm 1-1,5%/năm. Có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó có 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Các chỉ tiêu về môi trường, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100% và nông thôn là 93-95%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Một là, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân và an sinh xã hội.

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ba là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số.

Bốn là, tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.

Năm là, đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại.

Sáu là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.

Bảy là, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị.

Tám là, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội.

Chín là, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mười là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; thực hiện cải cách tiền lương; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo.

Mười một là, phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Mười hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế./.

 

 
Lê Anh
835 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 573
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 573
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78006720