Một tổ hợp tác sản xuất riềng ở Nghệ An. (Ảnh: BT)
Theo số liệu thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 12/2017 trên cả nước có 11.688 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, bình quân 1 tỉnh có 185 HTX. Trong đó nhiều nhất là Đồng bằng sông Hồng, ít nhất là Đông Nam Bộ; theo chuyên ngành thì lĩnh vực trồng trọt nhiều nhất; ít nhất là lĩnh vực nước sạch nông thôn.
Bên cạnh đó, đã có 6.856 HTX nông nghiệp đăng ký lại, đạt tỷ lệ 94,5%; 3.881 HTX nông nghiệp được thành lập mới (bình quân có 61,6 HTX/tỉnh). Đến nay cả nước có hơn 4,1 triệu thành viên HTX nông nghiệp, giảm trên 1,3 triệu xã viên so năm 2012. Doanh thu bình quân cả nước của HTX nông nghiệp đạt khoảng 980 triệu đồng/HTX/năm; tích lũy bình quân đạt 104 triệu đồng/HTX/năm.
Trong đó, nhiều HTX sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, tham gia sản xuất công nghệ cao, đẩy mạnh liên doanh liên kết nên hiệu quả hoạt động của HTX tăng rõ rệt, thu nhập của thành viên đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng. Một số HTX thu nhập bình quân của thành viên đạt hàng trăm triệu đồng/năm.
Đối với liên hiệp HTX nông nghiệp, đến tháng 12/2017 cả nước có 30 liên hiệp HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 419 thành viên, tập trung nhiều nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long (8 liên hiệp), Bắc Trung Bộ (7 liên hiệp). Cùng với đó, sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành, đã có 18 liên hiệp thành lập mới và 5 liên hiệp giải thể. Tổng số vốn hoạt động của các liên hiệp HTX là 17,31 tỷ đồng. Tổng doanh thu của các liên hiệp HTX nông nghiệp cả nước đạt 33,16 tỷ đồng, bình quân đạt 1,5 tỷ đồng/liên hiệp/năm.
Cùng với hoạt động của các HTX, trên lĩnh vực công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, năm 2017, lĩnh vực kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn đã đào tạo được 225.580/210.430 người (vượt 7,2% kế hoạch đề ra). Trong đó có đào tạo bằng nguồn ngân sách trung ương, địa phương là 173.049 người, đào tạo cho doanh nghiệp được 52.531 người.
Nhìn chung, trong năm 2017, lĩnh vực kinh tế hợp tác đã có bước đột phá. Các HTX nông nghiệp tăng rất mạnh so với bình quân của 4 năm trước khi có Luật HTX năm 2012 ra đời. Số lượng HTX thành lập mới 1.189 HTX, tăng hơn 5 lần so với bình quân 4 năm là 181 HTX.
Nhiều HTX, đặc biệt là các HTX thành lập mới đã tích cực tham gia vào các Chương trình tái cơ cấu của ngành, sản xuất theo tiêu chuẩn, áp dụng công nghệ cao, tổ chức liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp. Nhiều tỉnh có nhiều cố gắng trong lĩnh vực này như: Sơn La (thành lập được 118 HTX), Hà Giang (62 HTX), Hà Tĩnh (53 HTX), Quảng Nam (55 HTX), Gia Lai (50 HTX), Long An (30 HTX),…
Tuy nhiên, theo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, lĩnh vực kinh tế hợp tác vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt về nhận thức cơ chế chính sách, sự yếu kém nội tại của các HTX. Trong đó, nguồn kinh phí của Nhà nước hỗ trợ cho HTX đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ song việc hướng dẫn chậm nên việc triển khai ở các địa phương lúng túng và gặp nhiều khó khăn. Đến nay, hầu hết các HTX chưa nhận được sự hỗ trợ qua các chính sách của Chính phủ kể cả nguồn vốn vay tín dụng. Nhiều tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển các HTX nông nghiệp nhưng chưa được chỉ đạo quyết liệt nên số lượng HTX không tăng.
Việc xây dựng các mô hình giảm nghèo chưa được tập trung đánh giá nhân rộng để đảm bảo hiệu quả của Chương trình giảm nghèo theo mục tiêu đề ra. Đồng thời, trong lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công tác quản lý nhà nước ở một số địa phương chưa thực hiện đúng theo Quyết định số 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là bàn giao cho Sở NN&PTNT quản lý chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương lúng túng trong việc xác định nhu cầu đào tạo, huy động nguồn lực nên số nông dân được đào tạo không đạt kế hoạch, chất lượng chưa cao.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, trong năm 2018 sẽ khẩn trương hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển 15.000 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020”. Trong đó, triển khai mục tiêu giải thể 769 HTX yếu kém đã ngừng hoạt động; duy trì, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của 3.600 HTX; nâng cao hiệu quả hoạt động của 5.400 HTX hoạt động trung bình và yếu để đạt tiêu chí hiệu quả; thành lập mới 6.000 HTX nông nghiệp.
Nhằm thực hiện đề án thành công, các nhóm giải pháp được tập trung thực hiện gồm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền; hoàn thiện cơ chế chính sách; huy động các nguồn lực; tăng cường đào tạo bồi dưỡng; nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước và HTX; phát huy vai trò của Liên minh HTX và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán các hoạt động của HTX.
Song song với đó, triển khai quyết liệt với tinh thần đổi mới công tác dạy nghề theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN&PTNT. Xác định nhu cầu đào tạo nghề tập trung cho lao động của các doanh nghiệp nông nghiệp; lao động nông nghiệp thực hiện Chương trình tái cơ cấu tại địa phương; lực lượng quản lý và thành viên HTX.
Các địa phương cân đối nguồn lực để tổ chức thực hiện chương trình đảm bảo theo kế hoạch trung hạn đã được UBND cấp tỉnh và Bộ NN&PTNT phê duyệt. Ngoài nguồn hỗ trợ từ Trung ương, các địa phương cần huy động ngân sách của địa phương, các tổ chức doanh nghiệp để đảm bảo ngân sách thực hiện đủ số lượng lao động theo kế hoạch trong năm 2018./.
BT