Hội nghị WEF Davos 2019 với chủ đề: “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Trọng tâm thảo luận tại Hội nghị WEF Davos 2019 nhằm đánh giá tác động, triển vọng và thảo luận việc hợp tác, đối thoại để xử lý các vấn đề địa chính trị; đánh giá, thúc đẩy cải cách các khuôn khổ thể chế toàn cầu hiện nay để thích ứng với bối cảnh mới về chính trị, kinh tế và xã hội; định hình các quy định, khuôn khổ thể chế mới nhằm thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong các lĩnh vực…
Đề xuất hành động vì sự thịnh vượng chung của thế giới
Diễn đàn Kinh tế thế giới, được Giáo sư Klaus Schwab khởi xướng, ban đầu chỉ là một diễn đàn giới hạn ở châu Âu, nơi lãnh đạo các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi về cách thức quản trị doanh nghiệp để không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, mà còn đảm bảo quyền lợi của cả người tiêu dùng, cộng đồng, xã hội và cả chính phủ. Ngoài các cuộc họp quốc tế thường niên và nhiều cuộc họp khu vực khác, Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng xuất bản các kết quả nghiên cứu và khuyến khích các thành viên cùng thực hiện các sáng kiến mang lại lợi ích cho toàn thế giới.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Davos, Geneva, Thụy Sỹ, đã thu hút hầu khắp các quốc gia trên toàn thế giới tham gia với mục tiêu chung là giải quyết những vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu.
Chính mục tiêu bao quát này đã đưa diễn đàn vươn lên tầm mức toàn cầu, mở ra một kênh quan hệ, một diễn đàn tiếp xúc song phương, đa phương, thu hút sự tham gia của không chỉ giới doanh nghiệp, mà cả giới chính trị, lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế, những nhà hoạt động xã hội, giới hàn lâm cùng chia sẻ tầm nhìn và đề xuất hành động vì sự thịnh vượng chung của thế giới.
Diễn đàn quan trọng nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới là Hội nghị thường niên được tổ chức vào cuối tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh Hội nghị Davos, hàng năm, Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Thiên Tân (hoặc Đại Liên) tại Trung Quốc, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Ấn Độ, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mỹ La-tinh, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Trung Đông… Các diễn đàn khu vực này là nơi trao đổi và phân tích, đánh giá các vấn đề phát triển của khu vực.
Việt Nam tích cực tham gia các sáng kiến
Kể từ khi tham gia Diễn đàn Kinh tế thế giới vào năm 1989, quan hệ giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới phát triển nhanh chóng trên nhiều mặt. Từ vai trò khai phá quan hệ kinh tế Việt Nam với các nước phát triển trong điều kiện Việt Nam bị bao vây, cấm vận, sau gần 30 năm, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã trở thành diễn đàn đối thoại quan trọng của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu thế giới, mang lại cho Việt Nam các cơ hội đầu tư và phát triển.
Các cuộc tiếp xúc song phương giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam với các đồng cấp của các nước trên thế giới cũng như lãnh đạo các tập đoàn, tổ hợp kinh tế toàn cầu, là cơ hội cho những trao đổi về phương hướng phát triển nền kinh tế Việt Nam, từ đó giúp xây dựng đường lối, chính sách phát triển cho nước ta.
Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới Philipp Roesler đã thăm Việt Nam liên tiếp trong 3 năm 2014, 2015 và 2016. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Philipp Roesler tháng 11/2014, Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới đã phối hợp tổ chức thành công hội thảo “Vai trò doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế”.
Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos và Đông Á, mở đường cho sự phát triển mối quan hệ giữa hai bên. Tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017 tại Davos, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tiếp tục truyền tải thông điệp mạnh mẽ về triển vọng kinh tế Việt Nam, những quyết tâm của Việt Nam về đổi mới toàn diện đất nước và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Cam kết xây dựng Chính phủ hành động và kiến tạo phát triển của Việt Nam phù hợp với chủ đề của Hội nghị là “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”. Tại đây, hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai.
Những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á. Năm 2010, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút khoảng 450 đại biểu tham dự gồm: Các chính khách cấp cao (Thủ tướng Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc…), các tổ chức quốc tế, lãnh đạo công ty đa quốc gia, học giả hàng đầu thế giới… Tại các Hội nghị khu vực khác của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam cũng thường xuyên cử đoàn tham dự ở cấp Thứ trưởng.
Bên cạnh việc tham dự các Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới đã mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hợp tác trong công nghiệp, nông nghiệp… Việt Nam luôn tham gia tích cực và có hiệu quả các sáng kiến của Diễn đàn Kinh tế thế giới như “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp”, “Tăng trưởng châu Á”, “Liên minh hành động vì tăng trưởng xanh”, “Định hình hệ thống sản xuất toàn cầu”… Từ năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tham gia Ban điều phối Dự án “Tương lai của hệ thống sản xuất” của Diễn đàn Kinh tế thế giới và từ năm 2017 tham gia Nhóm Chiến lược Khu vực ASEAN (RSG).
Việt Nam còn chủ động đăng cai các hội nghị khu vực của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Đáng chú ý, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến và tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới - Mekong vào tháng 10/2016 tại Hà Nội, nhân dịp Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 8 (CLMV) và Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawwady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 7 (ACMECS), nhằm quảng bá tiểu vùng Mekong đến các tập đoàn hàng đầu thế giới. Năm 2018, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) tại Hà Nội từ ngày 11 - 13/9/2018. Chủ tịch sáng lập WEF đánh giá Hội nghị WEF ASEAN 2018 thành công nhất trong 27 năm tổ chức hội nghị WEF tại khu vực. Theo đó, nội dung Hội nghị phù hợp với các nước ASEAN và Việt Nam trong bối cảnh các nước đều phải vươn lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nếu không sẽ bị tụt hậu. Sau gần 60 phiên thảo luận sôi nổi, thực chất, hội nghị WEF ASEAN 2018 với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã thực sự là ngày hội giao lưu các ý tưởng, đánh giá sâu sắc, nhiều chiều về các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của các nước ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó có nhiều nhận thức mới, kinh nghiệm thực tiễn tốt, ý tưởng chính sách về khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo của doanh nghiệp và người dân.
Những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước tham gia các hoạt động của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong đó có Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn FPT, Tập đoàn VinGroup và VinaCapital, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SIG), Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA, Công ty Truyền thông đa phương tiện Đất Việt VAC (DatVietVAC), Tập đoàn Hoa sen, Công ty Đầu tư Công nghiệp Việt Nam (Vietnam Industrial Investment Ltd.). Các doanh nghiệp này đã tận dụng Diễn đàn để xây dựng các mạng lưới hợp tác, trao đổi kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp, đóng góp vào hệ giá trị kinh tế toàn cầu.
Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự WEF Davos 2019 sẽ quảng bá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong năm 2018, truyền tải thông điệp về đường lối, định hướng, chính sách, biện pháp lớn của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Qua đó, thúc đẩy các đối tác, tập đoàn hàng đầu tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam, góp phần củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019./.
Nguyễn Hồng Điệp/TTXVN