Duy tu tàu phải “cõng” hồ sơ ra T.Ư ?
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, trong năm 2017, tỉnh này có 11 trường hợp tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định (NĐ) 67 (gọi tắt là tàu 67) thực hiện công tác duy tu nhưng đến nay chưa có tàu nào nhận được chính sách hỗ trợ theo đúng quy định.
Nguyên nhân chính là bởi quy định của Bộ NN-PTNT hướng dẫn về chính sách hỗ trợ này (Công văn 6085/BNN-TCTS) có câu: “Cùng thời hạn với đăng kiểm, chủ tàu phối hợp với nhà máy sửa chữa, cơ quan đăng kiểm phải tiến hành khảo sát xây dựng các hạng mục nội dung sửa chữa cụ thể và trong quá trình duy tu sửa chữa cơ quan đăng kiểm tàu cá tiến hành kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật”. Cơ quan đăng kiểm ở đây phải là cơ quan đăng kiểm tàu cá của Tổng cục Thủy sản. Vậy nên, ngư dân phản ánh mỗi lần duy tu họ phải “cõng” hồ sơ ra T.Ư, mời cơ quan đăng kiểm này vào…
Ngư dân Hồ Văn Hoàn (trú xã Trung Giang, H.Gio Linh) trần tình, dù đã cẩn thận gọi hỏi trước về các thủ tục duy tu sửa chữa tại trung tâm đăng kiểm nhưng khi làm theo và gửi hồ sơ lên thì Sở NN-PTNT Quảng Trị trả lời là không hợp lệ. Tương tự, ngư dân Bùi Đình Chiến (trú TT.Cửa Việt) cũng than thở: “Không được hỗ trợ, cuối cùng tôi phải… nợ tiền sửa chữa ở xưởng đóng tàu. Nhưng giờ có hư hỏng thì đành chịu vì chủ xưởng tuyên bố phải trả nợ cũ mới cho tàu lên đà”.
Trong khi đó, ngư dân Đoạn Văn Dũng (trú TT.Cửa Việt) kể rằng ông cũng bị “mắc kẹt” ở cơ quan đăng kiểm Tổng cục Thủy sản khi tiến hành chuyển đổi tàu vỏ thép lưới rê kiêm nghề lưới chụp. “Tôi đã lặn lội ra Hà Nội 2 lần mà họ cứ yêu cầu thêm giấy tờ. Tàu của tôi vẫn đang nợ ngân hàng 13,5 tỉ đồng nhưng vì vướng thủ tục đăng kiểm mà phải nằm bờ hơn 1 tháng rưỡi”, ông Dũng bức xúc.
Nên phân cấp về địa phương
Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị, cho biết ngoài vướng ở khâu đăng kiểm, chính sách hỗ trợ duy tu tàu 67 đang kẹt ở một điểm khác là quy định hỗ trợ chi phí duy tu không quá 1% giá trị đóng mới tàu cá vỏ thép, nhưng không quy định rõ đóng mới tàu cá gồm các hạng mục vỏ tàu, máy tàu, trang thiết bị ngư lưới cụ hoặc toàn bộ. “Sở NN-PTNT đã có công văn hỏi ý kiến của Bộ NN-PTNT nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời”, ông Nam nói. Điều vướng mắc nữa, theo ông Nam, là dù được vay vốn, đóng mới theo NĐ 67, nhưng các tàu vỏ composite lại không được hưởng chế độ hỗ trợ khi duy tu.
Ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng: “Thủ tục đăng kiểm để duy tu tàu vỏ thép quá rườm rà, quá bất cập”. “Công tác đăng kiểm tàu 67 nên phân cấp về cho địa phương để giảm tải cho T.Ư và ngư dân bớt công sức lặn lội ra tận Hà Nội”, ông Đồng kiến nghị.
Hầu hết khoản vay tàu 67 thành… nợ xấu
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện NĐ 67 tỉnh Quảng Trị, tỉnh này đã cho đóng mới 25 tàu và nâng cấp 118 tàu cá, tổng số tiền giải ngân là hơn 431 tỉ đồng, hầu hết các khoản vay đóng tàu mới đều bị chuyển sang nợ quá hạn, nợ xấu. Rất nhiều chủ tàu vỏ thép kêu đang gặp khó, xin không nhân lãi quá hạn theo lãi suất thương mại và kéo dài thời gian trả nợ. Ông Hồ Sỹ Trọng, Giám đốc NHNN tỉnh Quảng Trị, lý giải vốn vay tàu 67 là do các ngân hàng huy động trong dân với lãi suất lên tới 8,4%/năm và cho ngư dân vay lại với lãi suất 1%/năm là đã lỗ rồi; thời gian trả nợ cũng vừa được T.Ư nâng từ 11 năm lên 16 năm. Trong khi đó, ông Nguyễn Sỹ Hồng, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng BIDV Quảng Trị, nhấn mạnh trừ các nguyên nhân khách quan, việc ngư dân chây ì trả nợ sẽ gây ra rất nhiều hậu quả. “Trường hợp xấu nhất, chúng tôi buộc phải mang tàu 67 ra đấu giá thương mại để thu hồi vốn”, ông Hồng nói.
|