CỤC DIỆN CHÂU ÂU TỪ KHI XẢY RA XUNG ĐỘT NGA - UCRAINE ĐẾN NAY 

Cuộc xung đột Nga - Ukraine, từ khi khởi đầu đến nay vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, đã và đang tác động sâu sắc tới cục diện thế giới nói chung và châu Âu nói riêng.

Phần 2: TÌNH HÌNH KINH TẾ CHÂU ÂU

          Xung đột Nga - Ukraine sau ngày Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine từ 24/02/2022 đến nay, châu Âu nói riêng, thế giới nói chung bước vào giai đoạn định hình lại trật tự địa - chính trị. Nó không đơn thuần là một cuộc xung đột khu vực, mà còn thể hiện sự rạn nứt trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, có ảnh hưởng sâu sắc đến cục diện châu Âu và thế giới. Nỗ lực của Mỹ và phương Tây nhằm cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu báo hiệu một xu hướng mới: châu Âu nói riêng, thế giới nói chung có thể vận động sang thời kỳ “chiến tranh lạnh 2.0”, phân rẽ kinh tế châu Âu toàn cầu thành 2 mảng: đông - tây, chấm dứt giai đoạn Toàn cầu hóa do Mỹ, phương Tây dẫn dắt. Cùng với đó là hàng loạt các dịch chuyển về động lực, về phương thức, về phân bổ nguồn lực sản xuất do CMCN 4.0, do cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, dịch bệnh đặt ra càng làm cho bức tranh hợp tác liên kết giữa các nước lớn nói riêng, các quốc gia khu vực trở nên phức tạp, đan xen nhiều mảng sáng tối. Với những xu thế như vậy, châu Âu nói riêng, thế giới nói chung có nhiều khả năng sẽ lại hình thành các hệ thống với các khối liên minh, liên kết kinh tế biệt lập hơn, sự gắn kết không dựa trên ý thức hệ, mà đan xen lợi ích quốc gia và hợp tác an ninh quốc phòng. Đây là xu thế chủ đạo, phân mảng Đông - Tây, giữa Mỹ, EU và đồng minh phương Tây với Nga, Trung Quốc và bạn bè đối tác.  

Một là, đối với liên minh Mỹ, EU, phương Tây

Liên minh này sẽ bớt phụ thuộc kinh tế vào Nga, Trung Quốc, đồng thời sẽ gia tăng sự liên kết với nhau, tạo ra sức mạnh vượt trội, chiếm ưu thế cạnh tranh từ các động lực mới như kinh tế số, năng lượng xanh. Có xu hướng dịch chuyển các luồng thương mại, đầu tư: Từ năm 2022, Nga, Trung Quốc không còn là đối tác thương mại hàng hóa hàng đầu của Mỹ, EU; Thương mại hàng hóa Mỹ - châu Âu đạt mức cao nhất từ trước đến nay đạt 1,2 nghìn tỷ USD (năm 2022). Riêng thương mại hàng hóa giữa Mỹ - EU đạt 909,45 tỷ USD. Trong xu thế phát triển kinh tế số, thương mại dịch vụ tới đây sẽ tăng trưởng nhanh hơn thương mại hàng hóa. Nhiều việc làm ở châu Âu và Mỹ phụ thuộc vào dịch vụ hơn là hàng hóa, Mỹ và EU cho đến nay vẫn là đối tác thương mại dịch vụ hàng đầu của nhau. Thương mại dịch vụ của EU với Hoa Kỳ đạt tới 702,12 tỷ USD vào năm 2021 tăng gấp 6 lần thương mại dịch vụ EU - Trung Quốc đạt khoảng 115,54 tỷ USD.

Về dòng đầu tư: Xu thế gia tăng dòng đầu tư xuyên Đại Tây Dương, trong đó có đầu tư xanh, đầu tư số đang là động lực quan trọng thúc đẩy liên kết kinh tế giữa Mỹ và EU. Mỹ chiếm 25% tổng FDI ra nước ngoài của EU trên toàn cầu vào năm 2020 - gấp 10 lần so với Trung Quốc. Tổng số vốn FDI của Đức tại Hoa Kỳ đạt 403 tỷ USD (năm 2021), trong khi của Trung Quốc chỉ đạt 38 tỷ USD, tổng số vốn FDI của Mỹ ở châu Âu đạt 4 nghìn tỷ USD vào năm 2021,  chiếm hơn 61% tổng đầu tư toàn cầu, hơn 4 lần đầu tư nước ngoài tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương… Trong 3 quý đầu năm 2022, các công Mỹ đã đầu tư 172 tỷ USD vào châu Âu, gấp đôi số tiền họ đầu tư vào BRICS và gấp 6 lần Mỹ đầu tư vào Trung Quốc (6,7 tỷ USD). 

Trong liên minh, liên kết năng lượng: EU gia tăng phụ thuộc Mỹ, giảm phụ thuộc vào Nga, đồng thời hướng tới giảm phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch, tăng cường năng lượng xanh, giảm phát thải khí ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo động lực tăng trưởng: Thứ nhất, Mỹ trở thành nhà cung cấp năng lượng quan trọng cho châu Âu, châu Âu đã giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga từ 40% xuống còn 10% trong vòng hơn 1 năm qua, nhờ sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Các nhà xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ đã cung cấp cho châu Âu hơn 50% nguồn cung LNG năm 2022, 2023; Thứ hai, Mỹ và EU hướng tới chia sẻ cả lợi ích và năng lực để đẩy nhanh các công nghệ tiên tiến đổi mới có thể cung cấp năng lượng sạch và hàng hóa dồi dào, giá cả phải chăng, tiềm năng rất lớn. Chính các sáng kiến, chính sách mang tính đột phá của Mỹ và EU đang tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc chuyển đổi năng lượng xanh công bằng, nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.  

Mỹ, EU tăng cường hợp tác và duy trì vị trí lãnh đạo trong chuyển đổi số: Mỹ là thị trường lớn nhất chi tiêu cho chuyển đổi số, chiếm gần 35% thị trường toàn cầu, EU là khu vực lớn thứ hai, chiếm gần 1/4 tổng chi tiêu cho chuyển đổi ký thuật số. Xếp hạng kỹ thuật số toàn cầu cho thấy Mỹ và châu Âu đại diện cho 8 trong 10 quốc gia hàng đầu, và 18 trong 25 quốc gia hàng đầu về mức độ sẵn sàng và áp dụng công nghệ số. Rõ ràng Mỹ và EU có ưu thế vượt trội trong việc dẫn dắt sự phát triển công nghệ mới của CM 4.0; Cùng với việc cấm vận Nga, Mỹ và EU đang triển khai nhiều giải pháp hạn chế thương mại chuyển giao công nghệ kỹ thuật số, kinh tế số đối với Nga và Trung Quốc: đạo luật chip, hạn chế M&A, rút lui các công ty xuyên quốc gia ra khỏi Nga và Trung Quốc.

Mỹ, EU tăng cường kết nối với các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển: Mỹ, EU tăng cường kết nối logictic trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đây cũng là ưu tiên mà Mỹ và EU tích cực triển khai, giảm bớt sự phụ thuộc vào BRI của Trung Quốc. Mỹ, EU thúc đẩy nguồn vốn tư nhân, hợp tác với các đối tác trong G7, mở rộng quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu, bao gồm chiến lược Cổng toàn cầu của EU và huy động 600 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng ở khu vực thu nhập thấp và trung bình vào năm 2027; Tính đến tháng 7/2023, Global Gateway bao gồm 87 dự án lớn, trong đó IMEC được triển khai đặc biệt nhằm tăng cường liên kết giao thông, liên lạc giữa châu Âu và châu Á thông qua mạng lưới đường sắt và vận chuyển, đồng thời đóng góp vai trò đối trọng với BRI của Trung Quốc; Vào tháng 9/2023, EU, Mỹ, Arab Saudi, UAE, Ấn Độ đã công bố một dự án mang tính lịch sử mang tên “Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu” (UMEC), sẽ được Global Gateway tài trợ. Dự án được qui hoạch theo hình thức 2 hành lang, trải dài từ Ấn Độ đến vịnh Ba Tư và từ đó đến châu Âu, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách thúc đẩy hội nhập và kết nối giữa châu Á, Trung Đông và châu Âu; Nhờ mối liên kết chặt chẽ giữa đầu tư, thương mại, công nghệ, đổi mới và việc làm gắn kết 2 bờ  Đại Tây Dương với nhau, nền kinh tế xuyên Đại Tây Dương vẫn là trụ cột trung tâm của nền kinh tế toàn cầu. Tổng sản lượng của Mỹ và châu Âu chiếm khoảng 1/3 GDP thế giới tính theo sức mua tương đương vào năm 2022. 

Hai là, một số động thái về kinh tế của phía Nga, Trung Quốc  

Nga chịu 13 gói cấm vận với khoảng 14 ngàn lệnh cấm vận, trừng phạt kinh tế của phe Mỹ, EU, NATO và đồng minh phương Tây. Trong lịch sử, chưa có quốc gia nào chịu nhiều lệnh trừng phạt như Nga, nhiều hơn tất cả các lệnh trừng phạt áp đặt lên Iran, Syria, Triều Tiên, Cu Ba cộng lại. Các biện pháp cấm vận của Mỹ, EU, phương Tây giành cho Nga về kinh tế rất đa dạng bao gồm hạn chế Nga giao dịch với các ngân hàng thế giới, áp lệnh cấm xuất nhập khẩu hàng hóa, công nghệ, tẩy chay các sản phẩm năng lượng, áp giá trần dầu mỏ, ngặn chặn làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa của Nga với thế giới… Nhưng tác động ngắn hạn của các biện pháp trừng phạt không nghiêm trọng, như Mỹ, EU, phương Tây dự kiến. Năm 2022, kinh tế Nga chỉ suy giảm (-2,1%), nhỏ hơn đáng kể so với mức suy giảm kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 (- 5,3%) và cuộc đại suy thoái kinh tế năm 2008 (-7,9%)Năm 2023, kinh tế Nga duy trì sự ổn định, đạt mức tăng trưởng kinh tế không ngờ (+2,7%). Bất chấp những hạn chế về tài chính, hậu cần đối với các nhà xuất khẩu Nga, quan hệ thương mại giữa Nga với nước ngoài vẫn phát triển mạnh mẽ. Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đạt ở mức cao kỷ lục 227,4 tỷ USD vào năm 2022, tăng 86% so với năm 2021. Năng lượng vẫn  đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế, tuy khối lượng xuất khẩu năng lượng có giảm, nhưng lại tăng về giá cả, Nga đã thu được nhiều tiền hơn từ việc xuất khẩu năng lượng trong năm 2022, 2023. Theo IEA (cơ quan năng lượng quốc tế) đầu tháng 4/2023, Nga đã xuất khẩu tăng lên mức cao nhất kể từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, đã tăng thêm 50.000 thùng/ngày lên 8,3 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2023. Sản phẩm hàng hóa được trao đổi qua rất nhiều nhà cung cấp giấu tên, trên tất cả các hành lang đất liền, trên biển. Hàng hóa phương Tây nhập khẩu vào Nga qua các nước giáp biên giới với Nga. Các nước phương Tây đã sử dụng các nước thứ 3 để xuất khẩu sang Nga, như: Kazakhstan, Gruzia, Armenia, Kyrgyzstan…

Cuộc xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây lại càng đẩy Nga hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc:  

Hợp tác thương mại, đầu tư: Trên cơ sở lợi thế so sánh của mỗi nước, giữa đại công xưởng (Trung Quốc) với một nguồn nguyên, nhiên liệu dồi dào (Nga) đã thu hút hai nước có cùng nhu cầu cao về trao đổi năng lượng, nguyên liệu; giúp hai nước tập hợp các nước “không thân thiện” với phương Tây, hướng tới một hệ thống thanh toán linh hoạt, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. 

Nga - Trung đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ trong những năm đầu thế kỷ XXI, nhưng từ năm 2014 đến nay, “tình hữu nghị hai nước không có giới hạn, không có lĩnh vực hợp tác “bị cấm”, hai nước đang phát triển quan hệ về cơ sở hạ tầng, xây dựng cầu đường và hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao chưa từ có”. Trong bối cảnh thương mại với Mỹ, phương Tây sụt giảm mạnh, thì qui mô thương mại hai nước đã vượt 150 tỷ USD (2022) và đạt 288 tỷ USD trong 11 tháng năm 2023, hướng tới 300 tỷ USD năm 2024. 

Hai nước hướng tới sử dụng các công cụ tài chính của Trung Quốc như đồng nhân dân tệ (NDT). Thương mại hai nước đang tách rời các lệnh trừng phạt của Mỹ, phương Tây với 33% các khoản thanh toán được thực hiện qua USD hiện nay và đang có xu hướng giảm rất nhanh so với mức 97% năm 2014. Nga duy trì khoảng 13% dự trữ ngoại tệ của mình bằng đồng NDT. Không còn Visa và Mastercard, các ngân hàng Nga đã phát hành các thẻ tín dụng sử dụng thẻ thay thế của Trung Quốc là UnionPay. 

Hai nước Nga, Trung cùng nỗ lực phát triển các quan hệ đa phương trong khuôn khổ SCO và BRICS: SCO (tổ chức hợp tác Thượng Hải) chiếm 40% dân số thế giới, 2/3 diện tích lục địa Á - Âu, chiếm 1/3 tổng GDP toàn cầu, chiếm 1/4 trữ lượng và sản xuất dầu, 30% lượng khí đốt toàn cầu, được thành lập năm 2001 với sự tham gia của 8 quốc gia thành viên chính thức Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Pakistan và với sự tham gia của các nước Trung Đông là quan sát viên, như: Ai cập, Saudi Araba, Quata, Iran, Bahraine, Kuwait, UAE đã trở thành những người bạn đồng chí hướng, muốn xây dựng con đường phát triển riêng, độc lập với Mỹ và phương Tây. Có sự chi phối, dẫn dắt mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc, SCO đang ngày càng phát triển theo hướng hợp tác không liên kết, độc lập với Mỹ và phương Tây. 

Còn nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS với sự tham gia của nhiều quốc gia đang phát triển, hiện có khoảng 40 quốc gia muốn tham gia BRICS, trong đó có rất nhiều đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi, UAE…Với tiềm năng kinh tế lớn mạnh: chiếm 1/4 GDP toàn cầu; 20% thương mại và 25% đầu tư trực tiếp nước ngoài, với dự trữ quốc gia của BRICS chiếm khoảng 35% dự trữ quốc gia thế giới, BRICS đang trở thành tổ chức liên kết kinh tế vào loại lớn nhất thế giới, do Nga, Trung Quốc dẫn dắt, sẽ sử dụng đồng tiền không phải USD, đang ngày càng hùng mạnh, trở thành đối trọng với kinh tế Mỹ, Euro Zone. 

Dưới góc độ an ninh - quốc phòng, rõ ràng Nga, Trung Quốc, Ấn Độ đang thúc đẩy hoạt động trong SCO, với mong muốn hình thành nên một “NATO phương Đông”, với sự tham gia của Pakistan, Iran thì tổ chức này có tới 5 cường quốc hạt nhân, với các nền kinh tế phát triển năng động nhất hiện nay là Trung  Quốc, Ấn  Độ, sẽ đưa SCO trở thành một đối trọng thực sự với NATO của Mỹ và EU./. Lê Liên (tổng hợp từ nguồn Ban Tuyên giáo TW)

48 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 846
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 846
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84189431