Phần 1: TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ, ĐỐI NGOẠI, QUỐC PHÒNG - AN NINH
1. Về chính trị
Sau sự kiện 24/02/2022, cục diện chính trị châu Âu đã biến đổi sâu sắc: cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra quyết liệt, tiêu biểu là cạnh tranh giữa Nga và các đối tác tin cậy với Mỹ, EU, NATO. Sự cạnh tranh quyết liệt giữa 2 nhóm nước đó đã tạo ra những biến động to lớn trong việc tập hợp lực lượng, cạnh tranh, đối đầu quyết liệt. Tuy khó có thể quay lại như thời “chiến tranh lạnh” đối đầu giữa 2 cực, nhưng xu hướng tập hợp lực lượng mới, cạnh tranh nước lớn ở khu vực châu Âu đã trở nên rất nghiêm trọng, đe dọa đến hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và đến không gian chính trị an ninh thống nhất ở châu Âu đã xây được trong giai đoạn hậu “chiến tranh lạnh” (1991 - 2014). Người ta gọi chúng là phiên bản “chiến tranh lạnh 2.0”.
Sự khác nhau 2 cực Mỹ - Xô (trong giai đoạn chiến tranh lạnh 1945 - 1991) giữa Mỹ, EU, NATO với Nga, Trung Quốc và các đối tác bạn bè trong giai đoạn từ 24/02/2022 đến nay ở những điểm nổi bật như sau:
Trong chiến tranh lạnh, cục diện 2 cực Xô - Mỹ có 5 đặc điểm như sau: Về chính trị là 2 hệ thống chế độ xã hội khác nhau, đối lập nhau; về quân sự là 2 tập đoàn đối kháng nhau; về kinh tế là 2 loại hình kinh tế phát triển song song, nhưng hầu như không có giao lưu qua lại với nhau, chủ yếu tập trung vào phong tỏa và chống phong tỏa lẫn nhau; nội bộ mỗi cực cơ bản theo kết cấu nhất nguyên, một trung tâm, một thủ lĩnh, quyền lực tập trung chủ yếu vào quốc gia đứng đầu (Mỹ và Xô); cục diện hai cực này ổn định tương đối và tồn tại trong thời gian tương đối dài (44 năm từ 1945 - 1989).
Trong giai đoạn hiện nay, cục diện 2 cực mới giữa 2 nhóm nước Mỹ, EU, NATO với Nga, Trung Quốc và các đối tác bạn bè của Nga, Trung Quốc hiện nay có 5 điểm khác biệt bao trùm: “hai cực mới” được vận hành trong một thế giới “kinh tế toàn cầu hóa”, “thương mại tự do hóa” và “chính trị đa trung tâm hóa”; mọi thành viên thuộc “2 cực mới” dù muốn hay không muốn đều tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản trong “luật chơi mới”, trong khuôn khổ “toàn cầu hóa kinh tế” và “đa trung tâm hóa chính trị”, khác hẳn với “hai cực cũ” được vận hành trong không khí “chiến tranh lạnh”, mọi sự tiếp xúc đều bị “bức màn sắt” cản trở; “2 cực cũ” đối đầu trực tiếp tuyệt đối, nhưng “2 cực mới” diễn ra trong bối cảnh cục diện châu Âu vừa hợp tác, vừa đấu tranh, dựa trên luật pháp quốc tế, hiến chương Liên hợp quốc; “hai cực mới” vẫn phải đáp ứng những yêu cầu mới của thời đại mà “hai cực cũ” chưa đặt ra: bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hòan, phát triển bền vững, kinh tế số… đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu; mục tiêu cạnh tranh, đấu tranh lẫn nhau giữa 2 nhóm nước không phải tiêu diệt, triệt tiêu lẫn nhau, mà là giành quyền phát ngôn trong tiến trình hình thành trật tự thế giới mới, trong tiến trình cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, chiến tranh thế giới thứ 3, phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo, quản trị toàn cầu mới…
2. Về an ninh - quốc phòng
Chấm dứt, bổ sung các cam kết, cơ chế kiểm soát xung đột, đảm bảo an ninh khu vực: Sức mạnh quân sự của EU thể hiện ở việc duy trì quan hệ đối tác an ninh, liên minh lâu dài và đồng minh với nhiều cường quốc. Liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU là không thể thay đổi trong khi EU là đối tác toàn diện NATO hơn 20 năm qua. Khối này kiểm soát 60% chi tiêu quân sự toàn cầu. Số lượng đồng minh, đối tác an ninh của EU rất lớn, ở khắp các châu lục, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Newzeland. Với những lợi thế này, châu Âu đã triển khai hàng chục ngàn binh sĩ chiến đấu bên ngoài lãnh thổ và sự hiện diện hải quân đáng kể chỉ đứng sau Mỹ. EU đã đi đầu trong các hoạt động quân sự ở Macedonia, Bosnia, Cộng hòa Nhân dân Congo, Chad, Somalia, Mali; chỉ huy các hoạt động hải quân ngoài khơi sừng châu Phi và Địa Trung Hải; tiến hành các hoạt động hỗ trợ hoặc giám sát ở Sudan, Nam Sudan, Guinea - Bissau, Libya, Indonexia, Iraq, Moldova, Kosovo, Gruzia, Niger, các vùng lãnh thổ Palestine, Ukraine và các nước vùng Baltic. Họ đã lãnh đạo các phái bộ của UN, kể cả ở Lebanon và góp phần quan trọng trong các phái bộ do Mỹ dẫn đầu, bao gồm cả tại Iraq, Afghanistan.
Về đối ngoại - an ninh - quốc phòng: Trong giai đoạn từ năm 1991 đến trước 22/4/2022, sự thay đổi tư duy an ninh của EU theo hướng giảm phụ thuộc vào Mỹ và NATO và chủ trương “tự chủ chiến lược” và xây dựng “la bàn chiến lược”, EU chủ trương xây dựng lực lượng quân đội riêng, ngày càng mạnh mẽ. Các thành viên EU, đặc biệt là Pháp, Đức dẫn đầu EU xây dựng sức mạnh cứng của EU và của nước mình. “Chiến lược toàn cầu” năm 2016 của EU công bố chủ trương đầu tư khẩn cấp vào lĩnh vực an ninh - quốc phòng, phòng thủ châu Âu, tăng cường hợp tác quốc phòng, đưa EU trở thành một “cộng đồng an ninh” với một nền công nghiệp quốc phòng cạnh tranh và sáng tạo; tăng cường hợp tác an ninh với NATO, đồng thời gia tăng năng lực triển khai các hoạt động quân sự độc lập. “Chính sách an ninh và phòng thủ chung” (CSDP) chưa xây dựng hệ thống phòng thủ chung, mà tập trung vào các hoạt động quản lý khủng hoảng bên ngoài lãnh thổ EU. “Quân đoàn châu Âu”, “lực lượng phản ứng nhanh” và “lực lượng quân đội châu Âu” là những công cụ thực thi chính sách an ninh của EU. Với mục tiêu hướng ra bên ngoài, EU đã đóng vai trò tích cực trong các sứ mệnh quân sự và dân sự dài hạn trên thế giới như chiến dịch gìn giữ hòa bình, cứu trợ nhân đạo và đối phó với nạn khủng bố, cướp biển, buôn người... Lãnh đạo EU ngày càng nhấn mạnh yếu tố “nâng cao năng lực tự chủ” trong xây dựng “la bàn chiến lược” của EU nhằm gia tăng vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, con đường dẫn đến thành lập một “Cộng đồng an ninh” còn phụ thuộc nhiều vào ý chí chính trị của các nước thành viên, trong khi các nước thành viên bất đồng sâu sắc, coi đây là vấn đề chủ quyền quốc gia và có những ưu tiên khác biệt về an ninh, chiến lược, quân sự.
Chấm dứt các Hiệp ước an ninh - quân sự đã ký kết giữa Nga và phương Tây sau khủng hoảng Ukraine: Cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra từ ngày 24/02/2022 đến nay đã kéo dài hơn 2 năm, mặc dù đã có những tín hiệu đáng ghi nhận thông qua đàm phán giải quyết khủng hoảng bằng biện pháp đối thoại, hòa bình (đã thực hiện tương đối hiệu quả qua các vòng đàm phán hòa bình tại Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ), nhưng do Mỹ, Anh và khối NATO, EU hứa và đã giúp Ukraine vũ khí, tiền của thực hiện “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” nhằm chống lại Nga. Vì vậy, cuộc chiến tranh này đã kéo dài hơn 2 năm, gây tổn thất to lớn về người và của cho cả hai bên Nga, Ukraine, gây hệ lụy, tác động tiêu cực sâu sắc cho châu Âu và thế giới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh. Nó là tác nhân chính làm chấm dứt nhiều hiệp ước, cam kết, cơ chế kiểm soát xung đột, đảm bảo an ninh khu vực châu Âu và trên thế giới, tạo ra cục diện mới đối đầu mạnh mẽ giữa Nga với Mỹ, NATO, EU và phương Tây.
Ngày 21/02/2023, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố chấm dứt “Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân” với Mỹ, còn gọi là “Hiệp ước New Start”. Đây là Hiệp ước hạn chế hạt nhân cuối cùng của Mỹ với Nga, được ký kết tại Prague (Cộng hòa Czech) năm 2010, có hiệu lực năm 2011. Năm 2021 đã được gia hạn thêm 5 năm. Hiệp ước này sẽ đặt mức hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ, Nga có thể triển khai, đồng thời đặt ra mức hạn chế số lượng triển khai các máy bay ném bom, tên lửa phóng từ tàu ngầm và mặt đất được dùng cho các đầu đạn này. Tuyên bố của Tổng thống Nga V.Putin trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine diễn ra ác liệt, Mỹ, EU, NATO và phương Tây đứng về Ukraine ủng hộ mạnh mẽ vũ khí hiện đại, tiền của, kể cả con người cho Ukraine nhằm mục tiêu chống nước Nga.
Ngày 07/11/2023, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Nga đã hoàn tất thủ tục rút khỏi “Hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu” (CFE). CFE được ký kết vào cuối cuộc chiến tranh lạnh, năm 1990, được phê chuẩn 2 năm sau đó, nhằm giới hạn số lượng vũ khí, thiết bị quân sự mà NATO và tổ chức Hiệp ước Warsaw trước đây được phép tích lũy và triển khai ở châu Âu. Mục tiêu của CFE là ngăn chặn cuộc xung đột tiềm tàng giữa 2 phe của cuộc chiến tranh lạnh ở châu Âu. Mặc dù bản sửa đổi đến năm 1999 đã nới lỏng một số hạn chế, nhưng đến năm 2007, Nga đã đình chỉ văn bản này, cáo buộc các thành viên NATO nhiều lần vi phạm các điều khoản thỏa thuận, cũng như không phê chuẩn biên bản cập nhật. Tháng 5/2023, Tổng thống Nga V.Putin đã ký sắc lệnh rút khỏi CFE và đã được Quốc hội Nga thông qua. Lý do Nga rút khỏi CFE đó là cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine leo thang, Mỹ, NATO, EU và phương Tây cuồng nhiệt ủng hộ mạnh mẽ Ukraine chống lại Nga, nhằm làm suy yếu và tiêu diệt nước Nga. Vì vậy, Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố: “bất kỳ nỗ lực đảm bảo an ninh quân sự ở châu Âu mà không tính đến lợi ích của Nga đều sẽ không dẫn đến kết quả tốt đẹp”.
Ngày 18/10/2023, Quốc hội Nga (tức Duma Quốc gia Nga) đã hoàn tất thông qua trong lần đọc thứ 2 và thứ 3 của dự luật về hủy bỏ phê chuẩn “Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện” (CTBT) đã được ký từ năm 1996, một Hiệp ước đa phương nhằm ngăn cấm các hoạt động thử nghiệm những vụ nổ hạt nhân. Động thái này bắt nguồn từ nguy cơ chiến tranh sẽ lây lan từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine có khả năng dẫn đến chiến tranh thế giới, không loại trừ chiến tranh hạt nhân, vì vậy các cường quốc hạt nhân luôn sẵn sàng chuẩn bị các vũ khí hạt nhân, tiến hành các vụ thử vũ khí hạt nhân.
Ngày 07/12/2023, Mỹ, đồng minh NATO đã quyết định tạm hoãn thực thi các nghĩa vụ theo “Hiệp ước kiểm soát lực lượng vũ trang thông thường tại châu Âu” (CFE). Theo Mỹ, NATO hoạt động này của Mỹ và NATO nhằm đáp trả việc Nga đã rút khỏi CFE trước đó.
Ngày 17/01/2023, Tổng thống Nga V.Putin đã tuyên bố Nga sẽ chính thức chấm dứt 21 Hiệp ước và Hiến chương liên quan đến Hội đồng châu Âu. Hội đồng châu Âu được thành lập năm 1949 bởi một số quốc gia châu Âu với sứ mệnh thúc đẩy “dân chủ, nhân quyền và pháp quyền”. Nga gia nhập Tổ chức này từ năm 1996 và năm 1998 đã phê chuẩn công ước nhân quyền. Tuy nhiên, tháng 12/2022, 42 trong số 47 thành viên của Hội đồng châu Âu đã bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Nga, với lý do xung đột giữa Nga - Ukraine. Nga đã lên án quyết định “Chính trị công khai” mà cơ quan trên danh nghĩa là tổ chức trung lập, nhưng thực chất là họ đứng về phía Mỹ, NATO. Trong 21 Hiệp ước có Hiến chương của Hội đồng châu Âu (COE), công ước bảo vệ nhân quyền và các tự do cơ bản, công ước châu Âu về trấn áp khủng bố, Hiến chương châu Âu về tự quản địa phương, Hiến chương xã hội châu Âu...
Đường lối tác chiến giữa hai bên Nga và Mỹ, phương Tây cũng khác nhau:
+ Về phía Nga: trong 2 năm qua, đường lối tác chiến của Nga có sự thay đổi lớn.
Giai đoạn đầu tiên: Nga tiến hành cuộc tiến công chớp nhoáng, muốn đánh nhanh, thắng nhanh, bao vây và chiếm Thủ đô Kiev. Tiến hành tấn công trên bộ, trên biển, trên không, uy hiếp Ukraine từ mọi hướng. Nga đã không lường trước được sức mạnh của quân đội Ukraine sau 9 năm được Mỹ, NATO, EU và đồng minh hỗ trợ xây dựng lại lực lượng, và quân đội Ukraine đã lớn mạnh không ngừng (khác hẳn giai đoạn Nga tấn công sáp nhập Crimea năm 2014). Vì vậy, Nga đã thay đổi đường lối, phương châm tác chiến từ đánh nhanh sang đánh vững chắc.
Giai đoạn thứ hai: Nga rút quân khỏi các vị trí xung quanh Thủ đô Kiev, đặt nhiệm vụ trọng tâm là bao vây, tấn công vững chắc, chiếm dần khu vực miền Đông (nơi có nhiều kiều dân Nga sinh sống) bao gồm 4 tỉnh là Donetsk, Lugansk, Kheson và Zaporozie, “giải phóng” 4 tỉnh miền Đông, tuyên bố độc lập, được Nga công nhận và sáp nhập vào Liên bang Nga thông qua trưng cầu dân ý và được Quốc hội tán thành.
Giai đoạn thứ ba: Ukraine được Mỹ, NATO, EU, đồng minh phương Tây ủng hộ và viện trợ toàn diện, đặc biệt là vũ khí hiện đại (tên lửa, máy bay, xe tăng, súng cối, đạn dược…), Ukraine đã mở cuộc tấn công vào 4 tỉnh đã bị sáp nhập vào Nga, hòng chiếm lại 4 tỉnh này. Đồng thời Ukraine tuyên bố sẽ tấn công vào 6 tỉnh của Nga có biên giới với Ukraine và bán đảo Crimea. Nhưng đến nay, mục tiêu này của Ukraine đã không hoàn thành nếu không muốn nói là đã thất bại. Có khả năng hai bên Nga, Ukraine sẽ phải đi đến đàm phán chấm dứt cuộc xung đột ác liệt này. Tuy vậy, quan điểm của 2 bên về đàm phán hòa bình giải quyết vấn đề xung đột giữa hai nước đang rất khác xa nhau.
+ Về phía Ukraine: Cuộc xung đột kéo dài 2 năm qua khiến Ukraine bị tổn thất sâu sắc trên tất cả các bình diện: đã có khoảng trên 10 triệu người dân phải di dời khỏi đất nước, sống tạm bợ trên đất khách, quê người và đã có khoảng vài trăm ngàn người đã chết. Công việc tuyển quân đang gặp rất nhiều khó khăn, hiện nay Ukraine đã phải tuyển quân cả phụ nữ để tham gia cuộc xung đột này. Ukraine hoàn toàn trông chờ vào viện trợ của Mỹ, EU, phương Tây để thực hiện xung đột, nếu Mỹ, phương Tây chấm dứt ủng hộ tài chính, vũ khí thì Ukraine sẽ khó có thể tránh được thất bại. Nội bộ đất nước mâu thuẫn, chia rẽ sâu sắc: Giữa Tổng thống Zelensky với Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tư lệnh quân đội; giữa Tổng thống với Thị trưởng Thủ đô Kiev, giữa Tổng thống với những cựu lãnh đạo đất nước…
+ Về phía nội bộ các nước đồng minh phương Tây: Mỹ đang hưởng lợi lớn từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, các nước phương Tây đang có bất đồng nội bộ sâu sắc, tất cả những điều đó sẽ gây khó khăn cho kéo dài cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine.
Xung đột giữa Nga - Ukraine đã ảnh hưởng đến nền kinh tế ở một số nước châu Âu: Đức suy thoái kinh tế năm 2023. EU có mức tăng trưởng kinh tế khá thấp: chỉ 0,6%.
Quốc hội Mỹ đã không thông qua kế hoạch tài chính ủng hộ Ukraine, nên Mỹ sẽ không có kế hoạch tiếp tục đầu tư cho Ukraine như cách họ đã làm trước đây. Mỹ cho rằng, không thể chỉ một mình Mỹ là nước tài trợ chính cho Ukraine, Mỹ muốn EU sẽ phải là nhà tài trợ chính, cung cấp vũ khí chính cho Ukraine chống Nga.
Một số thành viên của EU, các đồng minh của Mỹ trong NATO như Thổ Nhĩ Kỳ, một số nước Tây Âu, như: Áo, Italia, Hà Lan… đều mong muốn có đàm phán hòa bình giữa Ukraine với Nga, như Bộ trưởng Quốc phòng Itali Guido Crosetto đã phát biểu vào ngày 10/01/2024 rằng: “Tôi thấy những tín hiệu từ Nga và Ukraine rằng đã đến lúc ngoại giao mở đường cho hòa bình”.
Trong 02 năm 2022 và 2023, nhân loại nói chung, châu Âu nói riêng đang phải đối mặt với nguy cơ của một cuộc “chiến tranh lạnh mới”, do có nhiều mâu thuẫn giữa Nga với Mỹ, EU, NATO và phương Tây về không gian sinh tồn, Nga đã mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine từ ngày 24/02/2022 và đến nay cuộc xung đột ngày càng leo thang khốc liệt chưa có hồi kết. Cuộc chiến này đã và đang tác động sâu sắc tới cục diện châu Âu và thế giới, không chỉ đẩy quan hệ toàn diện giữa Nga, Trung Quốc và các đối tác bạn bè với Mỹ, EU, NATO và đồng minh phương Tây vốn đã căng thẳng từ năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea, sang mức đối đầu nguy hiểm, mà còn gây ra hệ lụy to lớn, có tác động sâu sắc tới hòa bình, phát triển ở châu Âu và toàn cầu. Các báo cáo của NATO cho biết Liên minh quân sự này được chi 1,3 nghìn tỷ USD cho quốc phòng vào năm 2023, tăng từ 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Như vậy. kể từ khi nổ ra khủng hoảng Ukraine tại bán đảo Crimea 2014, chi tiêu quốc phòng của NATO đều tăng theo từng năm và gấp hàng chục lần so với các quốc gia mà NATO xem là đối thủ. Chi tiêu quân sự của Nga - đối thủ lớn nhất của NATO, trong năm 2023 vào khoảng 56,6 tỷ USD, con số này thua NATO khoảng 24 lần. Còn đối thủ Trung Quốc của phương Tây cũng chi cho quốc phòng năm 2023 vào khoảng 224 tỷ USD, vẫn kém NATO khoảng 6 lần. Đứng đầu NATO trong chi tiêu quốc phòng là Mỹ năm 2023 đạt khoảng 877 tỷ USD, chiếm khoảng 3% GDP. Pháp là quốc gia có kế hoạch chi tiêu quốc phòng đầy tham vọng nhất của NATO, Tổng thống Macron đã đề xuất một kế hoạch ngân sách quốc phòng trước Quốc hội đầu năm 2023 theo lộ trình 2024 - 2030 trị giá khoảng 438 tỷ USD (Còn tiếp) Lê Thị Liên (tổng hợp từ nguồn Ban Tuyên giáo TW)