Cử tri miền Trung: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19 là kỳ tích 

(Chinhphu.vn) - Qua theo dõi phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến cử tri tại miền Trung bày tỏ đồng tình với báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ về những kết quả phát triển kinh tế-xã hội đạt được trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
 
Cử tri miền Trung: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19 là kỳ tích - Ảnh 1.

Ông Phạm Anh Định (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) - Ảnh: VGP/NA

Ông Phạm Anh Định (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) cho rằng, năm 2022, trong bối cảnh rất khó khăn, Việt Nam vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. GDP năm 2022 tăng 8,02%, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (2,7% - IMF), của các nước châu Á (4,4% - IMF).

Có thể khẳng định, mức tăng trưởng này là một kỳ tích, là kết quả sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Bước sang năm 2023, bị ảnh hưởng bởi những bất ổn và thách thức từ suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng, cho thấy sự phục hồi kinh tế sau đại dịch vẫn được duy trì, các cân đối lớn được bảo đảm. Ông Định dẫn chứng báo The Korea Times mới đây thông tin, nhiều ý kiến chuyên gia tại Hàn Quốc đánh giá Việt Nam là quốc gia có mô hình tăng trưởng bền vững ngay cả khi đối mặt với những bất ổn toàn cầu.  

Ông Định cho rằng, Việt Nam còn dư địa để thúc đẩy tăng trưởng. Việc Chính phủ thúc đẩy các dự án đầu tư công trọng điểm, giải ngân nguồn vốn đầu tư công là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay.  

Cử tri mong rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm đến chính sách tiền tệ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiêp vượt qua khó khăn; đôn đốc giải quyết dứt điểm vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám chữa bệnh. 

Cử tri miền Trung: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19 là kỳ tích - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Bá Thành (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) - Ảnh: VGP/LH

Theo dõi kỳ họp Quốc hội những ngày qua, cử tri Nguyễn Bá Thành (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) cho rằng, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, cũng như sau 3 năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 còn rất nhiều khó khăn, thì những kết quả đạt được trong trong công tác điều hành, chỉ đạo của Chính phủ là rất đáng ghi nhận.

Cụ thể, năm 2022 Việt Nam vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội, như: GDP năm 2022 tăng 8,02%, GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD; quý I/2023 vẫn duy trì đà tăng trưởng.

Bên cạnh điều hành phát triển kinh tế, Chính phủ có nhiều có chính sách quan tâm đến công tác an sinh xã hội; dành nhiều nguồn lực để cải thiện đời sống công nhân, lao động, như phát triển nhà ở xã hội, ban hành đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp và đang tích cực triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cũng là điểm sáng.

Tuy nhiên, theo cử tri Nguyễn Bá Thành, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn, sản xuất, mà doanh nghiệp là xương sống, sức khỏe của nền kinh tế. Do đó, Chính phủ cần có thêm những quyết sách động lực để gỡ khó giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo việc làm, thu nhập giúp người lao động ổn định cuộc sống trong thời gian tới.

Cử tri miền Trung: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19 là kỳ tích - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Lập, Viện Trưởng và sáng lập viên Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản - Ảnh: VGP/NA

Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện Trưởng và sáng lập viên Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản, trong thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ban ngành đã đề ra một loạt chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Tâm lý bi quan của các thành phần tham gia thị trường ít nhiều đã được tháo gỡ.

Cụ thể, Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để trực tiếp tham gia và tháo gỡ, khơi thông điểm nghẽn pháp lý ở một số dự án cụ thể và đề xuất giải pháp xử lý cho nhiều dự án khác đang gặp vướng mắc.

Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành trong 2 đợt, góp phần hạ nhiệt lãi suất huy động và cho vay trên thị trường; thực hiện khoanh vùng, hoãn, giãn, giữ nguyên nhóm nợ cho các chủ đầu tư và các nhà đầu tư, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, giảm áp lực to lớn từ vấn đề tín dụng. Việc đưa ra giải pháp xử lý khủng hoảng trái phiếu đã giúp thị trường tài chính ổn định, tránh tác động đổ vỡ dây chuyền và tạo dựng lại niềm tin cho thị trường trái phiếu hồi phục, giúp các chủ đầu tư uy tín huy động vốn từ kênh chủ lực này.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã triển khai thông qua gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho thực hiện việc thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ... tạo tâm lý tích cực cho thị trường.

Trong thời gian tới đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đi vào cuộc sống, góp phần tạo sức hút cho các chủ đầu tư tham gia triển khai đề án xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội, qua đó phần bổ sung phân khúc nhà ở có nhu cầu thực và đang vô cùng khan hiếm trên thị trường; giúp cân đối cơ cấu sản phẩm trên thị trường.

154 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 400
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 400
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88613700