Bộ trưởng Bộ Công an trả lời đúng, trúng những vấn đề cử tri quan tâm
Theo nhận xét của cử tri Nguyễn Thị Phương (Hà Nội), phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đối với các câu hỏi mà đại biểu Quốc hội thay mặt cử tri nêu ra đã đi vào thẳng vấn đề. Bộ trưởng đã không né tránh các vấn đề được chất vấn, thẳng thắn nhận trách nhiệm của người đứng đầu về những tồn tại, yếu kém của ngành.
Cử tri Nguyễn Thị Phương (Hà Nội). Ảnh: TL
Cũng theo cử tri Nguyễn Thị Phương, Bộ trưởng Tô Lâm không chỉ trả lời đối với đại biểu trong hội trường Quốc hội mà còn trả lời các kiến nghị của cử tri thông qua đại biểu Quốc hội của mình. Cử tri muốn nghe Bộ trưởng trả lời thẳng thắn các vấn đề và làm rõ trách nhiệm cũng như đưa ra những giải pháp, qua đó, cử tri và nhân dân sẽ giám sát việc tổ chức thực hiện.
Nêu vấn đề quan tâm của cá nhân, bà Phương mong muốn các cơ quan chức năng cần có những giải pháp triệt để trong phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và phụ nữ.
“Đối với tội phạm xâm hại trẻ em và phụ nữ nổi lên gần đây mà chúng ta biết mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, ngành Công an và các cơ quan chức năng cần có những giải pháp mạnh tay hơn nữa để phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và phụ nữ. Tôi nghĩ đây đang là vấn đề đáng báo động, không riêng gì ngành Công an, tất cả chúng ta cần phải mạnh dạn hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này”- cử tri Phương nêu kiến nghị.
Đánh giá phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, cử tri Nguyễn Ngọc Yến (Sơn La) chia sẻ, theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an, chị cảm thấy rất hài lòng bởi các vấn đề được đại biểu hỏi đều là những vấn đề nóng của xã hội hiện nay như tội phạm ma túy, tội phạm hình sự… Bộ trưởng đã trả lời đúng, trúng những vấn đề mà cử tri và dư luận xã hội đang quan tâm.
Cử tri Nguyễn Thị Yến chia sẻ, việc hỏi đáp trực tiếp tại các kỳ họp Quốc hội gần đây được cử tri đánh giá rất cao. Rõ ràng qua cách Bộ trưởng trả lời chúng ta cảm nhận được ông là người nắm rất chắc các vấn đề của ngành, những vấn đề nóng của xã hội.
“Đề xuất giải pháp của Bộ trưởng về công tác phối hợp đấu tranh tội phạm ma túy tôi thấy rất hay. Tôi cũng đánh giá cao việc lực lượng công an thời gian qua đã điều tra được nhiều vụ đại án tham nhũng tạo niềm tin cho nhân dân, tuy nhiên tôi nghĩ để hoàn thành tốt việc phòng chống tội phạm phải có sự chung tay của nhiều ngành, của hệ thống chính trị và tất cả nhân dân. Tôi cũng mong lực lượng công an tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân”- cử tri Nguyễn Thị Yến ghi nhận.
Mặc dù đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng, nhưng một số ý kiến khác cho rằng, Bộ trưởng trả lời một số câu hỏi chưa đi đến cùng vấn đề.
Theo dõi phiên trả lời chất vấn sáng 4/6, cử tri Đỗ Thanh Nga (Bình Dương) quan tâm nhất trong phần chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm là Bộ Công an sẽ có biện pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy khi phần lớn số người đi cai nghiện về lại tái nghiện và làm sao có thể giải quyết dứt điểm được nạn tín dụng đen đang hoành hành. Bởi với Bình Dương, cả 2 tệ nạn này nhiều năm qua đã trở thành mối lo ngại đối với người dân.
Theo cử tri Nga, "khi đưa người đi cai nghiện phải có biện pháp sao cho lúc đi về phải hòa nhập cộng đồng được. Muốn như vậy đừng đề ra thời hạn cai nghiện nữa. Vì họ chưa dứt cơn, chưa hết nghiện nên cứ hết thời hạn họ lại về, lại tái nghiện. Thứ hai nữa là tín dụng đen, dạo này nổi lên nhiều quá, tín dụng đen là có tổ chức thì việc quản lý địa bàn ngành phải quan tâm hơn nữa. Phần trả lời của Đại tướng Tô Lâm còn chung lắm, chưa nêu được biện pháp, chủ yếu phải là phải có biện pháp mạnh".
Cử tri Nga mong muốn, thời gian tới, ngành Công an cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là cấp tỉnh, cấp huyện, để làm tốt hơn công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm ma tuý, "tín dụng đen"…
Cử tri Đỗ Thanh Nga (Bình Dương): Ảnh: TL
Cử tri Phạm Ngọc Anh (Tuyên Quang) cho biết, các nội dung được chất vấn khá nóng, nhưng phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an còn chung chung, chưa đi đến cùng vấn đề, đúng với tinh thần phiên chất vấn của Quốc hội.
Cử tri nhận xét: “Nói chung là Bộ trưởng chưa làm rõ được các vấn đề, là nguyên nhân tại sao, trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp sắp tới là thế nào để giải quyết được. Và cam kết, khẳng định của Bộ Công an nói chung và Bộ trưởng nói riêng về vấn đề đó sắp tới như thế nào, để cử tri yên tâm. Sau phiên chất vấn thì tình hình tội phạm đó sẽ được ngăn chặn, giải quyết như thế nào. Đấy mới là cái mà chúng tôi mong muốn sau mỗi lần chất vấn”- cử tri Phạm Ngọc Anh băn khoăn.
Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri
Theo dõi phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chiều 4/6, nhiều cử tri đề nghị, Bộ Xây dựng cần đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt hơn để giải quyết những bất cập trong công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị và công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hiện nay.
Cử tri Doãn Chí Hiếu (Hưng Yên) đánh giá, các vấn đề nêu tại hội trường đều là vấn đề bức xúc trong quản lý nhà nước của ngành xây dựng. Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng chưa đáp ứng được kỳ vọng và mong muốn của cử tri, nhất là vai trò quản lý nhà nước của ngành xây dựng.
Cử tri cho rằng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời chưa đúng trọng tâm câu hỏi, chưa trực tiếp đi vào vấn đề mà xã hội đang đặt ra cho ngành. Bộ trưởng nắm vấn đề chưa thực sự sâu và giải quyết những vấn đề mà đại biểu Quốc hội đặt ra đối với ngành chưa đạt như mong muốn.
Cử tri Doãn Chí Hiếu cho biết, ông quan tâm đến việc giải quyết vấn đề nhà siêu mỏng, xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực và việc quản lý thị trường bất động sản nhưng Bộ trưởng chưa trả lời cụ thể.
Cử tri Doãn Chí Hiếu (Hưng Yên). Ảnh: ĐT
“Vi phạm ở công trình Toà nhà 8B Lê Trực là nghiêm trọng. Chúng tôi nghe Bộ trưởng trả lời như hôm nay thì chưa biết lúc nào mới xử lý được. Cứ lấy 1 cái này để làm điều kiện xử lý cho cái khác mà để tồn tại vậy thì chướng mắt. Cử tri đang còn nóng với việc đó mà 3, 4 lần họp Quốc hội, lần này cũng chưa biết lúc nào xong, cứ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau” – cử tri Hiếu bức xúc.
Còn cử tri Phạm Tuấn Anh (Đà Nẵng) đánh giá cao câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về trách nhiệm quản lý căn hộ du lịch (condotel).
Theo cử tri Phạm Tuấn Anh, thực tiễn hiện nay tại một số tỉnh có du lịch phát triển như Đà Nẵng, Khánh Hòa... thì có nhiều dự án condotel, nhiều dự án đã đi vào khai thác nhưng hành lang pháp lý lại chưa rõ ràng. Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các tranh chấp giữa chủ đầu tư và các nhà đầu tư thứ cấp. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết năm 2019 sẽ xây dựng cơ chế quản lý condotel, cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn chỉnh pháp lý là một tín hiệu vui cho các nhà đầu tư thứ cấp, không chỉ hạn chế các tranh chấp mà còn khơi gợi nguồn lực trong nhân dân.
Tuy nhiên, cử tri Phạm Tuấn Anh cho rằng, Bộ trưởng hứa trước Quốc hội và đưa ra thời hạn 2019 mới xây dựng cơ chế quản lý condotel là hơi muộn, bởi thời gian qua đã xảy ra nhiều tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng. Nhà đầu tư cảm thấy hoang mang vì sợ mất tiền. Theo đó, cử tri mong muốn các Bộ bắt tay với nhau để ban hành cơ chế quản lý condotel sớm nhất có thể, giúp cho các nhà đầu tư an tâm đầu tư vào các loại hình codotel.
Cử tri Trần Trung Dũng (Nam Định) nêu thực tế thời gian qua đã có rất nhiều công trình tiền tỉ được phê duyệt với rất nhiều kỳ vọng phục vụ cho lợi ích cộng đồng và người dân nhưng lại bị bỏ hoang. Trong khi nhiều người chật vật chắt chiu mà vẫn không mua nổi căn nhà, cán bộ công chức phải đi vay ngân hàng để mua nhà thì khó khăn, kèm theo là hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước bị đóng băng mà không được lưu thông trên thị trường. Điều này không chỉ gây lãng phí tiền của của xã hội, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự.
Nhận xét về nhà chung cư của Hà Nội, cử tri Trần Trung Dũng bày tỏ: Tôi cảm thấy trật tự xây dựng hiện nay dường như không có quy hoạch, đặc biệt là việc xây dựng các nhà chung cư quá nhiều. Điều này đã phá vỡ quy hoạch của thành phố. Tôi nghĩ khi họ xây dựng chỉ nghĩ đến lợi nhuận thôi chứ chưa nghĩ đến chuyện của xã hội. Cứ đà này nó sẽ ảnh hưởng xấu đến trật tự đô thị, giao thông và nhiều vấn đề khác về dân sinh, về mua bán bất động sản, thị trường nhà đất sẽ loạn, đề nghị các Bộ ngành phải xem lại, có giải pháp quản lý hiệu quả./.
Nhóm PV