Vài chục năm trước, nhắc tới cù lao Bắc Phước (thuộc xã Triệu Phước, H.Triệu Phong, Quảng Trị), người dân địa phương nghĩ ngay đến chữ “nghèo”. Cũng dễ hiểu, vì ngày đó chưa có cầu bắc qua, chưa có nước sạch, tóm lại là chưa có... rất nhiều thứ, mỗi chuyện khổ cực thì nhà nào cũng có. Cuộc sống ngột ngạt đến nỗi, sau năm 1975, rất nhiều gia đình Bắc Phước đã phải khăn gói tha hương, lên tận vùng biên Lao Bảo (Quảng Trị) khai hoang, làm kinh tế mới.
Cứ tưởng vùng đất khắc nghiệt ấy phải muôn đời biệt lập. Nào ngờ...
Cổng làng thời... thịnh vượng
|
|
|
Khác với ngày xưa, Bắc Phước bây giờ cái gì cũng có, không thua chi người
thành phố. Bắc Phước còn có thứ mà dân thành phố thèm muốn, ấy là sự trong lành và bình yên
|
|
|
|
|
|
Tôi về Bắc Phước khi xứ cù lao này đã được “nối bờ” ngót nghét 9 năm. Mải miết đi và ngắm nghía làng quê Bắc Phước thanh bình, cho đến khi bắt gặp một công trình đồ sộ. Ngẩng đầu lên, trên cao có hàng chữ “Làng Duy Phiên” màu vàng chói lọi. Cổng làng đâu mới vừa hoàn thành năm ngoái, khá bề thế gồm 1 cửa chính, 2 cửa phụ và kẻ vẽ tỉ mỉ với 3 tầng mái ngói, uốn lượn rồng phượng... “Các cụ ngày xưa đã bảo rồi, muốn biết dân làng giàu hay nghèo, đời sống ra sao chỉ nhìn cổng làng là đã rõ”, một lão nông người Duy Phiên vác cuốc ngang qua không giấu sự tự tin với khách lạ. Ông bảo chính dân làng góp kinh phí xây dựng, khoảng 400 triệu đồng.
Duy Phiên chỉ là một trong 3 làng ở Bắc Phước. Hà La, Dương Xuân là tên của 2 làng còn lại. Cũng chẳng ai biết chính xác Bắc Phước có tự bao giờ, chỉ biết nơi đây từng là cù lao hoang vắng được người ở phía “bên kia bờ” qua khai phá.
Ở Hà La, Dương Xuân không có cổng làng to như Duy Phiên, và hình như người dân 3 làng ấy cũng không có ý định “đọ” nhau xem cổng làng ai to hơn. Nhưng riêng về nhà cửa bề thế thì chưa chắc Duy Phiên đã hơn. Chỉ cần dẫn tôi đi dọc đường bê tông vòng quanh cù lao, ông Trần Văn Dương, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Dương Xuân, đã giới thiệu đủ các kiểu kiến trúc nhà cửa. Người dân Bắc Phước hầu hết đã ở nhà cấp 4 vững chãi, hoặc nhà cao tầng hiện đại và không hiếm những ngôi nhà rường gỗ, biệt thự mái Thái. “Chòi” đã là quá khứ...
Bất ngờ ông Dương dừng xe trước một ngôi nhà lớn, “khoe” một cách khiêm tốn: “Nhà tôi đó, mới xây năm kia, tròm trèm tỉ rưỡi. Nhưng con cái đi hết rồi, chỉ có hai vợ chồng già ở với nhau, quét nhà cũng... mệt”.
Cổng làng Duy Phiên đồ sộ
|
Một vụ tôm bằng 50 năm trồng lúa
Không phải tự nhiên mà đời sống người dân Bắc Phước lại đổi thay ngoạn mục như thế. Có người bảo, lý do phần nhiều là do sự đầu tư mạnh mẽ của chính quyền cho địa phương này, đó là cây cầu, đường điện, nguồn nước sạch... Cũng có người bảo, Bắc Phước đang hưởng lộc từ những “Bắc Phước kiều” từng tha phương ở vùng biên Lao Bảo, nay giàu có về xây dựng quê hương... Nhưng có một lý do nữa mà không ai có thể phủ nhận: Cuộc “đổ bộ” thành công của con tôm công nghiệp.
Bắc Phước vốn là vùng đất cửa sông. Bao quanh là hàng chục héc ta rừng ngập mặn, đất đai để canh tác không nhiều, nếu có cũng không phải là đất màu mỡ. Người Bắc Phước lâu nay chỉ theo đuổi 2 công việc chính để sinh nhai: đánh bắt cá tôm tự nhiên và trồng lúa huyết rồng. Huyết rồng, tên nghe hay nhưng chỉ là giống lúa có vỏ màu đỏ, năng suất thấp. Vậy đó, họ lo đủ ăn cũng đã trầy trật, huống hồ làm giàu...
Mãi cho đến những năm 1990 và những năm đầu của thế kỷ 21, tỉnh Quảng Trị và nhất là H.Triệu Phong đã “bật đèn xanh” cho người dân Bắc Phước thay đổi phương thức sản xuất, biến những vùng đất màu kém hiệu quả thành ao tôm. Đến bây giờ, toàn cù lao có ngót 150 hộ nuôi tôm trên diện tích hơn 100 ha. Chỉ tính riêng mỗi vụ chính trong năm có thể thu sản lượng gần 200 tấn, doanh thu khoảng 20 tỉ đồng. “Ở đây toàn hồ đất, diện tích mỗi hồ rộng lắm cũng chỉ 1 ha nên dân Bắc Phước nuôi tôm... trúng nhiều hơn trật. Nếu có lỗ cũng không nhiều, chỉ vài ba chục triệu mỗi vụ”, ông Nguyễn Văn Vui, Phó chủ tịch UBND xã Triệu Phước, kể.
Giám đốc Dương cũng là một trong 46 hộ nuôi tôm phất lên ở làng Dương Xuân. Theo nghề từ năm 2003, đến nay ông vẫn “trúng” tôm đều đặn, gần nhất vụ tôm năm ngoái thu đến 2,6 tấn, lãi ròng 260 triệu đồng. “Tôi từng làm một phép tính nhẩm rằng, trước đây khi trồng lúa huyết rồng trung bình chỉ đạt 70 kg/sào, thì giờ so với số tiền lãi trúng một vụ tôm xem như phải trồng lúa 50 năm mới bằng”, ông Dương nói.
Bắc Phước bây giờ không thiếu những ngôi nhà khang trang
Vì “phép tính” đơn giản đó, con cái ông Dương đều theo nghiệp nuôi tôm. Ngay cả con rể Nguyễn Minh Khương cũng nằm trong tốp đầu ở làng, có nhà cửa tiền tỉ. Cũng với con tôm, ông Nguyễn Phương Nam (Phó bí thư Chi bộ thôn Dương Xuân) đã có thể lo cho 4 đứa con ăn học đàng hoàng.
Khi đàn cò tìm về...
Khác với ngày xưa, Bắc Phước bây giờ cái gì cũng có, không thua chi người thành phố. Bắc Phước còn có thứ mà dân thành phố thèm muốn, ấy là sự trong lành và bình yên.
Người ta có lý do để ví cù lao Bắc Phước là vùng đất lành. Cá tôm vẫn quẫy ở đầm Duy Phiên và trong những khu rừng ngập mặn bao quanh cù lao. Diện tích cây bần chua cũng không ngừng mở rộng để vừa giữ phù sa, vừa trở thành môi trường trú ngụ, sinh sôi nảy nở của các loài hải sản. Không ít người Bắc Phước bây giờ dù giàu có nhưng vẫn đi thả lưới, vẫn đi trồng lúa huyết rồng... nhưng chỉ để ăn chứ không bán. Với họ, đó như là một thú vui, để được gần với thiên nhiên, thưởng thức những sản vật quê hương hơn là để mưu sinh. “Nếu có ngày phải xa nơi này, chắc tôi sẽ rất nhớ rất nhiều thứ. Nhiều khi chỉ giản đơn như việc hằng đêm bắc ghế ra sông hóng gió thôi, nhưng không phải nơi nào cũng có”, ông Nguyễn Phương Nam nói mơ màng.
Thật lạ, có thêm loài sinh vật khác đang tìm về Bắc Phước ngày càng nhiều dẫu chẳng có ai nuôi. Đó là cò. Đã trở thành thói quen, khi hoàng hôn buông xuống, đàn cò bay về phía rừng ngập mặn cù lao này để nghỉ ngơi sau một ngày kiếm ăn. Hẳn ai cũng biết, cò chỉ bay về phía đất lành!