|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đọc diễn văn kỷ niệm. |
Sáng 16/9, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19/9/1889-19/9/2019).
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; các Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; các Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đại diện gia đình cụ Bùi Bằng Đoàn...
|
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn. |
Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đọc diễn văn ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn.
Chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn sinh tháng 9/1889 trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, chứng kiến phong trào Cần vương kháng Pháp thất bại; các phong trào đấu tranh yêu nước lần lượt bị thực dân Pháp đàn áp, khủng bố đẫm máu, nhân dân ta lâm vào cảnh nô lệ, lầm than, chí sĩ Bùi Bằng Đoàn đã sớm tiếp thu truyền thống bất khuất của dân tộc.
“Với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, từ lúc còn là một vị quan của Triều đình nhà Nguyễn cho đến khi trở thành nhà lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn nêu cao tinh thần vì nước, vì dân, xả thân vì nghĩa lớn. Cụ là một trong những tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Trong những ngày đầu thành lập, chính quyền cách mạng hoạt động còn nhiều bỡ ngỡ, khiếm khuyết, để bộ máy chính quyền nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL, thành lập Ban Thanh tra đặc biệt là tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam ngày nay. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử cụ Bùi Bằng Đoàn và ông Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra đặc biệt, trong đó cụ Bùi Bằng Đoàn được cử làm Trưởng ban để bảo đảm sự lãnh đạo thực hiện của cơ quan có chức năng, quyền hạn rất lớn trong Chính phủ.
Tuy thời gian hoạt động không dài, nhưng Ban Thanh tra đặc biệt dưới sự chỉ đạo của cụ Bùi Bằng Đoàn đã triển khai và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, mang lại uy tín cho Đảng, Chính phủ, sự tin tưởng của nhân dân đối với chính quyền cách mạng.
Vào tháng 1/1946, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Đông. Vào tháng 11 năm đó, cụ đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Kỳ họp thứ 2 tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội, thay cụ Nguyễn Văn Tố đi nhận nhiệm vụ mới.
Trong thời gian giữ cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội - người đứng đầu cơ quan lập pháp, với sự hiểu biết sâu rộng cả về lý luận và thực tiễn, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực thi những nhiệm vụ mà Quốc hội giao phó.
Trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc, trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, góp ý kiến với Chính phủ và giám sát các hoạt động của Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến.
Cụ đã có những đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ; thực hiện các chính sách sản xuất tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp, chính sách ruộng đất; chỉ đạo các đoàn đại biểu khu vực kiểm tra tình huống, lấy nguyện vọng của nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo cuộc kháng chiến.
Cụ cũng đã tham gia Ban vận động thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường lực lượng cách mạng.
|
Tiết mục văn nghệ tại buổi lễ. |
Ngày 13/4/1955, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn đã từ trần. Cụ đi xa, nhưng tấm gương yêu nước, thương dân, tận tụy với công việc và sự liêm khiết, chính trực của cụ cùng với những cống hiến to lớn mà cụ đã để lại cho Quốc hội, cho Chính phủ, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta sẽ mãi được khắc ghi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn là dịp để chúng ta tri ân và tưởng nhớ công lao, sự cống hiến to lớn của Cụ Bùi Bằng Đoàn đối với nhân dân và cách mạng Việt Nam.
“Cụ Bùi Bằng Đoàn chính là một tấm gương tiêu biểu của một nhân sĩ yêu nước chân chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân; sống khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý của cụ là tấm gương sáng để các đại biểu Quốc hội, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập. Tấm gương của cụ Bùi Bằng Đoàn góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.
Noi gương cụ Bùi Bằng Đoàn, trong mọi hoạt động và trên từng cương vị công tác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta phải luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc, của nhân dân và của Đảng lên trên hết; tăng cường sự đoàn kết thống nhất để giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Noi gương cụ, chúng ta nguyện đi theo con đường cách mạng mà Đảng, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối trong đó có cụ Bùi Bằng Đoàn đã lựa chọn, ra sức xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng tiên liệt vì sự trường tồn, phát triển của quốc gia, dân tộc.
Nhật Nam