Thông tin này được bà Suchitra Prasansuk, Chủ tịch Hội Thính học thế giới cho biết tại Hội nghị Thính học quốc tế lần thứ 19 năm 2018 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/9. Đây là hoạt động thường niên của các Trung tâm thính học quốc tế trên thế giới.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN)

Theo bà Suchitra Prasansuk, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2010, thế giới có khoảng 250 triệu người bị điếc, giảm thính lực và con số này tăng lên khoảng 360 triệu người vào năm 2015. Những con số này cho thấy, số lượng người có vấn đề về thính lực ngày càng gia tăng. Hiện, trung bình cứ 6 người, sẽ có một người gặp vấn đề về thính giác. Bốn nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề về thính giác là điếc bẩm sinh, điếc do thuốc, điếc do bệnh viêm tai giữa và điếc do tiếng ồn. “Xã hội càng phát triển càng tạo ra nhiều tiếng ồn ảnh hưởng đến sức nghe của con người và đặc biệt thói quen đeo tai nghe (headphone) trong thời gian dài của người trẻ là nguyên nhân khiến cho số lượng người bị giảm thính lực ngày càng tăng”, bà Suchitra Prasansuk cho hay.

Bà Suchitra Prasansuk cho rằng, giảm thính lực và điếc là một dạng khuyết tật nặng nhưng lại không được quan tâm đúng mức. Thậm chí trước đây, những người bị mắc các khuyết tật này còn bị gọi là mắc bệnh tâm thần, chậm phát triển, dẫn đến nhiều người bị cô lập và họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các dụng cụ trợ thính, các phương pháp điều trị mới đã giúp cho những người có vấn đề về thính giác có cuộc sống dễ chịu hơn nhưng những hệ lụy mà nó gây ra cũng ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của người mắc bệnh.

Nói về bệnh lý viêm tai giữa, một trong những nguyên nhân gây giảm thính lực khá phổ biến ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây là nguyên nhân quan trọng nhất gây mất thính giác ở trẻ em với tần suất 30,8/10.000 trẻ mắc. Bệnh viêm tai giữa thường xảy ra ở trẻ em từ 3 đến 18 tháng tuổi, thậm chí có thể gặp ở trẻ sơ sinh. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm tai giữa là mất thính lực vĩnh viễn, ảnh hưởng khả năng nói, bị liệt thần kinh mặt…Do đó, trẻ cần được điều trị kịp thời nhằm hạn chế những biến chứng nguy hiểm nói trên. Điều đặc biệt, viêm tai giữa ở trẻ em có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin nhưng tại Việt Nam không phải phụ huynh nào cũng có ý thức phòng ngừa cho con em của mình.

Trong khuôn khổ Hội nghị Thính học quốc tế lần thứ 19, các chuyên gia còn đề cập đến các giải pháp điều trị các bệnh lý tai mũi họng, phòng ngừa biến chứng điếc do viêm tai giữa, cập nhật các giải pháp thăm khám tiền đình…

Với chủ đề “Cải thiện sức nghe và thăng bằng cho mọi người”, hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 300 chuyên gia hàng đầu đến từ nhiều quốc gia như: Mỹ, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Philippines, Ấn Độ…Hội nghị còn là dịp gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các bác sỹ Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực thính học và thăng bằng./.

Đinh Hằng/TTXVN