CPTPP: Vươn tới chuẩn cao nhất từ những việc nhỏ nhất 

(Chinhphu.vn) – Đại diện cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, CPTPP là một Hiệp định tiêu chuẩn cao nhất từ trước tới nay, thì Chương trình hành động thực thi Hiệp định này cũng phải đạt tới những chuẩn mực cao nhất.

 

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội trường.

Thảo luận tại Quốc hội sáng 5/11 về xem xét việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương – CPTPP, đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Thái Bình, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ nhất trí với tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP ngay tại kỳ họp này bởi những cơ hội quý giá mà Hiệp định mang lại.

Những cơ hội quý giá từ CPTPP

Trước hết, đó là cơ hội mở rộng thương mại, đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ, cơ hội nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng của chúng ta.

Đây là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, cơ hội có thêm việc làm cho người lao động, cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân.

Đây cũng là cơ hội để đa phương hoá các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế của nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững.

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, xung đột và chiến tranh thương mại leo thang thì những cơ hội này càng quý giá”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, chúng ta cũng kỳ vọng nhiều vào cơ hội hoàn thiện thể chế từ Hiệp định này. Các cam kết tiêu chuẩn cao của nền thương mại hiện đại sẽ là động lực, đồng thời là áp lực để đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng mong đợi những tác động đáng kể về xã hội và phát triển bền vững mà Hiệp định này hứa hẹn mang lại. Việc thực hiện các yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn lao động, môi trường, phòng chống tham nhũng và minh bạch hoá… dù đòi hỏi nhiều nỗ lực và chi phí tuân thủ, nhưng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người lao động, cho xã hội, cho uy tín và thương hiệu của hàng hóa, dịch vụ “made  in  Việt Nam” trong con mắt và trái tim người tiêu dùng toàn thế giới.

Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh tất cả mới chỉ là cơ hội, các FTAs hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội nhưng phần lợi ích thực sự đạt được của chúng ta còn khiêm tốn. Việc ký kết và phê chuẩn CPTPP là một quyết định chính trị quan trọng thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước ta vì lợi ích của đất nước, nhưng phải xây dựng được các cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của cả chính quyền và doanh nghiệp để có thể hiện thực hóa thành công các cơ hội được mở ra.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Cùng với việc phê chuẩn Hiệp định, đại biểu đề nghị cần xây dựng và triển khai Chương trình hành động bảo đảm thực thi Hiệp định có hiệu quả. Chương trình này, theo đại biểu, phải ít nhất đáp ứng ba yêu cầu cơ bản:

Một là, phải bao gồm đầy đủ các nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật cần thiết không chỉ để tuân thủ các cam kết trong Hiệp định mà còn để ứng phó với các thách thức và tận dụng được các cơ hội mở ra. Cùng với các văn bản pháp luật sẽ phải sửa đổi hay ban hành mới theo yêu cầu của Hiệp định, cần sửa đổi hay ban hành mới các chính sách, văn bản tuy không phải do Hiệp định trực tiếp yêu cầu nhưng cần thiết phải điều chỉnh dưới tác động của Hiệp định.

Đại biểu lấy ví dụ, thực hiện cam kết về thuế quan trong Hiệp định với biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, chúng ta sẽ dự kiến như thế nào về các chính sách để cân đối, bù đắp phần thu ngân sách bị thiếu hụt từ việc loại bỏ thuế theo cam kết?

Hai là, phải dự kiến được các phương án cụ thể để thực thi Hiệp định một cách vừa nghiêm túc vừa có lợi nhất, không chỉ cần tuân thủ mà còn còn phải biết chủ động vận dụng theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” vì lợi ích của doanh nghiệp, quốc gia, dân tộc.

“Chẳng hạn, liên quan tới việc sửa đổi pháp luật, chúng ta đều biết rằng, với mỗi cam kết về quy tắc trong Hiệp định này, có nhiều cách thức để giải thích, và để nội luật hóa. Tuỳ từng vấn đề mà ta có thể giải thích cam kết theo nghĩa hẹp, để giảm thiểu các chi phí thực thi quá lớn, hoặc theo nghĩa rộng, để tận dụng các lợi thế từ cam kết. Các cam kết về bảo hộ sở hữu trí tuệ, về quyền của các nhà đầu tư, về tạo thuận lợi thương mại… đều để ngỏ những khả năng này”, đại biểu nêu ý kiến.

Chương trình hành động, vì vậy, phải bao gồm hai việc: Phải rà soát và xây dựng tất cả các phương án có thể để thực thi một cách chủ động các cam kết và phải tổ chức đánh giá tác động, tham vấn các đối tượng liên quan, để nhận diện và cân đong đo đếm được các tác động của từng phương án thực thi, cân nhắc cả những gì được - mất. Chương trình hành động cũng phải tính tới các phương án thực thi theo từng giai đoạn, để vừa với sức vươn lên của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ các cam kết.

Ba là, Chương trình hành động thực thi Hiệp định cần nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn...

Vươn tới chuẩn mực cao nhất từ những việc nhỏ nhất

Từ kinh nghiệm của thực thi WTO và các FTAs trước đây, đại biểu đề nghị riêng đối với doanh nghiệp, ít nhất có ba nhóm công việc hỗ trợ cần đưa vào Chương trình hành động.

Một là, do văn kiện CPTPP là sản phẩm của các nhà chính trị và kỹ trị, nên bao giờ cũng quá phức tạp, hàn lâm và kỹ thuật, nên doanh nghiệp khó có thể đọc mà hiểu được ngay và hiểu đúng để vận dụng một cách có hiệu quả. Vì vậy, cần có đầu mối chính thức để hướng dẫn và tư vấn cho doanh nghiệp về nội dung của các cam kết.

Hai là, trong mọi kế hoạch rà soát, nội luật hóa các cam kết hoặc xây dựng pháp luật liên quan tới Hiệp định, các Bộ ngành cần phải tham vấn rộng rãi và thực chất với cộng đồng doanh nghiệp.

Ba là, cần thiết lập một đầu mối chính thức để tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc xử lý các bất đồng về cách thức diễn giải trong quá trình áp dụng trực tiếp các cam kết cũng như các quy định nội luật hóa Hiệp định.

“Tóm lại, vì rằng CPTPP là một Hiệp định tiêu chuẩn cao nhất từ trước tới nay, thì Chương trình hành động thực thi Hiệp định này cũng phải đạt tới những chuẩn mực cao nhất. Nỗ lực xuyên suốt, quyết định thành bại của cuộc hội nhập đỉnh cao này, suy cho cùng chính là những nỗ lực đẩy nhanh cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để vươn tới những chuẩn mực hàng đầu của một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập như Nghị Quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng ta đã yêu cầu”, đại biểu nêu ý kiến.

Theo đại biểu, nếu so với yêu cầu đó, thì chúng ta còn  phải cố gắng rất nhiều. Mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng khoảng 30 bậc trong 5 năm qua, nhưng theo Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới vừa công bố tuần qua, Việt Nam – dù tăng điểm - đứng thứ 69 trên thế giới và xếp hạng cuối cùng trong 11 nền kinh tế tham gia CPTPP. Cạnh tranh sẽ rất khắc nghiệt. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể đang tăng lên trong thời gian gần đây cho thấy rõ điều này.

“Con đường cải cách do vậy còn dài. Để vượt lên, cải cách cần phải được gia tốc, và những nỗ lực cải cách và hội nhập vẫn phải bắt đầu từ những điều giản dị: Khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm; kiên trì gỡ bỏ từng giấy phép con, từng thủ tục hành chính đang còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp... để không chỉ tiếp tục cởi trói mà còn tiếp sức cho công cuộc khởi nghiệp của toàn dân. Hội nhập nói chung và hội nhập CPTPP nói riêng, do vậy, trước hết là vấn đề bên trong của nước ta và của mỗi chúng ta”, đại biểu phát biểu.

Hà Chính

479 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 778
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 778
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87222313