CPTPP và EVFTA: Không chỉ là mở rộng thị trường 

(Chinhphu.vn) – Thách thức khi hội nhập với những quốc gia có bề dày phát triển sản xuất nông nghiệp, hoàn thiện thể chế và có kinh nghiệm thị trường đòi hỏi nền nông nghiệp Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ. Những thay đổi này không chỉ đáp ứng yêu cầu hội nhập, mở rộng thị trường mà chính là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt.

 

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

 

Đây là ý kiến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đưa ra tại Hội nghị “Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các FTA” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng nay (26/6), tại Hà Nội.

Nâng cao kỹ năng hội nhập

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, năng lực sản xuất kinh doanh nông nghiệp ngày càng được nâng cao, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường nông lâm thủy sản toàn cầu. Nông sản Việt Nam đã vươn mạnh ra thế giới và có mặt tại 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường giá trị cao như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc... Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới; đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hội nhập quốc tế thông qua hình ảnh một Việt Nam ổn định, an ninh lương thực và có trách nhiệm với thế giới...

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản hiện vẫn trên đà tăng trưởng rất tốt. Chỉ trong 10 năm (2008-2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; năm 2018 đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD. Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, trong đó có 6 mặt hàng (trái cây, hạt điều, cà phê, gạo; tôm; đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, tổng GDP của thị trường CPTPP và EVFTA là hơn 30% GDP toàn cầu, tổng giao dịch thương mại khoảng 35% thương mại toàn cầu, hết sức lớn. Đây là cơ hội nhưng ngược lại cũng rất nhiều thách thức và rủi ro mà không nỗ lực thì chúng ta sẽ đánh mất cơ hội và mất ngay thị trường sân nhà Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao kỹ năng hội nhập của cả hệ thống.

“Con cá ngừ điển hình của Việt Nam với trọng lượng 337 kg cuối cùng chỉ bán được 37 triệu, một con cá ngừ đại dương của Nhật bản 270 kg quy về tiền Việt Nam bán được 70 tỷ đồng. Đó là kết quả của đẳng cấp trình độ kinh tế và kỹ năng hội nhập”, Bộ trưởng nêu ví dụ.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Với 16 FTA cả song phương và đa phương đã được ký kết, tác động của hội nhập đi vào cuộc sống, không chỉ đi vào bộ, ngành địa phương mà còn tác động đến từng doanh nghiệp, từng người dân, sản xuất trong nước, trong đó có ngành nông nghiệp và nông thôn.

Tại Hội nghị, các hiệp hội, ngành hàng, địa phương đã cùng trao đổi, xác định những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trước ngưỡng cửa hội nhập rộng mở, để từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, định hướng giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn lên tầm cao mới, cạnh tranh quốc tế.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải thay đổi về nhận thức, tư duy trong hội nhập, đồng thời cải cách thể chế và chính sách để tạo thuận lợi thúc đẩy môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và đảm bảo tuân thủ các cam kết. Trong đó, cách tiếp cận và thực hiện phải hướng tới phát triển bền vững cả về kinh tế-xã hội-môi trường, không đánh đổi về môi trường để lấy kinh tế.

Chuyển từ bị động sang chủ động

Thông tin chung về CPTPP và EVFTA, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, CPTPP là Hiệp định thương mại quan trọng nhất trong hơn hai thập kỷ qua, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với 11 quốc gia, chiếm 11,5% tổng kim ngạch toàn cầu, CPTTP với nhiều cam kết trong cắt giảm thuế quan, cam kết nguồn gốc xuất xứ, cam kết SPS và TBT, cam kết đầu tư, cam kết sở hữu trí tuệ và các cam kết khác, CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Đối với Hiệp định EVFTA, hiện Việt Nam và EU đang nỗ lực đẩy nhanh các thủ tục cuối cùng để sớm ký kết và phê duyệt Hiệp định. Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 7 năm.

Đáng chú ý, với hội nhập quốc tế, Việt Nam đã chuyển từ bị động sang chủ động. Do đó, đã có những chuyển biến quan trọng cả về cơ cấu phát triển kinh tế, chất lượng phát triển kinh tế cũng như chiến lược đối ngoại, trong đó, lấy nền tảng là đa phương hóa, đa dạng hóa.

“Minh chứng thành công trong hội nhập của Việt Nam có thể lấy ví dụ từ chính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, với việc Việt Nam hội nhập sâu rộng, nhất là các thị trường có FTA, nông nghiệp đã vươn lên, chứng kiến sự thay đổi vượt bậc, trong năng lực sản xuất của doanh nghiệp và nông dân từng bước tạo tiền đề quan trọng trong liên kết chuỗi”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân và thành tố trong xã hội. Do đó, đòi hỏi vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ban ngành trong việc xây dựng chính sách và thực thi pháp luật để đảm bảo hiệu quả cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Đây là mục tiêu xuyên suốt. 

“Cần hơn thế nữa sự vào cuộc của các địa phương, nhóm ngành hàng để Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành khác có điều kiện tiếp cận để bàn thảo, thảo luận các công việc cần triển khai, trách nhiệm của mỗi bên. Bộ Công Thương sẽ là đầu mối của Chính phủ trong việc kiểm tra đôn đốc thực hiện các FTA, với tinh thần tương tác 2 chiều, lắng nghe nhiều chiều cả tích cực, tồn tại bất cập từ đó có giải pháp kịp thời, hiệu quả”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận thực tế: “Đối với khối lượng nông sản Việt Nam sản xuất hiện nay là quá nhiều nhưng tiền quá ít, chuỗi bây giờ phải kết cấu lại và phải đồng bộ, cả của Nhà nước cả khu vực doanh nghiệp, doanh nhân cả khu vực toàn dân thì mới làm nên câu chuyện tiếp tục cải cách và tập hoàn thiện về thể chế. Nếu chỉ dừng lại ở một nhóm đối tượng thì không luật, nghị định, thông tư nào đi vào cuộc sống được”.

Đỗ Hương

306 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 513
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 513
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88612110