Áp lực để doanh nghiệp Việt phải trưởng thành hơn
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1 vừa qua. Dù được xem là một trong những thành viên được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định, đặc biệt ở các lĩnh vực như thủy sản, da giày, gỗ… tuy vậy, dường như nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn còn khá thận trọng trước ngưỡng cửa này.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TPHCM nhìn nhận, CPTPP giúp hàng Việt thâm nhập sâu hơn ở một số thị trường chưa cùng tham gia bất cứ FTA nào với Việt Nam như Canada, Mexico hay Peru. “Mình có cơ hội bán được nhiều hàng hơn do sản phẩm có giá cạnh tranh hơn. Dù tỷ suất lợi nhuận vẫn như cũ, nhưng lợi nhuận tuyệt đối sẽ lớn hơn nhờ bán được nhiều hàng hơn. Dẫu vậy, người ta đồng ý mở cửa cho mình vô làm quen là một chuyện, còn mình vô đó gặp ai, kết giao được với ai hay không lại là chuyện khác”, ông Hạnh e dè nói thêm.
Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, sự tác động tích cực của CPTPPP là có thực khi DN có thêm quyền lựa chọn xuất xứ cho đầu vào để tối đa hóa lợi nhuận. Thế nhưng với bối cảnh của ngành thủy sản, lợi ích này không hẳn thấy ngay trong ngắn hạn do một trong những thị trường lớn là Nhật Bản, đã tham gia FTA song phương cùng Việt Nam, với thuế suất ưu đãi gần như đã là 0%. “Tuy câu chuyện CPTPP ở góc độ thuế quan chưa tác động nhiều lên ngành thủy sản trong hiện tại nhưng đây là Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới nên thực ra đang đánh dấu thời điểm quan trọng để DN Việt thực sự nghiêm túc xem xét lại chính mình, cải thiện sự minh bạch về lao động, sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ…”.
Từ ngành da giày, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam (Lefaso) Diệp Thành Kiệt cho hay, đích nhắm chủ yếu của hàng da giày là các thị trường chưa có FTA với Việt Nam như Mexico và Canada. “Thị trường nhóm các nước thành viên CPTPP hiện đang chiếm hơn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu da giày, túi xách của Việt Nam. Ước tính, với CPTPP, con số này có thể tăng lên tới 14-15%”. Tuy nhiên, người đại diện Lefaso cho rằng khó khăn ở chỗ đây là những thị trường mà các DN da giày Việt Nam chưa đặt trọng tâm vào tiếp thị. “Có cảm giác các DN FDI sẽ nắm bắt cơ hội về thuế quan từ CPTPP giỏi hơn DN Việt vì họ vốn đã rất giỏi đa dạng hóa thị trường; hàng bán ra đa số là hàng tự thiết kế, sản xuất, làm thủ tục thông quan xuất khẩu… còn những DN Việt nếu chỉ làm gia công, phụ trợ cho các DN khác thì thực tình đang không quan tâm lắm tới CPTPP”.
Ngoài ra, các vấn đề về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ - những điểm mấu chốt mà DN phải tuân thủ để được hưởng ưu đãi cũng là các điểm yếu của không ít DN Việt. “DN hiện đang rất cần được hướng dẫn hoàn thiện các yêu cầu trên, ví dụ như cách thức làm xúc tiến thương mại, đăng ký sở hữu trí tuệ, tuân thủ và đạt được các chứng nhận về môi trường…”, ông Kiệt bày tỏ.
CPTPP: Lợi ích dài hạn cho tất cả
Có thể hiểu được sự thất vọng nào đó của không ít DN khi thiếu vắng thị trường Mỹ trong liên kết CPTPP. Tuy nhiên, dưới khía cạnh kinh doanh mà nói, một thị trường lớn chưa tham gia sân chơi chung không có nghĩa là cơ hội không còn, vì như nhiều chuyên gia nhận định, khả năng đối tác Mỹ quay lại với CPTPP vẫn đang để ngỏ. Tương tự, nếu nghĩ rằng những thị trường Việt Nam chưa xuất khẩu được nhiều hàng hóa là thị trường không tiềm năng thì cũng chưa hẳn đúng.
Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TPHCM (thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM) cho rằng, dù tới 7 nước thành viên CPTPP đã có FTA với Việt Nam nhưng về lộ trình thì mỗi hiệp định mỗi khác nhau. Có hiệp định mà ở đó lộ trình hiệu lực đầy đủ trên mọi lĩnh vực có thể kéo rất dài. Riêng lộ trình hiệu lực hoàn toàn của CPTPP rất ngắn. Như vậy, để biết nên tận dụng hiệp định nào thì mỗi ngành nghề, mỗi DN cần nghiên cứu kỹ dòng sản phẩm của mình để chọn lấy hướng đi có lợi nhất. “Chúng tôi có nghiên cứu sâu và thấy rằng một số dòng thuế trên một số sản phẩm nếu đi theo CPTPP để vào các thị trường Malaysia hay Nhật Bản sẽ có lợi hơn rất nhiều tận dụng các FTA khác”, ông An khẳng định.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn từ Đại học Fulbright Việt Nam thì tin rằng lợi ích mang lại từ CPTPP không chỉ là câu chuyện thuế quan. Đó còn là sự cam kết sâu rộng hơn các FTA truyền thống trước đây. Những cam kết về cải cách thể chế, cải thiện về môi trường đầu tư, về lao động, về sở hữu trí tuệ... sẽ mang lại cơ hội giảm mạnh chi phí đầu vào cho cả nền kinh tế. Qua đó cải thiện năng lực cạnh tranh của DN tại Việt Nam.
CPTPP không chỉ mở ra nhiều cơ hội về thương mại, đầu tư mà còn cho cả khu vực dịch vụ. Khi dòng chảy thương mại tăng lên thì nhiều nhu cầu mới phát sinh cần dịch vụ phụ trợ. Đó chính là cơ hội làm ăn mới. “Môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước được cải thiện theo các cam kết tại CPTPP cũng tạo ra hấp lực lớn hơn, thu hút nhà đầu tư lớn tìm đến Việt Nam nhiều hơn. Cơ hội cho các nhà cung ứng nội địa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cũng từ đây mà ra. Công ăn việc làm được tạo ra nhiều hơn. Những cải cách và đổi thay đó giúp DN, người lao động, người dân nói chung đều được hưởng lợi”, ông Tuấn tin tưởng nói.
CPTPP còn sẽ là “điểm cộng” giúp Việt Nam có vị thế thuận lợi trong kinh tế đối ngoại. Tiếng nói của DN tại Việt Nam khi làm ăn với các đối tác quốc tế cũng “có sức nặng” hơn. Và một khi DN đã được “tập dợt”, đã thực sự hòa mình vào “cuộc chơi” CPTPP thì chuyện làm ăn với các thị trường khác cũng sẽ cực kỳ suôn sẻ. Mà gần nhất sẽ là thị trường châu Âu với Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-EU đang hoàn tất những bước đi cuối cùng trong nay mai.
Phương Hiền