CPI 9 tháng tăng thấp, tạo dư địa thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát 

(Chinhphu.vn) - Công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong giai đoạn 2016-2021. Tính riêng tháng 9, CPI giảm 0,62% so với tháng trước.

 

Biểu đồ tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 9, quý III và 9 tháng.

Nhìn lại chặng đường 5 năm 2016-2021, so sánh CPI bình quân 9 tháng trong các năm cụ thể như sau: Tăng 2,07% năm 2016; 3,79% năm 2017; 3,57% năm 2018; 2,5% năm 2019; 3,85% năm 2020 và mức thấp nhất-tăng 1,82% năm 2021.

Bà Tạ Thị Thu Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, cho rằng, mức tăng thấp của CPI 9 tháng là điều kiện thuận lợi cũng như dư địa để Việt Nam thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2021 theo kế hoạch đã đề ra.

Giá các mặt hàng thực phẩm 9 tháng giảm 0,29% và giá thịt gà giảm 0,98% so với cùng kỳ năm trước là hai trong số các nguyên nhân làm giảm CPI 9 tháng. Thêm vào đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến người dân hạn chế đi lại, theo đó giá vé máy bay 9 tháng giảm 20,91% so với cùng kỳ năm trước; giá du lịch trọn gói giảm 2,69%.

Ngoài ra, Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19, trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II, quý IV năm 2020 và giảm giá điện, tiền điện cho người dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại kỳ hóa đơn tháng 8, tháng 9/2021. Do vậy, giá điện sinh hoạt bình quân 9 tháng năm 2021 giảm 0,99% so với cùng kỳ năm 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản tháng 9/2021 giảm 0,26% so với tháng trước và tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,88% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung, điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng dầu, giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 9 và 9 tháng 2021 so với cùng kỳ năm trước cũng đều là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Liên quan đến CPI tháng 9, Tổng cục Thống kê cho biết, giá thuê nhà giảm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; học phí năm học 2021-2022 được miễn, giảm tại một số địa phương; giá thực phẩm giảm do nguồn cung bảo đảm; giá điện giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là các nguyên nhân chính khiến CPI tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2020, tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính thì có 5 nhóm hàng giảm giá và 6 nhóm tăng giá so với tháng trước.

“Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại, cầu sẽ tăng ở tất cả các ngành, lĩnh vực, kéo theo giá các mặt hàng có khả năng tăng, vì thế, không nên chủ quan, bởi nguy cơ tăng giá tiềm ẩn, nhất là những tháng cuối năm và năm 2022”, bà Tạ Thi Thu Việt nhận định.

Bởi vậy, theo Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, cần chủ động thực hiện bảo đảm cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường, giá cả, nhất là những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Đồng thời, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt, công tác đánh giá, phân biệt các mặt hàng, nguyên liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn cần thực hiện kỹ càng, từ đó đưa ra những chính sách kiểm soát phù hợp.

Minh Ngọc

153 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 967
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 967
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87180174