|
Họp báo diễn ra chiều ngày 27/12 tại trụ sở Tổng cục Thống kê.(Ảnh: HNV) |
Cụ thể, CPI tháng 12/2019 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 5,23% so với tháng 12/2018. Tính bình quân quý IV/2019, CPI tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá. Trong đó, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,42%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,25%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,33%;nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,43%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; giao thông tăng 0,61%; giáo dục tăng 0,01%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,09%.
Nguyên nhân khiến cho CPI tháng 12 tăng cao, theo Tổng cục Thống kê là do dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, tính đến ngày 19/12/2019, tổng số lợn tiêu hủy gần 6 triệu con với tổng trọng lượng 340,8 nghìn tấn chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn cả nước. Kéo theo đó, sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2018, khiến cho nguồn cung thịt lợn giảm, giá thịt lợn tháng 12/2019 tăng 19,7% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,83%.
Cùng với đó, giá thực phẩm cũng tăng làm cho nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 2,44% so với tháng trước làm CPI chung tăng khoảng 0,22%.
Tính chung, CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với năm 2018 và tăng 5,23% so với tháng 12/2018.
Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2019 dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2019. Cụ thể, lạm phát cơ bản năm 2019 tăng 2,01% so với năm 2018. Trong năm 2019, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. "Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục và xăng dầu. Mức lạm phát cơ bản năm 2019 phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định", Tổng cục Thống kê nhận định.
Tại họp báo, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá chỉ rõ, dịch tả lợn châu Phi đang có những ảnh hưởng tiêu cực trong những tháng cuối năm và sẽ còn tiếp tục tác động không tốt trong những tháng đầu năm 2020.
Cũng theo bà Ngọc, trong năm 2020, việc kiểm soát giá và lạm phát sẽ gặp khó khăn hơn do điều chỉnh tăng lương định kỳ từ 1/7/2020 cộng với tác động của dịch tả lợn dẫn đến khan hiếm mặt hàng thịt lợn, ảnh hưởng tới giá cả ăn uống. Giá xăng dầu cũng là những yếu tố rủi ro, dự báo giá dầu có thể ở mức 64 USD/thùng năm 2020, rồi chưa kể tác động của thiên tai, hạn hán…
Hà Anh