COP15: Tìm giải pháp chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên 

(Chinhphu.vn) – Nếu con người không chung sống hài hòa với thiên nhiên và môi trường sống, hệ sinh thái sẽ thay đổi, con người sẽ gặp các loại dịch bệnh mà không biết chính xác nguồn lây từ đâu, như COVID-19 vừa qua là dễ nhận thấy nhất.
COP15: Tìm giải pháp chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên - Ảnh 1.

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và môi trường của UNDP

195 quốc gia cùng nhau có mặt tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15) Canada, từ ngày 7 đến 19/12, để thảo luận và ký kết một thỏa thuận tham vọng nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy thoái hệ thực vật, động vật và hệ sinh thái toàn cầu. 

Nhân dịp này, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và môi trường của UNDP về những nội dung xung quanh vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam để phù hợp với Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020.

Tuyên bố Côn Minh đã đưa ra lộ trình phục hồi đa dạng sinh học chậm nhất vào năm 2030, tiến tới hiện thực hóa đầy đủ tầm nhìn 2050 về "sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên". Ông đánh giá như thế nào về lộ trình này và cần những giải pháp gì để thực hiện lộ trình này?

Ông Đào Xuân Lai: Tuyên bố đưa ra lộ trình ở Côn Minh là một bước đệm để xây dựng Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020. Lộ trình này thực chất là bước đầu để triển khai và đang được tích hợp vào khung đa dạng sinh học toàn cầu. Hy vọng trong 2 tuần họp của COP15 sẽ đưa ra được khung này.

Về tầm nhìn 2050 về sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên, theo quan điểm của tôi, trước đây, khi dân số còn tương đối ít, rõ ràng tỉ lệ giữa con người với thiên nhiên về cơ bản là hài hòa, những hoạt động của con người vẫn "trong phạm vi chịu tải" của thiên nhiên. Tuy nhiên, khi công nghiệp phát triển mạnh, chúng ta đã và đang làm thay đổi hệ sinh thái, tạo ra sự mất cân bằng. Việc đầu tiên dễ thấy nhất là phát thải khí nhà kính gây ra nhiều hệ lụy và những hiện tượng khí hậu cực đoan xảy ra ở khắp nơi trên thế giới.

Nếu con người không chung sống hài hòa với thiên nhiên, và môi trường sống, hệ sinh thái sẽ thay đổi, con người sẽ gặp các loại dịch bệnh mà không biết chính xác nguồn lây từ đâu, như COVID-19 vừa qua là dễ nhận thấy nhất. Đó là hậu quả của phương thức sống không hài hòa giữa con người với thiên nhiên.

Để thực hiện được lộ trình phục hồi đa dạng sinh học, tôi cho rằng, giải pháp đầu tiên và rất quan trọng mà thế giới phải đồng lòng thực hiện đó là nhận thức rõ 2 vấn đề sinh thái và biến đổi khí hậu (BĐKH) luôn gắn kết chặt chẽ, song hành cùng nhau. Nếu không ứng phó được với BĐKH sẽ xảy ra hàng loạt những hệ lụy, như sự nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, sóng nhiệt, mưa lũ bất thường... Những hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ hủy hoại hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Nếu không giải quyết được vấn đề BĐKH, đa dạng sinh học sẽ dần mất đi.

Thứ hai, rõ ràng là thế giới cần phải thay đổi thói quen về sản xuất và tiêu dùng. Không thể áp dụng phương pháp phát triển kinh tế bằng mọi giá, vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường. Mô hình phát triển kinh tế tuyến tính sẽ thay bằng kinh tế tuần hoàn. Bởi lẽ, kinh tế tuần hoàn giúp giảm tải việc khai thác từ thiên nhiên, giảm thiểu nguy cơ môi trường bị xáo trộn khi con người khai thác quá đà.

Thứ ba, về mặt cam kết chính trị, ứng dụng khoa học công nghệ đã có, nhưng cam kết về tài chính chưa có. Các quốc gia cần thực sự quan tâm đến các vấn đề về tài chính và nguồn lực cho đa dạng sinh học.

Thứ tư là sự vào cuộc của tất cả người dân. Chính phủ có cố gắng bao nhiêu mà người dân không đồng hành, không thay đổi thói quen tiêu dùng thì sẽ rất khó bảo tồn được đa dạng sinh học.

Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 đang trong quá trình thảo luận và dự kiến sẽ được đưa ra thông qua trong phần thứ hai của COP15. UNDP có những đóng góp và ý kiến gì trong việc xây dựng nội dung quan trọng này?

Ông Đào Xuân Lai: UNDP tham gia rất sát sao vào quá trình xây dựng Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020. UNDP đã đưa ra những tính toán và khuyến cáo về các chỉ tiêu. Về cơ bản, UNDP ủng hộ và đưa ra khuyến nghị về việc cần thiết phải nâng cao độ tham vọng của các mục tiêu để đạt được tầm nhìn vào năm 2050 đa dạng sinh học được coi trọng, bảo tồn, phục hồi và sử dụng một cách khôn ngoan, duy trì các dịch vụ hệ sinh thái, duy trì một hành tinh khỏe mạnh và mang lại lợi ích thiết yếu cho tất cả mọi người.

Ví dụ, đối với mục tiêu 2 "Phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái", các ý kiến tranh luận còn đang xoay quanh con số là 20% hay 30% các diện tích bị suy thoái được phục hồi tích cực. UNDP khuyến nghị con số 30% vì mục tiêu này phù hợp với các mục tiêu được đưa ra trong Kế hoạch chiến lược của UNDP toàn cầu, cũng như với Chương trình thập kỷ cho phục hồi các hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc từ 2021-2030.

Ngoài ra, Sáng kiến BIOFIN do UNDP khởi xướng đã và đang làm việc với các quốc gia trên toàn thế giới để phát triển các kế hoạch tài chính đa dạng sinh học và đưa ra các giải pháp để thu hẹp khoảng trống tài chính cho đa dạng sinh học. Thông qua các quy định mới, các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học và các công cụ dựa trên thị trường, các thay đổi mang tính chuyển đổi thu hẹp khoảng trống tài chính đã và đang diễn ra. Các mục tiêu đầy tham vọng trong Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 sẽ mở đường cho tương lai tích cực với thiên nhiên mà chúng ta cần.

UNDP đồng hành với Chính phủ Việt Nam phân tích, trao đổi về các chỉ số, mục tiêu của các chiến lược, văn bản liên quan của quốc gia.

Thời gian tới UNDP sẽ cùng với Bộ TN&MT có các hoạt động rà soát và cập nhật những nội dung trong Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học để bám sát với những khuyến nghị và mục tiêu đề ra trong Khung đa dạng sinh học toàn cầu tới đây.

COP15: Tìm giải pháp chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên - Ảnh 2.

Các quốc gia tại COP15 cùng thảo luận và ký kết một thỏa thuận nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy thoái hệ thực vật, động vật và hệ sinh thái toàn cầu.

Chiến lược của Việt Nam phù hợp với Khung đa dạng sinh học toàn cầu

"Hành động mạnh mẽ, giải pháp kịp thời, giữ vững cam kết" là những cụm từ được đề cập nhiều trong các cuộc họp của COP15. Điều này cho thấy trong giai đoạn 10 năm qua, thế giới đã chưa nỗ lực triệt để và thiếu sự đồng lòng trong việc bảo vệ và quản lý tốt hệ sinh thái. Tại hội nghị lần này, việc thúc đẩy các cam kết sẽ được thực hiện như thế nào, nhất là vấn đề về tài chính cho đa dạng sinh học?

Ông Đào Xuân Lai: Hội nghị lần này có nền tảng rất khác so với các hội nghị trước. Bởi lẽ, vấn đề BĐKH đã trở thành vấn đề nóng. Các nước trên thế giới đã nhận thức được BĐKH và bảo tồn đang dạng sinh học phải đi song hành với nhau. Tháng cuối của năm 2022 là thời điểm quyết định để đưa ra cam kết, gắn kết hành động thích ứng với BĐKH và bảo tồn đa dạng sinh học.

Những khẩu hiệu đưa ra rất tham vọng nhưng cũng thể hiện sự quan tâm rõ rệt. Quyết tâm và khẩu hiệu cũng tạo nền tảng để hành động, triển khai.

Vấn đề tài chính, nhu cầu tài chính để bảo đảm cho bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học, theo tính toán của các nghiên cứu từ nay đến năm 2030, thế giới vẫn cần thêm hơn 700 tỷ USD cho các mục tiêu về đa dạng sinh học. Các nước có hoàn cảnh khác nhau, trách nhiệm lịch sử, mức độ tiêu dùng tài nguyên khác nhau sẽ có trách nhiệm và đóng góp về tài chính khác nhau.

Quốc tế đã có các quỹ hỗ trợ về bảo tồn đa dạng sinh học, nổi bật là Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), các nước cũng đang được hưởng lợi từ quỹ đó. Tuy nhiên, nguồn tài chính này cũng vẫn khá khiêm tốn và chưa đáp ứng được nhu cầu các nước.

Việt Nam đã có Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, phù hợp với Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020. UNDP có những khuyến nghị gì cho Việt Nam trong việc thực hiện Chiến lược hiệu quả, đạt được các mục tiêu đề ra?

Ông Đào Xuân Lai: UNDP đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung chính sách, lộ trình với việc ban hành Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường. Để thực hiện chiến lược cần rất nhiều nỗ lực.

Đầu tiên, chiến lược đưa ra khá nhiều chỉ số tham vọng, như diện tích các khu bảo tồn biển đạt 3-5% đến năm 2030, trong khi hiện tại mới chỉ có 0,2-0,3%. Trong vòng 20 năm nay mới thành lập được 11 khu bảo tồn biển (trong số 16 khu bảo tồn biển đã được quy hoạch). Ngay từ việc thành lập và quản lý các khu bảo tồn đã cần nguồn lực rất lớn. Chiến lược này cần sự phối hợp, đồng lòng của các bộ, ngành. Chức năng nhiệm vụ giữa các bộ khác phân tán, trong vấn đề đa dạng sinh học Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT đều có nhiều nhiệm vụ. Để thực hiện hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp của các bên phải rất hài hòa.

Tiếp theo là vấn đề năng lực quản lý, lồng ghép vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác. Các chỉ số kinh tế-xã hội của quốc gia, địa phương chỉ đưa ra các con số, ví dụ về diện tích rừng, nhưng con số này không nói nên được chất lượng của đa dạng sinh học, trong đó việc lồng ghép các chỉ tiêu cần cụ thể hơn, sát hơn. Chiến lược, kế hoạch có chỉ tiêu bảo tồn đa dạng sinh học thì lồng ghép vào mới có kinh phí để triển khai.

Quay trở lại vấn đề tài chính, 1% chi tiêu quốc gia được dành cho sự nghiệp môi trường, đã có "nhánh tài khoản" cho đa dạng sinh học, nhưng trên thực tế vẫn chưa được thực hiện. Hầu hết tài chính phân bổ cho các tỉnh, vườn quốc gia vẫn lẫn vào chi tiêu thường xuyên mà chưa tập trung cho vấn đề bảo tồn. Vì vậy, ngoài hỗ trợ của các nước, Chính phủ cần chú ý phân bổ ngân sách cho đa dạng sinh học.

Để triển khai hiệu quả Chiến lược, tôi cho rằng điều quan trọng là phải hài hòa giữa phát triển và bảo tồn. UNDP đang xây dựng dự án với Bộ TN&MT và một số bộ, tích hợp vừa bảo tồn vừa phát triển du lịch sinh thái. Du lịch đã phát triển rất mạnh, các tập đoàn về du lịch cam kết rất mạnh mẽ trong gắn kết du lịch với sinh thái.

Ví dụ ở bán đảo Sơn Trà đã có khai thác du lịch nhưng chưa có cam kết về bảo tồn đa dạng sinh học. Có thể xây dựng chính sách để các tập đoàn du lịch cam kết khai thác thân thiện với môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Việt Nam cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm, hướng doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm hơn với cộng đồng địa phương. Phát triển du lịch bền vững, dựa vào tự nhiên. Vấn đề là xây dựng chính sách, trao quyền, trao trách nhiệm cho các đơn vị khai thác du lịch.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thu Cúc

619 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1237
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1237
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87162079