Ngày 18/5/2017, Bộ Khoa học và công nghệ đã tổ chức trao Giải thưởng tạ Quang Bửu năm 2017. Giải thưởng được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

GS. TS Phan Thanh Sơn Nam là tác giả chính của công trình khoa học xuất sắc về chất xúc tác trong lĩnh vực hóa học kỹ thuật - công trình “Nghiên cứu ứng dụng vật liệu khung kim loại-hữu cơ (MOFs) làm xúc tác dị thể trong lĩnh vực tổng hợp hữu cơ”. Công trình này đã giúp nhóm nghiên cứu có cơ hội góp một phần nhỏ cùng chung tay chung sức với nhiều đồng nghiệp ở các trường đại học và viện nghiên cứu khác trên khắp cả nước trong việc nâng cao thứ hạng ngành hóa học của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã ghi nhận sự đóng góp quan trọng của GS.TS Phan Thanh Sơn Nam và nhóm nghiên cứu do Giáo sư dẫn dắt cho ngành hóa học Viêt Nam bằng kết quả nghiên cứu xuất sắc mang tầm quốc tế.

Chia sẻ về công trình GS.TS Phan Thanh Sơn Nam cho biết, trong quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra một chuyển hóa của N-methylaniline chưa từng được thế giới công bố trước đó. Nhờ có sự ra đời của Quỹ NAFOSTED và trường Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.Hồ Chí Minh đầu tư phòng thí nghiệm cũng như ưu tiên kinh phí cho hoạt động nghiên cứu cơ bản mang tầm quốc tế và Sở KH&CN TP.Hồ Chí Minh cấp kinh phí cho nghiên cứu cơ bản, ông mới có cơ hội tiếp tục sống lại niềm đam mê của mình.

Và cũng thật may mắn năm 2009, Ban giám hiệu ĐHQG TP.Hồ Chí Minh đã phê duyệt cấp kinh phí cho dự án đầu tư chiều sâu phòng thí nghiệm Nghiên cứu cấu trúc Vật liệu, Ban Giám hiệu Trường Đại học Bách Khoa đã cấp đất và kinh phí để xây phòng thí nghiệm. Sau đó đến năm 2012, Phòng thí nghiệm được nâng cấp thành Phòng thí nghiệm Trọng điểm cấp ĐHQG. Nhờ vậy, con đường nghiên cứu khoa học của ông đã bước sang một giai đoạn mới với các hoạt động nghiên cứu khoa học tiến dần đến các chuẩn mực quốc tế.

Rất tâm huyết với lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam cho biết: “Nghiên cứu ứng dụng là quan trọng, và cho dù đó là các phát minh cải tiến của những người nông dân thì cũng cần phải được trân trọng. Thường thì người ta dễ dàng ủng hộ nghiên cứu ứng dụng vì nó phục vụ cho những nhu cầu của xã hội ngay trước mắt. Tuy nhiên, chắc chắn nghiên cứu cơ bản là tối quan trọng, có sứ mệnh sáng tạo ra những tri thức mới cho nhân loại. Phải có một nền khoa học học cơ bản vững chắc mới đủ sức nâng khoa học ứng dụng lên một tầm cao mới”.

Là một trong những nhà khoa học được phong học hàm Giáo sư trước 40 tuổi, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam đã bày tỏ, đạt được tiêu chuẩn chức danh Giáo sư là điểm khởi đầu của một giai đoạn mới trong nghiên cứu khoa học với trách nhiệm nặng nề. Vì vậy, sau khi đạt được chức danh GS, ngoài việc thực hiện những nghiên cứu của riêng mình, ông đã hỗ trợ rất tích cực cho các bạn trẻ hơn trên con đường nghiên cứu khoa học. GS.TS Phan Thanh Sơn Nam cũng đã tổ chức và hướng dẫn sinh viên nhiều công trình khoa học đạt giải cao trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp Thành phố, cấp Bộ và các cuộc thi học thuật trong nước cũng như quốc tế.

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam luôn tâm niệm một điều rằng: "Nghiên cứu khoa học là một con đường chông gai, thành công thì ít mà thất bại thì nhiều. Nếu không có niềm đam mê, bạn sẽ rất dễ bỏ cuộc giữa chừng".

Nói về nhà khoa học đạt giải trong lĩnh vực hóa học này, GS.TS Đinh Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng giải thưởng cho biết, đây là lần đầu tiên Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao cho nhà khoa học ở các địa phương ngoài Hà Nội. Điều này cho thấy mọi nhà khoa học đều có cơ hội giành giải. Đặc biệt, nghiên cứu của GS.TS Phan Thanh Sơn Nam được thực hiện hoàn toàn ở trong nước nhưng kết quả có tầm ảnh hưởng thế giới, được đăng tải nhiều trên các tạp chí uy tín. Điều đó cho thấy, con đường nghiên cứu ở Việt Nam đã tiệm cận với thế giới./.

BL