Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các hoạt động chung của cả nước nói chung, Quảng Trị nói riêng và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động bầu cử. Để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với đồng bào các dân tộc để phát huy tinh thần làm chủ, trách nhiệm, tích cực tham gia, lựa chọn và bầu được những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng tham gia vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung và xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta nói chung và xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta nói riêng.
Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền về bầu cử, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với phương châm “tuyên truyền đi trước một bước”, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã và đang chỉ đạo các địa phương tuyên truyền đa dạng hình thức, phù hợp với tình hình thực tế vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới. Trong đó, tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, thời gian diễn ra cuộc bầu cử; tuyên truyền về vị trí, vai trò, tiêu chuẩn, tiểu sử và chương trình hành động của ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp.
Nhằm cung cấp các nội dung liên quan đến cuộc bầu cử tới cán bộ, đảng viên và nhân dân, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử thông qua các hội nghị giao ban báo chí. Ban Tuyên giáo các huyện và Trung tâm Văn hóa, Truyền thanh - Truyền hình các huyện, cũng tích cực tổ chức tuyên truyền trên sóng truyền thanh của địa phương. Đặc biệt là xây dựng bài viết, phóng sự phát sóng trên chuyên mục về bầu cử. Hệ thống đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn cũng đẩy mạnh tuyên truyền hàng ngày, tập trung vào các nội dung cơ bản như: Công tác tổ chức, phụ trách bầu cử; cử tri và danh sách cử tri; việc ứng cử ĐBQH, HĐND các cấp, công tác tổ chức hiệp thương; giới thiệu người ứng cử; số lượng đại biểu được bầu ở mỗi điểm bỏ phiếu.
Tại địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phát huy hiệu quả vai trò trong việc tuyên truyền trực tiếp (tuyên truyền miệng) thông qua các hội nghị, sinh hoạt chi bộ và cuộc họp thôn, bản, tổ dân phố. Trong quá trình tuyên truyền đã chủ động nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc, nhất là những địa bàn nhạy cảm. Đồng thời, đấu tranh ngăn chặn việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ để tuyên truyền, kích động, lôi kéo khiếu kiện vượt cấp, tập trung đông người gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Có thể nói, hiện nay trên địa bàn các huyện của tỉnh Quảng Trị có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống sẽ triển khai các buổi tuyên truyền lưu động bằng xe loa; xây dựng và thay mới nội dung các tranh cổ động, pano, ap phích trực quan. Ngoài ra, xây dựng, thay mới nội dung các khẩu hiệu tại các trục đường lớn, khu trung tâm và nhà văn hóa các xã, bản; phân công các thành viên tăng cường xuống bản gặp gỡ người có uy tín để phối hợp đến từng hộ dân tuyên truyền bằng tiếng địa phương.
Có thể khẳng định, đến nay, công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử đảm bảo nội dung, tiến độ đề ra, không xảy ra sai sót. Nhờ chủ động đổi mới hình thức tuyên truyền, người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước nâng cao nhận thức, hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Qua đó góp phần tổ chức ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, đảm bảo cử tri bầu cử đầy đủ, an toàn, tiết kiệm.
Vì vậy, để từ nay đến ngày bầu cử 23/5, công tác tuyên truền tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả cao nhất, trước hết nội dung tuyên truyền tập trung về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Tuyên truyền các nguyên tắc, quy trình bầu cử, tiêu chuẩn ĐBQH và đại biểu HĐND, về quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân và trách nhiệm cử tri trong quá trình tham gia bầu cử. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền cho phù hợp với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Tuyên truyền về nội dung các cuộc tiếp xúc cử tri, về tiểu sử và chương trình hành động của các ứng cử viên, đặc biệt là các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, ứng cử viên thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn.
Mặt khác, tuyên truyền về sự ủng hộ của nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số đối với đường lối đổi mới của Đảng; phong trào thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử...Đồng thời, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng…đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp. Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền về bầu cử ở đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động để cuộc bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp. Tân Linh