Công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng trong bối cảnh thời kỳ công nghiệp 4.0 

Trong lịch sử tồn tại gần một thế kỷ vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân giành được những thắng lợi to lớn. Những thắng lợi đó có sự đóng góp không nhỏ của chiến lược, hoạt động tuyên truyền uyển chuyển của Đảng ta.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hoạt động tuyên truyền hiệu quả đã góp phần quan trọng giúp tập hợp lực lượng, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Trong thời kì Đổi mới, việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền các đường lối, chính sách, chiến lược của Đảng đã góp phần thu hút sự ủng hộ của Nhân dân và dư luận thế giới, từ đó tạo điều kiện cho công cuộc Đổi mới diễn ra thuận lợi, thành công, đưa đất nước ta vượt qua một giai đoạn biến động lớn của lịch sử thế giới và vững bước trên con đường phát triển, hội nhập. Hiện nay, thế giới đã bước vào thời đại công nghiệp 4.0 với rất nhiều thay đổi mang tính cách mạng và cùng với đó là những thách thức mới. Bối cảnh thay đổi đặt ra yêu cầu về việc nhận thức những thay đổi đó, xem xét chúng, và đưa ra những điều chỉnh phù hợp để tiếp tục duy trì tính hiệu quả của công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Từ đầu thế kỷ XXI, bối cảnh truyền thông đã có những thay đổi rất sâu sắc trên quy mô toàn cầu. Thay đổi cơ bản đó chính là sự phát triển và chiếm lĩnh của môi trường truyền thông số. Sự phát triển của kỹ thuật số, mạng Internet, đặc biệt là sự bùng nổ của mạng xã hội – được đẩy nhanh bởi sự phát triển như vũ bão của các thiết bị truyền thông mới như điện thoại thông minh, máy tính bảng… cùng với các thành tựu công nghệ kỹ thuật truyền thông mới như mạng 4G, 5G, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo – đã và đang tạo nên môi trường truyền thông mới (phi truyền thống) – môi trường truyền thông số - trong đó nảy sinh và diễn ra những hoạt động truyền thông mới, những hình thức truyền thông mới (như chat online, livestream, thương mại điện tử…). Con người dành nhiều thời gian cho hoạt động truyền thông trên mạng xã hội. Facebook, Zalo, Tiktok…trở thành kênh giao tiếp chủ yếu của nhiều người, từ trẻ đến già. Có thể nói mạng xã hội đang lôi cuốn nhiều con người của xã hội 4.0 tham gia thực hiện nhiều hoạt động truyền thông đa dạng, từ đơn giản như bấm like, share, cho đến phức tạp hơn như livestream bán hàng, lập và duy trì các kênh Youtube thu lợi nhuận…

Sự xuất hiện và trỗi dậy của môi trường truyền thông trên mạng Internet, đặc biệt là truyền thông mạng xã hội là một bước ngoặt lớn trong lịch sử truyền thông của loài người. Môi trường này cho phép đông đảo mọi người trên thế giới có thể tham gia vào hoạt động truyền thông ở nhiều thời điểm, nhiều địa điểm. Sự hạn chế về thời gian, về không gian đã được giảm đi rất nhiều. Trong môi trường đó, truyền thông có thể thực hiện xuyên quốc gia với tốc độ cực kì nhanh chóng. Không những thế, nó cho phép người tham gia truyền thông không chỉ tiếp nhận thông tin nhanh chóng mà còn có thể phản hồi cũng với tốc độ chóng mặt. Với ưu điểm này, môi trường truyền thông mạng trở thành môi trường truyền thông đa chiều, sôi nổi, có tính dân chủ cao và cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ đối với các thành phần tham gia truyền thông và đối với cả xã hội. Do đó, việc thực hiện công tác tuyên truyền của Đảng không thể thiếu việc tính đến hoạt động tuyên truyền trên môi trường mạng xã hội. Nếu như ở những thời kì trước đây, thời gian cần truyền thông tin và để phản hồi có thể dài (ví dụ như gửi thư qua bưu điện, gửi thư đến đài truyền hình, phát hành báo in theo kỳ…), thì ngày nay, thời gian này được rút ngắn rất nhiều. Chỉ cần người đăng thông tin kích chuột, nội dung thông tin đã có thể được đăng tải rộng rãi trên toàn thế giới và người tiếp nhận thông tin cũng chỉ cần bấm vào nút “like” trên màn hình là đã thể hiện được thái độ, phản ứng với nội dung thông tin vừa được đăng tải. Do đó, tốc độ thông tin tuyên truyền cần phải nhanh. Tuy nhiên, nhanh không có nghĩa là giảm tính chính xác, tính đáng tin cậy. Cần đặc biệt lưu ý phản ứng của cộng đồng mạng, cung cấp thông tin có khả năng định hướng dư luận một cách lành mạnh. Việc phản bác những luồng thông tin sai trái bằng những thông tin chính xác, cập nhật và được thực hiện một cách phù hợp, mềm dẻo là việc cần được quan tâm thực hiện.

Một điều cần lưu ý nữa nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền nằm ở thông điệp truyền thông. Với đặc trưng của mạng xã hội, người dùng thường có xu hướng thích những gì ngắn gọn, dễ hiểu, thậm chí mang tính giải trí. Do đó, người làm tuyên truyền cần chú ý trong việc xây dựng thông điệp tuyên truyền, cần phải biết chọn lọc, phân chia nội dung một cách hợp lý, thể hiện thông điệp một cách phù hợp khi chọn tuyên truyền trên mạng xã hội. Ví dụ, đối với truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, yếu tố hình ảnh thường được sử dụng và ưa chuộng nhiều, trong khi ngôn từ thiên về ngắn gọn. Do đó, khi thể hiện các nội dung tuyên truyền, cần phải chọn tập trung từng nội dung cụ thể, không nên ôm đồm quá nhiều thông điệp. Cần chú ý việc sử dụng kĩ thuật hình ảnh (ví dụ như infographic) để thể hiện nội dung một cách thu hút, dễ gây ấn tượng, dễ hiểu, dễ tiếp thu, thay vì đăng những bài viết quá dài. Các video clip cũng không nên quá dài và nên có sự đầu tư về chất lượng hình ảnh, kỹ thuật thể hiện để tăng tính thu hút, đồng thời dễ hiểu, dễ nhớ.

Môi trường truyền thông số, sự thống trị của mạng xã hội với tính chất 2 mặt của nó đang tạo ra cơ hội và thách thức cho người làm công tác tuyên truyền. Một mặt, chúng tạo điều kiện để người làm công tác tuyên truyền tiếp cận với đông đảo nhân dân, đưa thông điệp tuyên truyền đến với nhân dân, mặt khác, chúng cũng là nơi kẻ thù có thể lợi dụng để tấn công, bóp méo những nội dung tuyên truyền chính thống. Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, người làm tuyên truyền hiện nay cần có sự chú ý đầy đủ đến môi trường truyền thông số và mạng xã hội, sẵn sàng sử dụng mạng xã hội và truyền thông số trong công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng của Đảng. Người làm công tác tuyên truyền cần nâng cao tính chuyên nghiệp, chú trọng rèn luyện cho bản thân những kĩ năng truyền thông cơ bản trên môi trường số, như sự nhanh nhạy đi đôi với sự chính xác, khả năng phản biện khéo léo và phù hợp, khả năng hướng dẫn dư luận xã hội một cách lành mạnh, khả năng bắt kịp các xu hướng, các kĩ thuật truyền thông mới, khả năng sử dụng ngôn ngữ cô đọng, hình ảnh ấn tượng... Bên cạnh đó, việc hiểu và quan tâm đến các đối tượng công chúng, biết lắng nghe tiếng nói của các tầng lớp nhân dân và điều chỉnh phương pháp truyền thông phù hợp, giúp người dân thấy được lợi ích chân chính trong thông tin tuyên truyền… là những nguyên tắc truyền thông không mới nhưng vẫn có vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh truyền thông mới, trong môi trường truyền thông đang hàng ngày diễn ra những biến đổi không ngừng./. Hằng Nga

279 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 902
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 902
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 99082462