Công tác tuyên giáo cơ sở ở Quảng Trị - Thực trạng và kiến nghị 

Công tác Tuyên giáo là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng nhằm xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; truyền bá chủ nghĩa Mác- lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tập hợp, quy tụ và khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Với tầm quan trong đặc biệt như vậy, nên trong quá trình lãnh đạo, tùy theo yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong mỗi thời kỳ Đảng ta đều ban hành nghị quyết về lĩnh vực này sát hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Đặc biệt, ngày 18/3/2002, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TW, “về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới”. Nghị quyết chỉ rõ phương hướng chung của công tác tư tưởng, lý luận đó là: “Kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo và các nguyên tắc hoạt động của Đảng; quán triệt đường lối đổi mới, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân từ Trung ương đến cơ sở. Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp công tác tư tưởng; đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần làm rõ hơn nữa con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đồng thời triển khai liên tục và sâu rộng công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm phát huy chủ nghĩa yêu nước, phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực sáng tạo, ý chí tự lực tự cường đi đôi với đề cao tinh thần quốc tế chân chính; khơi dậy và nâng cao ý chí cách mạng tiến công, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, động viên khí thế và tinh thần chủ động sáng tạo trong lao động, học tập và công tác, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”[1]. Nghị quyết đề ra 07 nhiệm vụ chủ yếu, trong đó nhiệm vụ kiện toàn tổ chức, bộ máy đã xác định: Rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức bộ máy; xây dựng mô hình thống nhất cơ quan công tác tư tưởng, văn hóa các cấp. Nội hàm, là hoàn chỉnh hệ thống Tuyên giáo gồm 4 cấp [2], trong đó có ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn (gọi tắt là tuyên giáo cơ sở). Đây là cấp có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong công tác xây dựng đảng; góp phần quan trọng đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; cầu nối, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước tại cơ sở. Với ý nghĩa như vậy, từ năm 2003 một số huyện, thị ủy thuộc Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã thành lập Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã, phường, thị trấn[3].Trong đó, Đông Hà là đơn vị đầu tiên của tỉnh ban hành hướng dẫn và cả 9 phường đều thành lập ban tuyên giáo phường[4]. Năm 2006, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn thành lập ban tuyên giáo cơ sở trên phạm vi toàn tỉnh[5], trong đó, nêu rõ: Vai trò, vị trí; chức năng, nhiệm vụ; tổ chức, bộ máy và tổ chức hoạt động.  Nhờ vậy, đến tháng 11 năm 2022, toàn tỉnh có 125 tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn [6] đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, 101 xã, 13 phường và 11 thị trấn; với 975 cán bộ (nam 637, nữ 338). Về độ tuổi dưới 30: có 53 đồng chí, chiếm tỷ lệ 5,4 %; từ 31- 40 tuổi có 357 (36,61%); từ 41-50 tuổi có 352 đồng chí (36,1%) và trên 50 tuổi có 213 đồng chí chiếm tỷ lệ 21,8 %. Như vậy, có thể nói số cán bộ tuyên giáo cơ sở theo quy định hiện hành có thể đảm nhiệm công tác ít nhất 02 nhiệm kỳ đại hội (10 năm) còn khoảng 765 đồng chí chiếm tỷ lệ gần 80%. Về trình độ chuyên môn: Đại học, trên đại học 936 ( trong đó trên đại học 28) chiếm tỷ lệ  96 %; trung cấp, cao đẳng 34, khác 05; Trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân: 42; trung cấp 831, sơ cấp 79 chưa qua đào tạo 23. Những năm qua, đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở được tập huấn nghiệp vụ, trong đó có trên ½ cán bộ tuyên giáo cơ sở được cử đi đào tạo các lớp dài ngày.

Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương, đến tháng 12/2021, tất cả 63/63 tỉnh, thành trên cả nước đều thành lập ban tuyên giáo cơ sở; trong đó: 22 tỉnh, thành có 100% tổ chức cơ sở đảng cấp xã thành lập ban tuyên giáo đảng ủy xã; có quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Một số tỉnh ủy đã ban hành quy định, quy chế, cơ chế hoạt động và coi đây là một cấp trong hệ thống tuyên giáo. Tiêu biểu có tỉnh Lào Cai[7], Thái Bình[8], Hậu Giang[9], 41 tỉnh còn lại tuy có thành lập ban tuyên giáo cơ sở nhưng chưa đầy đủ; chưa có quy chế hoạt động; sự chỉ đạo chưa thống nhất bằng quy định, quy chế mà chủ yếu phụ thuộc vào sự quan tâm của đảng ủy xã nên có nhiều mô hình khác nhau. Qua thực tiễn cho thấy mô hình này rất hiệu quả nhất là công tác tuyên giáo cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn một cách tổng thể, ban tuyên giáo cơ sở trên phạm vi cả nước đã đóng vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước[10]. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở đã phát huy được vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu về các lĩnh vực tuyên truyền, khoa giáo, lý luận chính trị và biên soạn lịch sử đảng bộ tại cơ sở. Các thành viên của ban tuyên giáo cơ sở là đồng chí Bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ, ban chấp hành đảng bộ và trưởng các ngành, đoàn thể nên hoạt động tuyên truyền, nắm bắt dư luận, tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân khá thuận lợi. Điều đáng mừng là đội ngũ này đang từng bước được củng cố, kiện toàn, nhất là sau Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của cán bộ ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn ngày càng được quan tâm.

Đối với tỉnh ta, gần 20 năm đi vào hoạt động với tư cách là một cấp trong hệ thống tuyên giáo 4 cấp, Ban tuyên giáo cơ sở là cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp ủy về các lĩnh vực: Tuyên truyền, Khoa giáo, biên soạn lịch sử  đảng bộ địa phương. Nhờ vậy, một số lĩnh vực của công tác Tuyên giáo như: Giáo dục lý luận chính trị, văn hóa văn nghệ, khoa giáo, lịch sử Đảng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được triển khai bài bản và có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng đến với đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ Tuyên giáo cơ sở đã thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội; nhất là các thông tin trái chiều, thông tin nhạy cảm để phân tích, dự báo, tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết, xử lý kịp thời, góp phần xây dựng, bồi đắp, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tạo  sự đoàn kết, đồng thuận trong Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở đã phát huy vai trò tiền phong trong công tác tuyên giáo nói riêng và công tác xây dựng đảng nói chung tại cơ sở. Các thành viên của ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn hầu hết là cán bộ lãnh đạo trong ban thường vụ, ban chấp hành đảng bộ và trưởng các ngành, đoàn thể nên hoạt động tuyên truyền, nắm bắt dư luận, tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân tương đối thuận lợi. Đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo cơ sở đang từng bước được củng cố, kiện toàn, nhất là sau Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Qua khảo sát, cho thấy, có 66/125 bí thư cấp ủy kiêm nhiệm trưởng ban; 24 Phó bí thư thường trực, 25 Chủ tịch UBND cấp xã, 03 Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã, 01 ủy viên Ban thường vụ và 06 ủy viên BCH Đảng bộ, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm nhiệm chức danh này. Cùng với đó, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của cán bộ ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn ngày càng được quan tâm.

Bên cạnh những kết quả rất đáng trân trọng, thì đến thời điểm này, công tác tuyên giáo cơ sở vẫn còn một số bất cập như: chưa có văn bản của Đảng quy định cụ thể tổ chức, bộ máy ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn. Cơ cấu, tổ chức và mô hình hoạt động của các ban tuyên giáo cấp xã còn thiếu thống nhất; chế độ phụ cấp cho đội ngũ làm công tác tuyên giáo còn tùy thuộc vào sự quan tâm của từng cấp ủy và cũng chưa đủ để khích lệ họ hoàn thành trách nhiệm một lĩnh vực rộng, đa chiều, có những vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Để phát huy, vai trò, vị trí của ban tuyên giáo cơ sở và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác Tuyên giáo cơ sở trong tình hình mới, trong thời gian tới thiết nghĩ cần quan tâm thêm một số nhiệm vụ sau:

1. Từ khẳng định vị trí, tầm quan trọng của công tác tuyên giáo cơ sở đối với công tác xây dựng Đảng và trong hệ thống chính trị, đề nghị các cấp ủy Đảng, người đứng đầu các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới” và Nghị quyết số 17-NQ/TW, ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở ơ sở xã, phường, thị trấn”. Cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền cần trực tiếp làm công tác tuyên giáo; thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, từ đó có biện pháp giải quyết kịp thời. Khắc phục những biểu hiện coi nhẹ, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên, thậm chí khoán trắng cho cán bộ tuyên giáo.

 2. Phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa Ban tuyên giáo cơ sở với các đoàn thể chính trị- xã hội, các ngành địa phương, mở rộng dân chủ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gíao dục, cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân. Thực hiện tốt phương châm “Toàn Đảng làm công tác tư tưởng”, “Lấy quần chúng giáo dục quần chúng”, gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ công tác tuyên giáo. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các phương tiện trong công tác tuyên giáo ở cơ sở.

           3. Trên cơ sở thống nhất quan điểm, nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng, tác dụng to lớn của công tác tuyên giáo đối với mọi hoạt động ở cơ sở cần tập trung xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm tuyên giáo cơ sở; phát huy vai trò của người có uy tín làm công tác tuyên giáo; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyên giáo; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, khoa giáo, giáo dục lý luận và công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương.

          4. Phải gắn kết chặt chẽ công tác tuyên giáo với phát triển kinh tế - xã hội, công tác tuyên giáo phải “bám chắc”, “bám sát” thực tiễn ở cơ sở, để đi trước dự báo, định hướng, đi cùng các sự việc để nắm chắc tình hình, đi sau sự việc, sự kiện để giải quyết từ sớm, tận gốc những vấn đề có thể dẫn đến nảy sinh bức xúc về tư tưởng, tâm trạng xã hội. Kịp thời triển khai và thực hiện quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo với cơ quan chuyên môn của Nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân một cách đồng bộ, hiệu quả theo Quyết định số 238-QĐ/TW, ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trí Ánh

 

  [1] Đảng Cộng sản Việt Nam, các nghị quyết của Trung ương Đảng 2001-2994; NXB  chính trị Quốc gia; tr 85. quyết

 [2] Gồm: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban tuyên giáo tỉnh, thành, ban tuyên giáo cấp huyện và ban tuyên giáo cơ sở (Xã, phường, thị trấn)

[3]Ngày 16/3/2006, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 03-HD/TG về việc thành lập Ban Tuyên giáo cơ sở.

[4]Hướng dẫn số 06-HD/TG, ngày 16/02/2003

[5]Hướng dẫn số 03-HD/TG, ngày 16/5/2006.Hướng dẫn số 03-HD/TG, ngày 16/5/2006.

[6]Trước năm 2019 là 141 xã, phường, thị trấn sau  nhập lại đã thành lập ban tuyên giáo giáo cơ sở,

[7]Tỉnh Lào Cai, thành lập ban tuyên vận (Tuyên giáo và dân vận) năm 2012, đến tháng 11 năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 60-QĐ/TU, ngày 24/11/2020. về công tác tuyên vận

[8]Tỉnh Thái Bình thành lập thí điểm trước năm 2015 và đến năm 2015, mới ban hành Quy định số 2196,QĐ/TU,  ngày 21/4/2015chức năng, nhiệm vụ tổ chức và hoạt động ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn

[9]Tỉnh Hậu Giang thành lập ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn năm 2018;

[10] Theo thống kê của Vụ Tổng hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, cán bộ tuyên giáo cơ sở toàn quốc có độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi chiếm số lượng lớn; trong đó, nam chiếm khoảng 2/3. Về chuyên môn, phần lớn có trình độ từ trung cấp trở lên, trong đó cao đẳng và đại học chiếm số lượng lớn. Về lý luận chính trị đa số có trình độ trung cấp; chỉ trừ một số xã vùng sâu, vùng xa, cán bộ chưa được đào tạo về lý luận chính trị.

 

640 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1530
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1530
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 85434580