Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai: Hàng năm, tỉnh đã ban hành các văn bản về công tác phòng chống thiên tai; công tác quản lý đê điều, sẵn sàng hộ đê, chống lũ, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ; tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, triển khai thực hiện nhiệm vụ năm tới. Đồng thời, tỉnh đã tổ chức thực hiện “Tuần lễ Quốc gia Phòng chống thiên tai từ 15/5 đến 22/5 hàng năm, ứng phó với biến đổi khí hậu vào các dịp như Ngày Nước thế giới (22/3), ngày Khí tượng thế giới (23/3), giờ Trái Đất,”… bằng nhiều hình thức như hội thảo, treo băng rôn, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng… phù hợp từ cấp tỉnh đến các địa phương, đảm bảo tuyên truyền sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” theo Quyết định số 553/QĐ-TTg, ngày 06/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025. Các địa phương, đơn vị, lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thường xuyên tổ chức công tác huấn luyện, tập huấn, tuyên truyền triển khai kết nối và chia sẻ thông tin chỉ đạo điều hành, cảnh báo thời tiết, thông tin dịch bệnh,.. trên các trang cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang mạng xã hội, hệ thống tin nhắn các mạng Vinaphone, Mobiphone, Viettel để tuyên truyền, chia sẽ thông tin đến cộng đồng, góp phần tích cực bảo vệ xã hội an toàn hơn trước thiên tai. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục cập nhật kiến thức, kỹ năng, nâng cao nhận thức, năng lực, tính chủ động cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; huy động và phân bổ nguồn lực hỗ trợ cứu trợ, hỗ trợ kịp thời.
Rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách: Từ cuối năm 2019 đến nay, tỉnh đã chủ động, ban hành nhiều Quyết định phê duyệt các Phương án, Kế hoạch hành động ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Giao ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành thường xuyên theo dõi, cập nhật, rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống các văn bản theo hướng dẫn của Trung ương, bảo đảm sự thống nhất, phù hợp, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai: Các cấp ủy đảng, tổ chức đảng đã tổ chức quán triệt, phổ biến Chỉ thị số 42-CT/TW, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ, đảng viên và sâu rộng trong quần chúng nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và ý thức của mọi công dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời điều chỉnh các nhiệm vụ kế hoạch, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tế về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Chính quyền địa phương các cấp đã tổ chức kiện toàn lại bộ máy phòng chống thiên tai theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy, tổ chức hiện theo đúng quy định. Từng bước đầu tư trang thiết bị đáp ứng phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Theo số liệu kiểm kê, tính đến ngày 01/01/2022, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có: Xe cứu hộ các loại 80 chiếc; xe chữa cháy 12 chiếc; nhà bạt các loại 582 bộ; phao các loại 38.460 chiếc; xuồng, thuyền, ca nô các loại 759 chiếc; tàu tìm kiếm cứu nạn 15 chiếc và một số loại trang thiết bị khác ... hiện đang lưu giữ tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh và Ban Chỉ huy Quân sự và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp.
Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, theo dõi, giám sát thiên tai: Tỉnh đã chú trọng đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, điều kiện làm việc nhằm để đáp ứng tốt các yêu cầu trong công tác phòng, chống thiên tai từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã và nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh: hệ thống các trạm cảnh báo thiên tai được đầu tư tương đối đồng bộ đảm bảo nâng cao chất lượng trong thông tin, cảnh báo, dự báo gồm có 11 trạm khí tượng thủy văn, 42 trạm đo mưa chuyên dùng, 27 trạm đo mực nước, 09 trạm đo mặn, 03 trạm cảnh báo giông sét...; hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác phòng chống thiên tai bước đầu dần hình thành như mô hình thủy lực dự báo, cảnh báo ngập lụt cho lưu vực sông Bến Hải và Thạch Hãn; bản đồ đường đi của bão; bộ bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão. Trụ sở làm việc và hệ thống thiết bị thiết yếu được trang bị cơ bản đầy đủ; hệ thống thông tin liên lạc gồm trung tâm điều phối tại Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, đảm bảo liên lạc thông suốt trong thiên tai với 06 trạm vệ tinh đặt tại các huyện (Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị); và 06 trạm di động đặt trên xe chỉ đạo điều hành, 10 bộ đàm cầm tay. Tỉnh đã phân bổ ngân sách cho Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh để đầu tư sửa chữa công trình đo đạc thiên tai nhằm nâng cấp đáp ứng cung cấp kịp thời các thông tin cảnh báo, dự báo phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai; lắp đặt bổ sung 25 trạm đo tự động, dữ liệu được cập nhật tự động trực tuyến trên trang web để phục vụ nắm bắt thông tin, dự báo, cảnh báo thủy văn cũng như công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với mưa lũ của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp trên địa bàn tỉnh.Triển khai xây dựng mô thủy văn, thủy lực vào tính toán ngập lụt và xây dựng bản đồ cảnh báo ngập lụt trên địa bàn thành phố Đông Hà; rà soát điều tra vết lũ trong các trận lũ lịch sử, xây dựng cơ sở dự liệu phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo phòng chống thiên tai; triển khai xây dựng mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị chưa được quy định tại Quyết định số 05/2020/QĐ-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực: Từ năm 2020 đến nay, chính quyền địa phương các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội như Hội Chữ thập đỏ, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động của tỉnh đã kêu gọi, huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ đến từ Trung ương, địa phương, các tổ chức, mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài nước để khắc phục hậu quả thiên tai thông qua các chương trình như “hỗ trợ dân sinh”; “hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp”, “hỗ trợ về cơ sở hạ tầng thiết yếu và các hoạt động khác” với tổng kinh phí khoảng 678,028 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 440 tỷ đồng; từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh 5,847 tỷ đồng; các nguồn lực hợp pháp khác ước khoảng 232,181 tỷ đồng. Ban Cứu trợ các cấp trong tỉnh đã kịp thời tiếp nhận, phân bổ hợp lý tiền và các hàng hóa, nhu yếu phẩm các loại, chuyển trực tiếp đến các địa phương bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ làm mới, tái định cư cho 305 hộ gia đình có nhà bị thiệt hại hoàn toàn, bị hư hỏng nặng do mưa lũ.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế: Tỉnh đã trang cấp, bố trí máy bộ đàm Kenwood cầm tay cho Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Hệ thống hội nghị truyền hình đã được kết nối, trực tuyến từ Trung ương về các địa phương đảm bảo phục vụ công tác họp giao ban, ứng phó thiên tai. Sử dụng hệ thống nhắn tin SMS để nhắn tin điều hành, cảnh báo, dự báo thiên tai đến với chính quyền các cấp, Ban chỉ huy PCTT và TKCN và người dân để chủ động phòng chống bão, lũ nhằm giảm thiểu thiên tai gây ra. Trang bị cơ bản các bản đồ, biểu đồ về phòng chống thiên tai tỉnh cho Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp tỉnh; mã hóa và lưu trữ cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai cấp tỉnh qua các năm; các số liệu phương án di dời, sơ tán dân trong tình huống bão mạnh, siêu bão, ngập lụt theo các cấp độ rủi ro thiên tai cũng đã được thể hiện trên các bản đồ, sơ đồ đặt phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, chỉ huy và điều hành ứng phó thiên tai. Trong các năm qua, tỉnh được quan tâm, chung tay hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như: cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, JICA, WB, ADB, UNDP, DWF, PLAN, FAO, Hội Chữ thập đỏ, Trăng Lưỡi liềm đỏ, Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai và các tổ chức cá nhân khác đã hỗ trợ các chương trình, dự án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai: Trong các năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội chữ thập đỏ tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao đã chủ trì công tác vận động quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ để cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ trung hạn khắc phục hậu quả thiên tai; Hội phụ nữ tỉnh, Hội cựu chiến binh tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội huy động huy động lực lượng cán bộ, hội viên trên địa bàn tỉnh phối hợp với các địa phương, đơn vị tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, lồng ghép giới về phòng, chống thiên tai. Người dân tham gia tích cực vào công tác xây dựng nhà kiên cố trong các chương trình như xóa nhà tạm, hỗ trợ nhà cho người có công, hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Các công trình này đã phát huy hiệu quả cao trong tình huống thiên tai xảy ra, là nơi trú ẩn an toàn cho người dân khi xảy ra thiên tai.
Tuy nhiên, công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai ngày một cực đoan và bất thường và gia tăng cả về tần suất xuất hiện và mức độ nguy hiểm; điều kiện nguồn ngân sách địa phương còn khó khăn; nhiều công trình phòng, chống thiên tai (hồ đập, đê, kè, cống, chống hạn, ngập úng, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão…) do thiên tai đã làm hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng chưa bố trí kinh phí kịp thời để sửa chữa, làm giảm công năng công trình chống chịu trước thiên tai. Ý thức của một số bộ phận người dân đặc biệt cộng đồng người dân vùng sâu, vùng xa còn chủ quan, lơ là, thiếu kỷ năng ứng phó với thiên tai; còn để xảy ra những thiệt hại, mất mát về người và tài sản khi có sự cố xảy ra. Trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn của các lực lượng chủ lực như quân đội, công an và đặc biệt là ở địa phương còn thiếu, các phương tiện còn thô sơ; công tác dự báo, cảnh báo sớm còn hạn chế.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW và đáp ứng kịp thời công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tỉnh đã xác định, tập trung hoàn thành tốt một số nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn 2021-2025, như sau:
Thứ nhất, tiếp tục bám sát, cập nhật các hướng dẫn, quy định mới của Trung ương để rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh. Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai theo hướng chuyên trách. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng, đội ngũ cán bộ tham mưu trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Thứ hai, đẩy mạnh nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho cán bộ, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai cho cộng đồng dân cư trên địa bàn toàn tỉnh đặc biệt vùng có nguy cơ cao, vùng sâu, vùng xa. Củng cố, nâng cấp và hiện đại hóa các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn đã có; xây dựng hoàn thiện hệ thống các trạm cảnh báo lũ đầu nguồn và các trạm đo sóng ven biển. Đầu tư trang bị hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy, điều hành và liên lạc với các tàu thuyền đánh bắt trên biển khi dự báo có khả năng hoặc xảy ra thiên tai.
Thứ ba, rà soát, kịp thời bố trí nguồn lực, đầu tư xử lý dứt điểm các trọng điểm hư hỏng đê điều, sạt lở nhất là các tuyến đê xung yếu, sạt lở bờ sông, bờ biển các khu vực trọng yếu. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng phục vụ ứng phó thiên tai tại các cấp, nhất là các cơ quan chỉ đạo điều hành và văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh theo hướng hiện đại.
Thứ tư, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nội dung của kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 và rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai hàng năm, đảm bảo chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng kịp thời công tác phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn. Lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ năm, tập trung làm tốt công tác di dời, bố trí lại dân cư vùng thường xuyên bị thiên tai, tập trung ưu tiên vùng nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất. Cắm mốc hành lang thoát lũ cho các tuyến sông chính; cắm mốc cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực có nguy cơ sạt lở; tiếp tục xây dựng, nâng cấp nhà ở phòng chống thiên tai; ổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm. Tăng cường trồng, bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn. Cao Sơn