CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN ĐOÀN VIÊN, HỘI VIÊN VÀ THÀNH LẬP TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TRONG DOANH NGHIỆP NGOÀI NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ 

Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện nay là 3.585 doanh nghiệp, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt hơn 26,2 tỷ đồng. Sự phát triển của các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực có vai trò rất quan trọng, là hạt nhân trong phát triển kinh tế, là nhân tố đóng góp tích cực để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Một trong những nguyên nhân tạo động lực cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển đó chính là vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp. Việc thành lập tổ chức chính trị - xã hội và phát triển đoàn viên, hội viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước có vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp và người lao động, là cầu nối quan trọng, là sợi dây gắn kết giữa người lao động với người sử dụng lao động, tạo mối quan hệ hài hòa, ổn định giữa các chủ thể tham gia lao động. Khi vai trò của tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp được phát huy hiệu quả, phong trào sản xuất - kinh doanh trong doanh nghiệp được đẩy mạnh, đem lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp cũng như người lao động. Đồng thời, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững và xây dựng đội ngũ lao động vững mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng:

Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá X “Về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị khoá VIII về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”; Nghị định số 98/2014/NĐ-CP, ngày 24/10/2014 của Chính phủ "Quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế”; Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 20/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về củng cố, phát triển tổ chức đảng và tăng cường kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”; nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về tầm quan trọng của việc phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, ngày 18/11/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 399-QĐ/TU về Đề án phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2016 - 2020. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm; các quan điểm của Đảng trong phát triển kinh tế tư nhân, vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, của đảng viên, đoàn viên, hội viên trong doanh nghiệp. Chỉ đạo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo cấp ủy các doanh nghiệp tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên trong Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc nắm vững nguyên tắc tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo đảng viên, người lao động đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết, hợp tác, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp giải quyết những vấn đề phát sinh tại đơn vị.

Nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của các chủ doanh nghiệp trong việc thành lập tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị gặp mặt 147 chủ doanh nghiệp; nêu rõ mục đích, yêu cầu nội dung trọng tâm của Đề án, đồng thời, thảo luận, thống nhất về vấn đề phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tổ công tác, Ban chỉ đạo cấp huyện, thị, thành ủy thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, thăm hỏi, động viên, nắm tình hình doanh nghiệp trên địa bàn, khảo sát, gặp mặt các doanh nghiệp, triển khai Đề án; gặp gỡ, tiếp xúc, vận động, tổ chức làm việc với Hội đồng quản trị, Ban giám đốc nhằm tạo sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp về việc phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội.

Kết quả đạt được sau 03 năm thực hiện công tác phát triển các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước theo Quyết định số 399-QĐ/TU:

-  Công tác củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức Công đoàn

Các cấp Công đoàn đã triển khai thực hiện Nghị định số 98/2014/NĐ-CP, ngày 24/10/2014 của Chính phủ "Quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế”; Đề án “Phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” vào chương trình công tác trọng tâm. LĐLĐ tỉnh chủ động ký kết chương trình phối hợp công tác với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước gắn với chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, người lao động. Với những nỗ lực đó, đã đưa lại những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Theo số liệu khảo sát thời điểm tháng 8/2016, trong tổng số 2.033 doanh nghiệp ngoài nhà nước, có 143 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn với 6.834 đoàn viên; sau 03 năm thực hiện Đề án, đến nay đã nâng tổng số doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh có tổ chức công đoàn lên 241 doanh nghiệp với 9729 đoàn viên. Đa số CĐCS trong các doanh nghiệp đã tích cực phối hợp với chủ doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ hài hoà, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tạo điều kiện để công đoàn, người sử dụng lao động và cả người lao động thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, vì quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

- Công tác củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Theo số liệu khảo sát, tháng 08/2016 trong tổng số doanh nghiệp ngoài nhà nước của tỉnh, có 17 chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh với 537 đoàn viên. Lực lượng đoàn viên, thanh niên đã tích cực học tập, rèn luyện, trau dồi tay nghề, phát huy sáng kiến, lao động sáng tạo, xung kích là lực lượng nòng cốt quyết định sự thắng lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Công tác phát triển tổ chức đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chú trọng triển khai. Tích cực chỉ đạo các cấp bộ đoàn tổ chức hoạt động chăm lo đồng hành cùng thanh niên công nhân như: Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao; ngày hội Đồng hành với thanh niên công nhân, thăm tặng quà cho thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn...Thông qua các hoạt đông đã bồi đắp tình cảm, nhận thức của công nhân và chủ doanh nghiệp về vai trò, vị trí của tổ chức đoàn, góp phần tích cực trong việc thành lập tổ chức đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tổ chức khảo sát các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đủ điều kiện thành lập tổ chức đoàn, trên cơ sở đó ban hành kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị. Kết quả đến nay, thành lập thêm 08 cơ sở đoàn với 125 đoàn viên, nâng tổng số doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức đoàn lên 25 chi đoàn với 662 đoàn viên. Đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã tích cực thực hiện các phong trào“Tuổi trẻ Khối Doanh nghiệp tỉnh xung kích, tình nguyện xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững” phong trào thi đua “Tuổi trẻ Khối Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị chung tay xây dựng nông thôn mới” do Đoàn Khối Doanh nghiệp tỉnh phát động được đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia hưởng ứng với nhiều nội dung, công việc cụ thể.

- Công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội Cựu chiến binh

Cựu chiến binh trong các doanh nghiệp đã tích cực tập hợp, đoàn kết, động viên Cựu chiến binh rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; gương mẫu quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ đảng, nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp; thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động. Theo số liệu khảo sát, tháng 08/2016 trong tổng số doanh nghiệp ngoài nhà nước của tỉnh có 02 chi hội Cựu chiến binh với 18 hội viên, có 76 Cựu chiến binh là chủ doanh nghiệp. Thực hiện Đề án, Hội Cựu chiến binh tỉnh tiến hành khảo sát tình hình Cựu chiến binh và tổ chức Hội Cựu chiến binh trong các doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án. Kết quả đến nay, đã thành lập được 2 Hội Cựu chiến binh tại 2 Doanh nghiệp (Công ty Hoàng Nguyên với 7 Hội viên, có 4 đảng viên) và Doanh nghiệp tư nhân Công ty phân bón Bình Điền, có 6 hội viên trong đó có 2 đảng viên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đoàn viên, hội viên và thành lập tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, đó là: một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vai trò, tính cần thiết của các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, nên khi Tổ công tác, Ban chỉ đạo đến làm việc thường né tránh, tìm mọi cách trì hoãn, khiến công tác tiếp cận, tuyên truyền gặp gỡ khó khăn; Người lao động trong doanh nghiệp còn có tâm lý e dè, do sợ ảnh hưởng tới thời gian, năng suất và thu nhập khi tham gia sinh hoạt; Thời gian sinh hoạt chủ yếu ngoài giờ làm việc, kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế, gây khó khăn trong việc chủ động tổ chức các phong trào thi đua tạo ra sự  đồng thuận và hợp tác của người lao động đến với tổ chức đảng và các tổ chức chính trị - xã hội.

Giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, hội viên và thành lập tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền với chủ doanh nghiệp và người lao động việc thành lập các tổ chức chính trị - xã hội  để giúp họ hiểu rõ mục đích là nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững, bảo đảm cho mọi hoạt động của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, vì lợi ích thiết thực và chính đáng của người lao động và của doanh nghiệp, thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.

2. Những nơi đã thành lập các tổ chức chính trị - xã hội, thì cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng và Ban chấp hành Công đoàn phải thực hiện đúng chức năng của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đề ra; chăm lo đời sống cho người lao động, tạo ra mối quan hệ hài hòa bền vững, tiến bộ trong doanh nghiệp, xây dựng doanh nghiệp phát triển, sẽ tạo ra hiệu ứng lan toả cho những doanh nghiệp xung quanh, thấy được sự chuyển biến, sự khác biệt của doanh nghiệp có tổ chức chính trị - xã hội với doanh nghiệp chưa có tổ chức chính trị - xã hội.

3. Đối với những doanh nghiệp chưa có tổ chức chính trị - xã hội, Ban Dân vận Tỉnh ủy, các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường công tác khảo sát, tiếp cận, thuyết phục, vận động để chủ doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ thành lập tổ chức chính trị - xã hội, trước hết là những doanh nghiệp nhiều lao động và sản xuất- kinh doanh ổn định. Đồng thời, rà soát và có kế hoạch chuyển sinh hoạt công đoàn, đoàn thanh niên, hội CCB cho những đoàn viên,hội viên làm việc ở doanh nghiệp nhưng sinh hoạt công đoàn, đoàn thanh niên, hội CCB ở nơi khác về tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội CCB của doanh nghiệp ngay sau khi thành lập.

4. Cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cấp trên cơ sở quan tâm một cách đồng bộ, thường xuyên theo dõi, tạo điều kiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực cho sự phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp phát triển, tạo niềm tin của chủ doanh nghiệp.

5. Tùy vào tình hình cụ thể, cấp ủy có thể trao đổi hoặc công khai thông tin một số nội dung và phối hợp với chủ doanh nghiệp trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, để chủ doanh nghiệp hiểu, tạo thuận lợi cho các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động hiệu quả.

6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển các tổ chức chính trị - xã hội; kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên các doanh nghiệp làm tốt công tác xây dựng và phát triển các tổ chức chính trị - xã hội, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thủy Phương

3205 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2118
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 2118
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76245717