Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, những năm qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc làm tốt công tác phát triển đảng viên cả về số lượng và chất lượng, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra, coi đây là một trong những chỉ tiêu để đánh giá, xếp loại tổ chức đảng hằng năm. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã kịp thời quán triệt, phổ biến các văn bản của Trung ương liên quan công tác phát triển đảng viên đến các đảng bộ trực thuộc, đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc. ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 15/3/2013 về việc tăng cường công tác phát triển đảng viên ở địa bàn, lĩnh vực còn khó khăn và ít đảng viên. Trước thực trạng công tác phát triển tổ chức đảng, thành lập các tổ chức chính trị-xã hội và phát triển đảng viên ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước còn nhiều khó khăn, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 20/11/2014 về củng cố, phát triển tổ chức đảng và tăng cường kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp đó là Quyết định số 399-QĐ/TU ngày 18/11/2016 ban hành Đề án phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các đảng bộ trực thuộc, giao Ban Tổ chức Tỉnh uỷ theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, giao các Ban Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết về công tác phát triển đảng. Ban thường vụ cấp uỷ các cấp đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai tới các cấp uỷ và cán bộ chủ chốt các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn; thành lập Tổ chỉ đạo, phân công các đồng chí trong ban thường vụ, ban chấp hành, ban tổ chức cấp uỷ trực tiếp phụ trách, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện. Chỉ đạo các đảng uỷ cơ sở sao gửi các văn bản liên quan đến các chi bộ để phổ biến, quán triệt tận đảng viên. Nhờ quan tâm triển khai, quán triệt các văn bản của Trung ương; kịp thời ban hành các văn bản liên quan và chỉ đạo thực hiện quyết liệt nên công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ tỉnh đã thu được kết quả tích cực. .
Các cấp ủy đảng đã quán triệt phương châm: kết nạp đảng viên phải coi trọng chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn, nhất là tiêu chuẩn giác ngộ về lý tưởng của Đảng, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác; kết nạp đảng viên luôn gắn với củng cố tổ chức đảng, làm trong sạch đội ngũ đảng viên; cảnh giác, đề phòng những phần tử cơ hội và phản động lọt vào hàng ngũ của Đảng; quan tâm công tác tạo nguồn để lựa chọn, bồi dưỡng, kết nạp những quần chúng ưu tú, có đủ tiêu chuẩn trong đoàn viên thanh niên, công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang...; chú ý các cơ sở trọng yếu, những nơi còn ít và chưa có đảng viên. Coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, bảo đảm chặt chẽ về nguyên tắc, đồng thời không định kiến hẹp hòi. Thực hiện phương châm, phương hướng đó, căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, thủ tục kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên chính thức của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, các quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI và khoá XII về thi hành Điều lệ Đảng; các hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI và khoá XII về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng; và các hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy hướng dẫn cụ thể đến tận chi bộ và thực hiện nghiêm túc. Việc kết nạp vào Đảng những quần chúng liên quan lịch sử chính trị, quần chúng là người có đạo, người có quan hệ hôn nhân với người nước ngoài, người Hoa; kết nạp đảng viên ở nơi chưa có đảng viên, chưa có chi bộ và kết nạp vào Đảng các trường hợp phải xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy như: quần chúng vi phạm lịch sử chính trị; vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; kết nạp lại người vào Đảng; kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn và một số trường hợp đặc biệt khác được các cấp ủy xem xét thận trọng, khách quan, bảo đảm quy trình, thủ tục, thẩm quyền theo đúng các quy định, hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Tổ chức Trung ương.
Căn cứ phương châm, phương hướng, tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp người vào Đảng của Trung ương và tình hình thực tế, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI đã đề ra chỉ tiêu trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 kết nạp từ 7.000 đến 7.500 đảng viên. Bám sát chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và các Chỉ thị, Nghị quyết, Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, các cấp ủy đã xây dựng kế hoạch, tích cực chỉ đạo, thực hiện các giải pháp đồng bộ trong công tác phát triển đảng viên như tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác phát triển đảng viên; tập trung bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp vào Đảng các đối tượng là cán bộ thôn, bản, khu phố; lực lượng công an viên, dân quân tự vệ, dự bị động viên; đoàn viên thanh niên, hội viên tổ chức Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở các xã, phường, thị trấn; cán bộ, công nhân lao động trong các doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn; tiếp tục vận động, kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã cụ thể hoá chỉ tiêu, kế hoạch kết nạp đảng viên phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị; chỉ đạo, hướng dẫn các cấp uỷ cấp dưới xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kết nạp đảng viên; chỉ đạo trung tâm bồi dưỡng chính trị mở lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho cảm tình Đảng, những nơi không có trung tâm bồi dưỡng chính trị thì ban thường vụ cấp uỷ giao cho ban tổ chức chủ trì, phối hợp với các ban tham mưu của cấp uỷ tổ chức bồi dưỡng. Các cấp ủy cơ sở xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên phù hợp với đặc điểm của đảng bộ, chi bộ, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra chi bộ trực thuộc xây dựng và thực hiện kế hoạch kết nạp đảng viên. Hàng năm, các cấp ủy đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng để xây dựng kế hoạch tạo nguồn kết nạp đảng viên; tổ chức tuyên truyền, giáo dục; chỉ đạo các tổ chức quần chúng, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giáo dục, lựa chọn đoàn viên, hội viên ưu tú giới thiệu với chi bộ, đồng thời giao nhiệm vụ cho cảm tình Đảng để thử thách và có nghị quyết phân công đảng viên chính thức giúp đỡ cảm tình Đảng phấn đấu vào Đảng. Định kỳ tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh danh sách cảm tình Đảng của đảng bộ, chi bộ; xét, đề nghị cho cảm tình Đảng đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; xét, đề nghị cấp ủy cấp trên xem xét, quyết định cho cảm tình Đảng được làm thủ tục đề nghị kết nạp vào Đảng.
Nhờ thực hiện đúng phương châm, phương hướng, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình thủ tục chặt chẽ và làm tốt công tác xây dựng kế hoạch nên số lượng đảng viên được kết nạp những năm qua đều đạt và vượt chỉ tiêu, góp phần giảm nhanh số lượng chi bộ sinh hoạt ghép; chất lượng đảng viên kết nạp ngày càng được nâng lên. Từ 2014 đến tháng 6 năm 2017, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp được 7.275 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp được 2.068 đảng viên, đạt 138% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (1.400-1.500 đảng viên/năm). Tính đến ngày 30/6/2017, toàn Đảng bộ tỉnh Quảng Trị có 43.092 đảng viên, sinh hoạt ở 555 tổ chức cơ sở đảng (264 đảng bộ cơ sở, 291 chi bộ cơ sở), thuộc 16 đảng bộ huyện và tương đương, trong đó: (1) Có 2.527 đảng viên dự bị, chiếm 5,86%; 15.169 đảng viên nữ, chiếm 35,2%; 3.110 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 7,2%; 102 đảng viên là người có đạo, chiếm 0,23%; 10.325 đảng viên là đoàn viên TNCSHCM, chiếm 24%; 3.933 đảng viên là quân nhân xuất ngũ, chiếm 9,13%; 2.293 đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng, chiếm 5,32%. (2) Về trình độ học vấn: có 1.669 đảng viên có trình độ tiểu học, chiếm 3,87%; 6.953 đảng viên có trình độ trung học cơ sở, chiếm 16,1%; 34.470 đảng viên có trình độ trung học phổ thông, chiếm 80%. (3) Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ: có 2.057 đảng viên là công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ, chiếm 4,8%; 8.294 đảng viên có trình độ trung học chuyên nghiệp, chiếm 19,25%; 4.242 đảng viên có trình độ cao đẳng, chiếm 9,84%; 13.482 đảng viên có trình độ đại học, chiếm 31,3%; 454 đảng viên có trình độ thạc sỹ, chiếm 1,05%; 22 đảng viên có trình độ tiến sỹ và tiến sỹ khoa học, chiếm 0,05%. (4) Về trình độ lý luận chính trị: 9.194 đảng viên có trình độ sơ cấp, chiếm 21,33%; 7.609 đảng viên có trình độ trung cấp, chiếm 17,7%; 1.738 đảng viên có trình độ cao cấp, cử nhân, chiếm 4,03%. Nhờ coi trọng công tác phát triển đảng viên, nên số lượng đảng viên kết nạp hàng năm đều tăng, bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, thực hiện đúng thủ tục, quy trình, chất lượng đảng viên ngày càng được nâng cao. Trong số đảng viên được kết nạp hàng năm, tỉ lệ đảng viên nữ, đảng viên là người dân tộc thiểu số, đảng viên là công nhân, lao động trong các thành phần kinh tế, đảng viên trẻ ngày càng tăng; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đảng còn một số hạn chế, đó là : Công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên vẫn còn có mặt bất cập; việc phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo một số khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn. Cơ cấu đảng viên và phân bố chưa tương ứng, chưa thật phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của từng cấp ủy, địa phương trong giai đoạn hiện nay. Tỷ lệ đảng viên là công nhân trong Đảng bộ còn thấp; tỷ lệ đảng viên trên dân số ở một số địa phương còn thấp; số trưởng thôn, bản, khu phố chưa đảng viên còn nhiều. Một số nguyên tắc, thủ tục, thẩm quyền kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên chính thức chưa đúng quy định.
Từ thực tế đó có thể rút ra một số giải pháp để đẩy mạnh công tác phát triển đảng như sau :
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng; các tổ chức chính trị - xã hội; doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp; cán bộ, đảng viên đối với công tác phát triển đảng viên, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để đông đảo quần chúng nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, từ đó có thái độ, động cơ đúng đắn phấn đấu vào Đảng.
Hai là, cấp ủy các cấp cần tăng cường chỉ đạo, có kế hoạch, giải pháp tạo nguồn, phát triển đảng viên cụ thể, sát với tình hình thực tế; thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong công tác tạo nguồn và kết nạp đảng viên bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, quy trình, coi trọng cả số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý.
Ba là, quan tâm công tác phân công nhiệm vụ đối với các tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên trong việc giúp đỡ quần chúng ưu tú vào Đảng. Thực hiện tốt việc giao nhiệm vụ, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách đảng viên mới.
Bốn là, tổ chức tốt việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng đảng để các cấp ủy, cán bộ, đảng viên nắm vững, thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình theo Điều lệ Đảng và quy định, hướng dẫn của Trung ương về kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên chính thức.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kết hợp chặt chẽ giữa kết nạp đảng viên với công tác quản lý, sàng lọc đảng viên, kiên quyết đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Hải Yến