Công tác DS/KHHGĐ: Thách thức và giải pháp 

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 47- NQ/TW, ngày 22/3/2005, của Bộ Chính trị khóa IX “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình” và Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 26/7/2006, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) “Về công tác dân số - gia đình và trẻ em trong thời kỳ CNH-HĐH”, công tác dân số kế hoạch gia đình trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả quan trọng:

Nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác DS- KHHGĐ đã có sự chuyển biến tích cực; bộ máy làm công tác DS/KHHGĐtừ tỉnh đến cơ sở ngày càng được củng cố, kiện toàn và không ngừng nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý; công tác thông tin, giáo dục, truyền thông được đổi mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác DS-KHHGĐ trong từng thời kỳ; hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình được mở rộng đã tạo điều kiện để các đối tượng tham gia các dịch vụ thuận lợi. Đến nay, bộ máy Chi cục có 3 phòng chức năng, với 16 biên chế; 100% số xã, phường, thị trấn đều có cán bộ chuyên trách dân số và 1.630 cộng tác viên thôn, bản, khu phố; bình quân mỗi cộng tác viên quản lý theo dõi 110 hộ gia đình. Những năm qua, đã có hơn 90% cán bộ DS/KHHGĐ cấp tỉnh, cấp huyện và 80 % cán bộ dân số cấp xã được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn. Toàn tỉnh hiện có 35.605 người có sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 90,4 % kế hoạch. Năm 2016, toàn tỉnh có 10.276 trẻ mới sinh ra, giảm 589 trẻ ; số trẻ là con thứ 3 1.910 cháu, chiếm tỷ lệ 18,6%, giảm 0,3%; tỷ suất sinh thô giảm 0,4 %0  so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, hiện nay công tác DS/KHHGĐ trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế, yếu kém: Việc chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ở một số ngành, địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa thật sự đồng bộ, quyết liệt. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động sinh con thứ 3 trở lên có nơi chưa kịp thời, nghiêm túc. Tổng tỷ suất sinh của tỉnh hiện đang ở mức 2,48 con, trong lúc cả nước tỷ suất này là 2,09; Quảng Trị là 1 trong số 10 tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã đến mức nghiêm trọng (117,5 bé trai/100 bé gái; cao hơn mức trung bình cả nước). Vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở một số xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đang diễn biến phức tạp.

Những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân, nhưng tập trung ở các nguyên nhân chủ yếu sau: Một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa nhận thức đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác dân số đối với phát triển kinh tế - xã hội; sự phối hợp hoạt động của các ngành, đoàn thể vẫn còn thiếu đồng bộ và thường xuyên; số lượng biên chế của một số Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cấp huyện chưa đủ theo Nghị quyết số 06/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; Công tác tuyên truyền, giáo dục về DS-KHHGĐ chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn mới. Nội dung và hình thức truyền thông chưa phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng vùng và từng nhóm đối tượng và một nguyên nhân không kém phần quan trọng là nguồn lực đầu tư cho công tác DS/KHHGĐ những năm lại đây chưa đáp ứng không chỉ các hoạt động nghiệp vụ mà ngay cả kinh phí chi trả chế độ hàng tháng, cho đội ngũ cộng tác viên thôn, bản, khu phố vẫn còn khó. Theo báo cáo của Chi cục Dân số, năm 2016, ngân sách trung ương bố trí 3.894 triệu đồng nhưng mới cấp lần 1: 1.984 triệu đồng; xấp xỉ 50 % kế hoạch và chỉ bằng 30 % so với ngân sách bình quân hàng năm của giai đoạn 2011-2015.

Thách thức đối với công tác DS/KHHGĐ ở tỉnh ta quả là không nhỏ. Nhưng nếu ngay từ bây giờ chúng ta không quyết liệt với công tác KHHGĐ thì trong vài năm tới thách thức đó càng nhân lên gấp bội; trước tình hình nay, thiết nghĩ:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội để tập trung giải quyết một số vấn đề cấp bách của công tác DS/KHHGĐ hiện nay. Trước mắt, cần kịp thời quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 119-KL/TW, ngày 04/01/2016, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47- NQ/TW, ngày 22/3/2005, của Bộ Chính trị khóa IX “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình”. Đặc biệt tập trung giải quyết một cách căn bản một số vấn đề bức xúc của công tác DS/KHHGĐ đang đặt ra như: vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh; vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; kinh phí chi trả cho đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, bản, khu phố….đồng thời từng bước chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số.

Tăng cường công tác truyền thông theo hướng đa dạng các loại hình tuyên truyền vận động; đặc biệt lưu ý kênh phát thanh của các hợp tác xã, các khu phố và tuyên truyền miệng qua hệ thống báo cáo viên các cấp.

Kịp thời phát hiện và nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến, nhất là những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ ở những vùng khó khăn, những vùng có mức sinh cao; Những mô hình xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; các mô hình gia đình điển hình, tiêu biểu; gia đình vượt khó, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình có nhiều thế hệ chung sống mẫu mực. Đồng thời có những hình thức phê phán, tạo ra dư luận xã hội đối với những cá nhân, đơn vị, những tư tưởng lạc hậu trái với chính sách DS-KHHGĐ của Đảng và Nhà nước. Trí Ánh-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị

1478 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 812
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 812
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76755607