|
Công tác điều hành thị trường trong nước hiệu quả dù ảnh hưởng dịch COVID - 19 (Ảnh: K.D) |
Thông tin tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 12 diễn ra ngày 30/12, tại Hà Nội cho thấy, năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,6% so với năm trước, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 nhưng đây là thành công của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, do tác động của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh trước những lo ngại về nguồn cung khi Nhà nước thực hiện các biện pháp cách ly để phòng chống lây lan dịch bệnh; nhu cầu các mặt hàng như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn… tăng đột biến.
Trước những diễn biến trên, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành các Chỉ thị và triển khai kế hoạch hành động, theo đó chỉ đạo các địa phương có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống theo phương châm 4 tại chỗ “chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ” và 3 sẵn sàng “chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”.
Đồng thời, ngành đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối lớn tăng lượng dự trữ, bảo đảm cung ứng các hàng hóa thiết yếu trên toàn hệ thống cho người dân; triển khai công tác thông tin tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, diễn biến dịch bệnh để ổn định tâm lý của người dân, tránh việc đổ xô đi mua hàng hóa gây mất cân đối cung cầu; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để hàng hóa được cung ứng liên tục…
Bên cạnh việc đảm bảo nguồn hàng thiết yếu phục vụ đời sống, Bộ Công Thương cũng triển khai tích cực, kịp thời công tác chỉ đạo sản xuất, phân phối, cung ứng các sản phẩm khẩu trang vải cho thị trường nhằm giảm áp lực đối với khả năng cung cấp khẩu trang y tế còn hạn chế, nhanh chóng ổn định thị trường khẩu trang, hỗ trợ lớn cho công tác phòng dịch hiệu quả.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID - 19, nhiều mặt hàng nông sản có tính mùa vụ cao như vải, thanh long, dưa hấu bị giảm giá trong giai đoạn COVID-19 bùng phát, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, Bộ Công Thương đã nỗ lực kết nối tiêu thụ trong nước và đàm phán với các nước nhập khẩu để phối hợp thực hiện các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu các mặt hàng này.
Theo đại diện Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, thành công trong công tác quản lý điều hành giá năm 2020 là đã đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong thời điểm dịch bệnh. Nếu đợt dịch đầu tiên bùng phát, có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa thì lần sau không còn vì hàng hóa được cung ứng đầy đủ. Đặc biệt, biên độ biến động giá xăng dầu năm nay rất lớn, song liên bộ Tài chính – Công Thương đã điều hành giá xăng dầu theo hướng sử dụng quỹ xăng dầu linh hoạt. Nhờ đó, mức tăng của giá xăng dầu không có quá nhiều tác động đến thị trường, giữ ổn định được tâm lý người tiêu dùng. Bên cạnh đó, giá điện còn được hỗ trợ giảm nhiều lần trong năm nay, là yếu tố quan trọng giúp ổn định giá.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước nhận định, năm 2020 là năm khó khăn cho hoạt động điều hành giá song nhìn chung, Tổ điều hành thị trường trong nước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào việc điều hành, đảm bảo cung cầu hàng hóa. Thời gian tới, dự báo nhu cầu các mặt hàng nhóm thực phẩm, hàng hóa phục vụ Tết sẽ tăng, nhất là những mặt hàng nguồn cung đang thiếu tính bền vững như thịt lợn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của xu hướng phục hồi kinh tế thế giới sau dịch bệnh nên giá một số hàng hóa nguyên nhiên liệu chủ chốt trên thị trường thế giới tăng sẽ tác động đến giá hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, hiện công tác chuẩn bị Tết đang được các Bộ ngành, địa phương triển khai tích cực nên nguồn cung hàng hóa sẽ đápứng tốt nhu cầu tiêu dùng kể cả những giai đoạn tăng mạnh dịp gần Tết nên thị trường sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá mạnh.
Theo đó, Tổ điều hành thị trường trong nước kiến nghị các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao theo Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Tân Sửu vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Chỉ thị số 15/CT-BCT ngày 30/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội…
Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước; kết hợp đẩy mạnh triển khai các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, hỗ trợ sản xuất hàng hóa trong nước thay thế hàng nhập khẩu; triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Từ đó kịp thời đề xuất các giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá… góp phần giúp người dân đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm./.