Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị hiện nay 

Cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số có vai trò rất quan trọng, là nơi xây dựng và trực tiếp tổ chức cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Là lực lượng tiêu biểu trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng phát triển bền vững kinh tế -xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quảng Trị có hai huyện miền núi là Hướng Hóa và Đakrông, 3 huyện có xã miền núi là Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Toàn tỉnh có 31 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Miền núi Quảng Trị là vùng có nhiều tiềm năng về kinh tế và vị trí chiến lược nhưng đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước cũng như tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế vùng miền núi, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần cũng như chất lượng giáo dục, y tế vùng miền núi đã được nâng lên rõ rệt. Cùng với sự phát triển đó, đòi hỏi chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp cơ sở phải được nâng lên.

Xuất phát từ tầm quan trọng đó, nhất là sau khi có Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND, ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh được ban hành. Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã Quyết định số 2117/QĐ-UBND ngày 17/9/2018 về việc ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND, ngày 18/7/2018 của HĐND. Kế hoạch đã xác định và quy định rõ thời gian tổ chức, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm đạt các chỉ tiêu mà Nghị quyết đã đề ra.

Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, các cấp ủy, chính quyền đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số. Với việc ban hành các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích, đặc biệt là cán bộ, công chức nữ đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Đến nay, chất lượng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số đã từng bước được nâng lên rõ rệt.

Tính đến nay, số lượng cán bộ công chức cấp xã người dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh là 408 người chủ yếu dân tộc Bru-Vân Kiều và PaCô, chiếm 16,2% trong số 2.514 cán bộ, công chức cấp xã trong toàn tỉnh. Từ năm 2018 đến nay đã tổ chức được 26 lớp cho hơn 1.625 lượt cán bộ công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số.

Về trình độ văn hóa: Tiểu học 01 người, chiếm 0,3%, trung học cơ sở 3 người chiếm 0,7%, trung học phổ thông 404 người chiếm 99%. Về trình độ chuyên môn: Đại học 313 người chiếm 76,7%, cao đẳng 04 người chiếm 01%, trung cấp 64 người chiếm 15,7%. Sơ cấp và chưa qua đào tạo 27 người chiếm 6,6%. Về lý luận chính trị:  Cao cấp, cử nhân 14 người chiếm 3,4%, trung cấp 353 người chiếm 86,5%; sơ cấp 24 người chiếm 5,9%, chưa qua đào tạo 17 người chiếm 4,2%.

Quản lý nhà nước: đã qua bồi dưỡng 370 người chiếm 90,7%, chưa qua bồi dưỡng 38 người chiếm 9,3%. Tin học: đã qua bồi dưỡng 383 người chiếm 93,9%, chưa qua bồi dưỡng 25 người chiếm 6,1%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số hiện nay vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế nhất định: Công tác hỗ trợ kinh phí đào tạo chưa được thực hiện. Một số đơn vị chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch cán bộ. Bên cạnh đó, một số cán bộ gặp khó khăn do vừa tham gia đào tạo nhưng lại vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Ngoài ra, do cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số đảm nhận nhiều vị trí việc làm khác nhau nên khó xây dựng một nội dung bồi dưỡng phù hợp cho tất cả các đối tượng. Một số cán bộ còn hạn chế trong tiếp thu kiến thức, thái độ tham gia học tập còn chưa tích cực, chậm đổi mới.

Từ những kết quả đã đạt được, đồng thời để khắc phục những hạn chế còn tồn tại nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh. Trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ cơ bản sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số. Cử cán bộ công chức tham gia các khóa đào tạo chuyên môn trình độ đại học, sau đại học gắn với công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm.

Thứ hai, cần có chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn để được cử đi đào tạo theo chính sách của tỉnh.

Thứ ba, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số nhằm hoàn thiện mục tiêu Nghị quyết đã đề ra nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc. Đồng thời trang bị cho cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xuân Ngọc

320 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 603
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 603
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77388301