Công tác dân tộc trước thời cơ vận hội mới 

(ĐCSVN) - Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song năm 2021, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn có những chuyển biến tích cực, tạo tiền đề để bước vào năm 2022 với những thời cơ mới, vận hội mới.

Những kết quả tích cực

Theo đồng chí Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; các Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019, Nghị quyết 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt Đề án Tổng thể và Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG) cùng các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

Nhờ chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đồng bào Vân Kiều ở bản Hà Lệt, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã được sống trong những căn nhà khang trang (Ảnh: Phương Liên)

Được sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác dân tộc đã thu được nhiều kết quả. Nổi bật là Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2019 phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025.

Quyết định 1719/QĐ-TTg là một quyết sách lớn, là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Kết luận số 65/KL-TW và các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 88 và Nghị quyết 120.

Chương trình được xây dựng trên cơ sở tích hợp các chính sách dành cho đồng bào DTTS nhiều năm qua cùng với những chính sách mới nhưng được thay đổi cơ bản về cách tiếp cận, đó là chuyển dần từ các chính sách mang tính chất hỗ trợ sang đầu tư phát triển.

Năm 2021, trong bối cảnh phải tập trung phòng chống dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên cả nước nói chung, vùng DTTS và miền núi nói riêng, nhưng các chính sách dân tộc đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, thể hiện qua việc bố trí sắp xếp, ổn định dân cư; cấp phát báo, tạp chí; xuất cấp gạo; hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới; đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng các DTTS rất ít người…

46 tỉnh vùng DTTS và miền núi đã hỗ trợ đất ở cho 9.523 hộ; 3.900 hộ được hỗ trợ đất sản xuất với diện tích 1.283ha; trên 21 nghìn hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề; gần 74 nghìn hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt; gần 25 nghìn hộ được vay vốn sản xuất kinh doanh…

Ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội cho rằng, kết quả thực hiện công tác dân tộc trong năm qua đã góp phần thực hiện mục tiêu “kép” ở vùng DTTS và miền núi, đó là vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của đồng bào, vừa thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Những kết quả đạt được trong công tác dân tộc năm 2021 đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước ta - đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận.

Tập trung triển khai chương trình mục tiêu trong năm 2022

Năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Dân tộc là tập trung, với quyết tâm chính trị cao nhất để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 nhằm đạt được mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, phấn đấu đạt được mục tiêu chung là đến năm 2025, nâng mức thu thập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020.

Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình chậm nhất trong quý I/2022.

Các địa phương khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng kế hoạch cụ thể và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình ngay trong quý I/2022, phấn đấu giải ngân hết số vốn theo kế hoạch được giao. Dự kiến năm 2022, sẽ giao khoảng 9.000 tỷ vốn đầu tư công cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện Chương trình này.

Từ đặc thù của một địa phương có tới 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, có tuyến biên giới trên bộ dài nhất với Campuchia, số hộ nghèo theo chuẩn mới còn cao… thì Chương trình MTQG sẽ là một giải pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS, bởi với tỷ lệ 58%, đây chính là “lõi nghèo” của địa phương - đồng chí Trần Tuyết Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước bày tỏ kỳ vọng.

Ngày 28/01/2022, trước thềm Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Nghị quyết số 10/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một trong những quan điểm của Chiến lược công tác dân tộc là: “kiên trì và nhất quán thực hiện các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng các DTTS, hướng tới mục tiêu vì một Việt Nam thịnh vượng”.

Rất mừng là ở vùng DTTS và miền núi, ý chí tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế - xã hội đang được người dân thi đua thực hiện.

Ông Lục Thanh Sấn, dân tộc Mông, xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho hay, kinh tế vườn hộ vẫn đóng vai trò chủ đạo góp phần bảo đảm đời sống của đồng bào.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, trong năm 2021, xã Niêm Sơn đã có 7 hộ gia đình (trong đó có 6 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo) thực hiện cải tạo gần 66 nghìn m2 vườn tạp để xây dựng chuồng trại chăn nuôi, trồng mới 890 cây ăn quả, 200 cây lâm nghiệp và các loại rau, bước đầu đáp ứng nhu cầu thực phẩm của gia đình, đồng thời xác lập được hướng phát triển kinh tế rõ ràng hơn.

Trên phạm vi toàn tỉnh Hà Giang, năm 2021, đã có 1.898 hộ cải tạo vườn tạp, với tổng diện tích gần 745 nghìn m2, vượt 531,11% kế hoạch năm và đạt 29,2% mục tiêu nghị quyết đến năm 2025.

Ông Quàng Văn Hó (trái) tuyên truyền, vận động nhân dân xung quanh cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả (Ảnh: Diệp Anh - TTXVN) 

Sở hữu 7 ha đất liền thổ, trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhau nhưng hiệu quả thấp khiến mình phải thay đổi cách nghĩ, cách làm mới là chia sẻ của ông Quàng Văn Hó, bản Tre, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Được cán bộ khuyến nông xã tư vấn và học hỏi một số nơi, ông Hó bắt tay vào cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng 3 loại cây chủ đạo là nhãn ghép giống mới, xoài Đài Loan, cam Vinh.

Chỉ sau 2 năm, cây nhãn ghép đã cho thu hoạch với sản lượng tăng gấp đôi, chất lượng được thị trường chấp nhận. Đều đặn những năm gần đây, gia đình ông Hó thu được 15 - 20 tấn quả nhãn ghép, bán được 200 - 300 triệu đồng/năm.

Tiếp đó 2.000 cây cam Vinh, 100 cây xoài Đài Loan, 100 cây bưởi da xanh lần lượt cho thu hoạch. Kết hợp với phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, cá… trong khu vườn nhà, nay gia đình thu nhập 350 - 400 triệu đồng/năm - ông Hó phấn khởi khoe.  

Không muốn chỉ một mình mình giàu lên trong khi mọi người trong bản vẫn nghèo, ông Hó kiên trì vận động, thuyết phục các gia đình xung quanh và hiện nay, trên 80% số hộ trong bản đã làm theo cách của nhà ông.

Kinh tế phát triển, những người dân trong bản cùng với ông Hó đã tự đầu tư làm đường ô tô tải, kéo điện lưới quốc gia đến các vườn, đồng thời thuê người trồng cỏ, bón phân, thu hoạch… tạo việc làm cho bà con trong vùng.

Vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện có 3.434 xã, thuộc 51 tỉnh/thành phố, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Và những thay đổi trong tư duy, cách làm của ông Quàng Văn Hó, của những hộ nghèo xã Niêm Sơn là minh chứng cho ý chí, khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đó là cơ sở để hy vọng chính sách dân tộc sẽ đi vào cuộc sống và được đồng bào đón nhận, phát huy. Khi vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, là yếu tố nền tảng để đảm bảo đại đoàn kết toàn dân tộc.

Công tác dân tộc năm 2022 đang đứng trước thời cơ mới, vận hội mới. Sự chủ động, tích cực vào cuộc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm mới của các cấp, các ngành, các địa phương cùng sự đổi mới nhận thức, cách làm của mỗi người dân vùng DTTS và miền núi là cơ sở để tin rằng công tác dân tộc sẽ có những thành tựu mới, đóng góp tích cực vào thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình./.

 
Phương Liên
574 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 672
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 672
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87237423