|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội sáng 21/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.
Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày khẳng định Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với kết quả đạt được.
Báo cáo nhấn mạnh mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi, năm 2019 là một năm đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra; là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (7 chỉ tiêu ước đạt và 5 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch).
Kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát đạt dưới 3% và bội chi ngân sách đạt 3,4% GDP. Chính sách tiền tệ được điều hành hiệu quả, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tỉ giá; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng mạnh. Chính sách tài khóa được thực hiện quyết liệt, thu NSNN, NSTƯ vượt dự toán, cân đối NSNN được bảo đảm, tỉ lệ bội chi NSNN và nợ công so với GDP giảm. Hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Việt Nam được quốc tế đánh giá là nước cải thiện tốt nhất về năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Cơ cấu lại nền kinh tế chuyển dịch tích cực, thực chất hơn, năng suất lao động tiếp tục được cải thiện; trong bối cảnh khó khăn, các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp đạt kết quả cao với trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt khá, lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp đạt kết quả cao, việc ổn định sản xuất chăn nuôi được thực hiện quyết liệt. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 52-53% số xã đạt chuẩn, hoàn thành trước hạn gần 2 năm. Đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế. Cán cân thương mại giữ được nhịp tăng trưởng cao, mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước được cải thiện, xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp.
Báo cáo cũng khẳng định, công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, năng động, quyết liệt, hiệu quả, chú trọng vào xử lý những vấn đề lớn, dài hạn; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ những rào cản cho phát triển, khích lệ đổi mới sáng tạo trong xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Các bộ, ngành có nhiều nỗ lực để rà soát, loại bỏ thủ tục, điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Những kết quả trên là rất đáng khích lệ, có sự đóng góp của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, trong đó trước hết là sự quyết liệt, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Để thấy rõ hơn những kết quả đạt được và tiếp tục duy trì những thành tựu nêu trên, bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề lớn.
Cụ thể, về tăng trưởng kinh tế, đề nghị phân tích rõ động lực, chất lượng của tăng trưởng để phát huy cho các năm sau; đánh giá thực trạng và tác động của khoa học, công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế.
Về sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực nhưng kết quả chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Ngành thủy sản gặp bất lợi khi Ủy ban châu Âu chưa xem xét việc gỡ “thẻ vàng”; cần làm rõ trách nhiệm của một số địa phương trong kiểm tra, giám sát tại cảng cá và hệ thống giám sát tàu cá.
Về khu vực dịch vụ, sự dịch chuyển nhanh chóng về loại hình, sản phẩm du lịch đặt ra yêu cầu cấp bách đối với các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần nâng cao hơn chất lượng và hiệu quả.
Về hoạt động thương mại, mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước có cải thiện nhưng nhập siêu của khu vực này còn lớn. Đề nghị đánh giá cụ thể hơn những yếu tố, mặt hàng có đóng góp tích cực vào xuất khẩu. Cần phân tích thêm về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa; công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Về lĩnh vực lao động, giáo dục, y tế, tình trạng thất nghiệp của thanh niên ở khu vực thành thị còn khá cao; số người hưởng trợ cấp thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp đối với lao động được đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng tăng. Đề nghị báo cáo về hiệu quả của các giải pháp về đào tạo nghề, nhất là đào tạo lao động tay nghề cao.
Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, với các chỉ tiêu, Báo cáo đề nghị làm rõ cơ sở của chỉ tiêu tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu để phù hợp mối tương quan giữa chỉ tiêu này với GDP trong hai năm 2019-2020; làm rõ cơ sở của chỉ tiêu Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% vì kết quả 4 năm gần đây đều xuất siêu. Cân nhắc tăng chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để phù hợp mục tiêu tổng quát phát triển nhân lực chất lượng cao. Đề nghị làm rõ về năng lực cung ứng điện hiện nay.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm thêm các nhóm giải pháp, nhiệm vụ như: Bảo đảm tiến độ xây dựng và chất lượng các dự án luật; tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật đã ban hành. Tăng cường kiểm tra, phát hiện các văn bản sai nội dung, trái thẩm quyền, mâu thuẫn, chồng chéo, việc chậm triển khai luật, pháp lệnh và xử lý sai phạm. Hướng dẫn và triển khai các chính sách về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Triển khai xây dựng, phê duyệt hệ thống quy hoạch giai đoạn tới. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống chỉ tiêu kinh tế-xã hội cho giai đoạn 2021-2025 để đánh giá đầy đủ, thực chất về tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Thực hiện quyết liệt việc cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất; minh bạch và xử lý nghiêm sai phạm trong thực thi công vụ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Rà soát, cơ cấu lại hợp lý một số khoản chi; kiên quyết điều chỉnh vốn của các dự án không triển khai được cho các dự án khác; hạn chế chuyển nguồn quá lớn cho năm sau. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; thúc đẩy, tạo thuận lợi triển khai các dự án điện và dự án giao thông quan trọng; hoàn thiện khung pháp lý về giá điện hạ thế; chống tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản. Điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để phấn đấu kiểm soát lạm phát năm 2020 theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của các DNNN. Tiếp tục tăng cường phối hợp giữa Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và bộ quản lý ngành; khẩn trương kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban. Đẩy nhanh cơ cấu lại DNNN; tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, quốc phòng, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền; chủ động phân tích dự báo tình hình, có chủ trương, đối sách phù hợp, nhất là vấn đề biên giới, chủ quyền biển đảo, an ninh nông thôn... Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh từ cơ sở, chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ các cấp và bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Tăng cường quản lý nhà nước về báo chí./.
Nguyễn Hoàng