CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN VĨNH LINH 

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội; là năng lực sáng tạo, trí tuệ, tài năng, đạo đức của con người; trụ cột phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc và nhân loại. Ngày nay, trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vai trò của văn hóa càng được khẳng định.

Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý của cộng đồng các dân tộc và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Vấn đề bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đặc biệt là di tích lịch sử – văn hóa là một mục tiêu vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội, song quan trọng và quyết định nhất vẫn là vai trò của Nhà nước.

Quảng Trị nói chung và Vĩnh Linh nói riêng là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa. Trải qua nhiều thời đại, con người trên mảnh đất này đã vượt qua mọi thử thách gian nan để làm nên những kỳ tích hào hùng trong đấu tranh, bảo vệ và xây dựng để lại nhiều di sản văn hóa truyền thống vô cùng quý báu mà ngày nay đang được nhân dân tôn trọng, nâng niu và gìn giữ. Trên mảnh đất Vĩnh Linh này chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, lịch sử hết sức to lớn, có những địa danh văn hoá, lịch sử đã đi vào tiềm thức nhân dân như: Cầu Hiền Lương-Sông Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc... Quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử trên địa bàn huyện Vĩnh Linh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, giáo dục thế hệ trẻ và khơi dậy lòng tự hào dân tộc.

Hiện tại trên địa bàn huyện Vĩnh Linh có 179 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng di tích các cấp, là huyện có số lượng di tích lớn nhất của tỉnh Quảng Trị. Trong đó: Di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt: 03 di tích với 15 di tích thành phần thuộc loại hình di tích lịch sử; Di tích xếp hạng quốc gia: 01 di tích thuộc loại hình di tích lịch sử; Di tích xếp hạng cấp tỉnh: 163 di tích (với 02 di tích kiến trúc nghệ thuật; 02 di tích khảo cổ; 02 di tích danh thắng và 157 di tích lịch sử ). Các di tích được phân thành 3 cấp quản lý như sau: Di tích do UBND tỉnh quản lý gồm: 02 di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt (Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải; Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh); 01 di tích cấp tỉnh (Bãi tắm Cửa Tùng).  Di tích do huyện quản lý gồm: 50 di tích: 07/15 di tích thành phần của 03 di tích Quốc gia đặc biệt; 01 di tích Quốc gia và 42 di tích cấp tỉnh (với 01 kiến trúc nghệ thuật, 01 di tích khảo cổ, 01 di tích danh thắng và 39 di tích lịch sử).

Di tích do xã, phường, thị trấn quản lý: là 126 di tích gồm: 06/15 di tích thành phần của 03 Quốc gia đặc biệt;  120 di tích cấp tỉnh (với: 01 kiến trúc nghệ thuật, 01 di tích khảo cổ và 118 di tích lịch sử).

Từ năm 1996, thực hiện dự án về “Quy hoạch, đầu tư, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử văn hóa Quảng Trị ” của Chính phủ và các dự án đầu tư tôn tạo di tích bằng các nguồn vốn của Nhà nước và nhiều nguồn khác, hoạt động tôn tạo di tích đã chuyển sang một bước ngoặt mới, làm cho bộ mặt di tích thực sự khởi sắc. Ðến nay, các di tích quốc gia đặc biệt ở huyện Vĩnh Linh như: Ðịa đạo Vịnh Mốc, Ðôi bờ Hiền Lương... đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng, khai thác và dần dần khẳng định được vị trí của mình trong hệ thống di tích quốc gia, trở thành các điểm tham quan du lịch kỳ thú và hấp dẫn của Quảng Trị.

Các di tích còn lại, huyện Vĩnh Linh đã huy động từ nguồn ngân sách huyện và nguồn xã hội hóa đầu tư nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa trọng điểm với kinh phí hàng chục tỷ đồng như: địa điểm cắm cờ Chợ Do (xã Vĩnh Tân), danh thắng Bãi tắm Cửa Tùng, Bến đò A (thị trấn Cửa Tùng), Miếu bà Vương phi họ Lê (xã Vĩnh Long), di tích lịch sự điểm bắn rơi B52 đầu tiên tại miền Bắc (xã Vĩnh Hà), cùng nhiều điểm di tích lịch sử khác… Những  năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý di tích, lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Tổ chức rà soát, kiện toàn Ban quản lý di tích lịch sử; ban hành nội quy, quy chế hoạt động. Các di tích lịch sử văn hóa được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng trộm cắp hiện vật, cháy nổ, an ninh trật tự tại di tích. UBND các xã, thị trấn, Ban quản lý các di tích luôn có báo cáo kịp thời tình hình, tình trạng hoạt động và các sự cố xuống cấp của các di tích về UBND huyện để có chỉ đạo kịp thời có biện pháp xử lý bảo vệ di tích trước khi có văn bản báo cáo lên cấp trên.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thực trạng cho thấy vẫn còn một số bất cập, hạn chế đáng kể trong quản lý nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn huyện Vĩnh Linh” để làm đề tài nghiên cứu thực tế với mong muốn tìm ra những giải pháp để giúp cho việc quản lý nhà nước hiệu quả hơn; có thể khai thác được giá trị của các di tích, khơi dậy tiềm năng trong việc phát triển kinh tế - xã hội; góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử trên địa bàn. Hệ thống di tích của huyện có số lượng lớn, nhiều di tích xuống cấp, nhiều di tích đã xếp hạng bị xuống cấp nhưng chưa có kinh phí tu bổ, sửa chữa; cá biệt, có di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ. Trong những năm gần đây được tỉnh, huyện, xã quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí và huy động tốt nguồn xã hội hóa kinh phí cho công tác trùng tu, tu bổ di tích nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Việc khoanh vùng bảo vệ di tích khi lập hồ sơ xếp hạng trước Luật Di sản văn hóa năm 2001 còn có những bất cập, số lượng di tích chưa có hồ sơ khoa học và pháp lý còn rất lớn; vì vậy, vấn đề đất di tích bị xâm phạm vẫn đang thường xuyên diễn ra. Nhiều công trình trùng tu, tu bổ còn xảy ra tình trạng kéo dài quá thời gian quy định. Cá biệt có công trình đơn vị thi công chưa thực hiện đúng thiết kế đã được duyệt. Công tác lập hồ sơ khoa học và pháp lý cho hệ thống di tích vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các di tích cách mạng. Do hệ thống di tích trên di tích lịch sử cách mạng, trải qua thời gian các di tích đã bị xuống cấp thậm chí nhiều di tích đến nay không tìm thấy dấu tích, không xác định được vị trí tọa lạc hoặc địa điểm tọa lạc nằm trong sổ đỏ đất cấp cho dân, các nhân chứng tuổi cao sức yếu, nhiều người đã qua đời…Hoạt động quản lý và phát huy giá trị tại các di tích chưa hiệu quả cao, chưa gắn với phát triển du lịch. Vẫn còn việc nhận hiện vật, việc tự sửa chữa các hạng mục không theo quy định, không đảm bảo chất lượng.

Vì vậy, trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn huyện, cần phải nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong công tác quản lý chỉ đạo, kiểm tra, đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa. Nhất là công tác phối hợp  với các cơ quan chuyên môn xây dựng hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý cho hệ thống di tích trên địa bàn, công tác kêu gọi đầu tư, công tác giám sát trong hoạt động tôn tạo, tu bổ. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Huy động tối đa các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Tăng cường các hình thức bảo vệ, chống vi phạm di tích, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra hiện tượng vi phạm về trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai, cảnh quan môi trường ở di tích. Xây dựng đội ngũ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có tâm huyết, có trình độ, năng lực chuyên môn. Đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về di sản văn hóa cho đội ngũ làm công tác văn hóa thông tin nhất là ở cơ sở; đội ngũ quản lý bảo vệ và tổ chức hoạt động tại các di tích. Đào tạo đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, nhất là các điểm di tích có khả năng khai thác phục vụ du lịch.

Tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của toàn dân trong công tác tôn tạo di tích, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, vận động sức dân là chính”. Xây dựng các đề án xã hội hóa trong công tác bảo tồn tôn tạo di tích gắn với khai thác phát triển du lịch – nhất là các di tích quốc gia đặc biệt có lợi thế; Mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng liên kết hợp tác, hình thành các điạ chỉ du lịch hấp dẫn gắn với di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tạo lập sự hài hòa giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới với bảo vệ di sản văn hóa và phong trào xây dựng di sản văn hóa cơ sở. Hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch các di tích quốc gia đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đầu tư, xã hội hóa trong công tác khai thác và phát huy giá trị di tích. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản di tích phải đảm bảo tính trung thực, tính đặc trưng  là giá trị gốc của di tích. Thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích trên cơ sở đảm bảo tính nguyên vẹn, tôn trọng yếu tố gốc, sự bền vững, sự hài hòa của di tích với cảnh quan lịch sử - văn hóa của khu vực.

Tập trung nâng cao chất lượng các tour du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa quan trọng trên địa bàn tỉnh. Kết nối các điểm di tích, điểm tham quan trong và ngoài tỉnh để xây dựng các tour, tuyến du lịch mới trên cơ sở phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch biển đảo…kết hợp di tích với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Quảng Trị với phát triển kinh tế du lịch. Cuộc sống luôn vận động, phát triển với những tiêu chí văn hóa mới và nhu cầu mới. Tính không lặp lại của di sản lịch sử - văn hóa đòi hỏi phải có nhận thức đúng, có chính sách bảo vệ một cách bền vững, lâu dài. Trách nhiệm với di tích lịch sử là tổng hòa trách nhiệm chung của toàn xã hội, của mỗi địa phương, không phải của riêng cơ quan quản lý, càng không phải của riêng người dân. Nguyễn Quốc Thanh

 

 

 

 

 

 

 

5850 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 862
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 862
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87011887