Công nghiệp thực phẩm: Liên kết để ‘cất cánh’ 

(Chinhphu.vn) – Trước nhiều hạn chế còn tồn tại trong ngành công nghiệp thực phẩm (CNTP) Việt Nam, lời khuyên của các chuyên gia Nhật Bản là phải xây dựng được chuỗi giá trị thực phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm qua từng khâu sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu thụ.

 

Ông Kitagawa Hironobu, Trường đại diện JETRO Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thu Hương

Mới đây, tại Hà Nội, Văn phòng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (Jetro Hà Nội) đã tổ chức “Hội nghị phát triển công nghiệp thực phẩm Việt Nam”.

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Tại Hội nghị, ông Bùi Trường Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2012-2016 chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân của ngành CNTP đạt 106,9%, chỉ số tiêu thụ bình quân của ngành đạt 109,7%.

Trong đó đáng chú ý là ngành sữa duy trì được đà tăng trưởng cao hai con số trong hơn 1 thập kỷ qua. Giai đoạn 2011-2016, sữa tươi tăng trung bình 16%/năm, sản lượng bia tăng trưởng trung bình 7%/năm; sản lượng nước giải khát tăng trưởng trung bình 11%/năm.

Nhiều DN trong ngành đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; chủ động đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, giảm nhập khẩu…

Vinamilk xây dựng hệ thống 10 trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn hiện đại khắp Việt Nam với tổng đàn bò sữa lên đến 22.000 con. Tập đoàn TH True Milk đầu tư 1,2 tỷ USD cho dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung với quy mô công nghiệp.

“Hiện nay ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển”, ông Thắng cho biết.

Với dân số khoảng gần 95 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trong 10 năm đạt khoảng 6,5%/năm, Việt Nam được đánh giá là một thị trường lớn và đầy tiềm năng đối với các loại sản phẩm, thực phẩm chế biến.

Bên cạnh đó, sản xuất, chế biến thực phẩm hiện nay được đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là một số ngành như sữa, nước giải khát, bánh kẹo, dầu ăn. Nhu cầu tiêu thụ quy ra sữa tươi được dự báo tăng và đạt mức 27-28 lít/người/năm vào năm 2020. Mức tiêu thụ bánh kẹo được dự báo tăng 10% trong những năm tới.

Quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế cũng mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển ngành và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội phát triển, ngành chế biến thực phẩm cũng đối mặt với những thách thức rất lớn bởi đây là ngành có tính cạnh tranh cao và ngày càng gay gắt. Việc tham gia vào các hiệp định song phương và đa phương với các chính sách giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của các sản phẩm trong nước.

Nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước còn thiếu và không ổn định, nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỉ trọng lớn. Có đến 60% nguyên liệu ngành sữa, 70% nguyên liệu sản xuất bia, 75% nguyên liệu sản xuất dầu thực vật phải nhập khẩu. Các DN nội không chủ động được số lượng, chất lượng, giá nguyên vật liệu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN.

Theo ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á (Bộ Công Thương), ngay cả thị trường nội địa, ngành công nghiệp chế biến Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng thể hiện rõ ở sự “xâm chiếm” thị trường của các sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc.

Bên cạnh đó, sự kết nối giữa các DN trong ngành và giữa các DN nội với các đối tác quốc tế còn rất hạn chế, phổ biến tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Ngoài ra, đầu tư cho nghiên cứu phát triển chế biến thực phẩm tại Việt Nam hiện nay chưa được chú trọng cả về mặt nguồn vốn và công nghệ. “Đây là những hạn chế kéo ngành CNTP Việt Nam không thể cất cánh”, ông Hải nhận định.

Tạo chuỗi giá trị phát triển CNTP

Ông Kitagawa Hironobu, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội nhận định, Việt Nam có đến hơn nửa số lao động là nông dân. Vì vậy, việc nâng cao thu nhập của nông dân sẽ trực tiếp dẫn đến nâng cao mức sống chung của toàn xã hội.

“Tuy nhiên, để làm được điều đó thì cần nâng cao giá trị gia tăng nhờ công nghệ chế biến và sản xuất ra các sản phẩm có tính cạnh tranh xuất khẩu. Ngoài ra, công nghệ chế biến sẽ góp phần giảm tỉ lệ rác thực phẩm”, ông Kitagawa nhấn mạnh.

Còn theo ông Saka Harumi, Bộ Nông, lâm, thủy sản Nhật Bản, việc xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối tới tiêu thụ trong thời gian tới là rất quan trọng đối với phát triển nông nghiệp cũng như nâng cao chất lượng ngành CNTP Việt. Qua đó, tạo giá trị gia tăng lớn hơn trên toàn bộ chuỗi giá trị gia tăng của thực phẩm và mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất, cơ sở chế biến, nhà phân phối, người tiêu dùng.

Ông Saka Harumi cũng cho biết, do nông nghiệp phát triển đa dạng theo vùng miền, vì vậy cần có các biện pháp tương ứng với từng nội dung trọng tâm mỗi vùng, không chỉ giới hạn về mặt kỹ thuật ngành nông nghiệp mà còn cần sự hỗ trợ của toàn bộ cơ chế kinh tế-xã hội với các vấn đề mang tính liên ngành. Đặc biệt, phải tạo được sự liên kết đầu tư của khối tư nhân trong hợp tác phát triển kinh tế.

Cũng tại Hội nghị, ông Saka Harumi chia sẻ về hợp tác, liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản. Hiện hai nước đã tổ chức 3 lần đối thoại kể từ năm 2014 đến nay. Các buổi đối thoại này nhằm mục đích xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp thông qua hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân tại Việt Nam. Số lượng các doanh nghiệp tham gia đối thoại ngày càng tăng lên cũng là dấu hiệu đáng mừng.

Dự định hằng năm hai nước sẽ tiếp tục tổ chức các đối thoại hợp tác nông nghiệp và coi đó là một trong những hoạt động thực hiện tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác phát triển nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản.

Thu Hương

464 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1056
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1056
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87218595