Đối với tỉnh Quảng Trị, sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, công nghiệp năng lượng trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực, nhất là lĩnh vực điện đã đáp ứng nguồn cung năng lượng điện cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và hòa lưới điện quốc gia. Đến nay, 100% thôn, bản, làng trên toàn tỉnh đã có điện, với 99,8% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, cao hơn mặt bằng chung của cả nước.
Nếu tính từ năm 2007 trở về trước, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có Nhà máy Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị với công suất 64MW được đầu tư từ ngân sách nhà nước thì đến cuối năm 2020, đã có 15 dự án điện với các loại hình thủy điện, điện gió, điện mặt trời đi vào hoạt động với tổng công suất 377MW, trong đó, thủy điện là 167,5MW[1]; điện gió 60 MW[2], điện mặt trời 149,5MW[3]. Hiện có thêm 35 dự án điện đang triển khai đầu tư, với tổng công suất 1.200,2MW[4]; nhiều dự án năng lượng khác đã trình bổ sung quy hoạch và đang nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ trình bổ sung quy hoạch[5]; bên cạnh đó, điện mặt trời mái nhà cũng đang có xu hướng phát triển trên địa bàn tỉnh[6].
Để đáp ứng cho việc truyền tải, mạng lưới truyền tải cũng được đầu tư, duy tu, bảo dưỡng. Hiện tại, lưới điện truyền tải Quốc gia đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị có đường dây 500kV (mạch kép) và đường dây 220kV (mạch kép), chiều dài các tuyến khoảng 79km; có hai dự án đang được đầu tư xây dựng là tuyến mạch 3 đường dây 500kV và dự án trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo, dài khoảng 54km (dự án này hoàn thành sẽ giải tỏa khoảng 1.200 MW công suất các dự án thủy điện và điện gió khu vực phía Tây tỉnh).
Lĩnh vực dầu khí cũng có nhiều tiềm năng. Quảng Trị có 03 dự án đã được đưa vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035[7]. Kinh doanh xăng dầu tiếp tục được phát triển[8] với 03 tổng kho tại cảng Cửa Việt có quy mô công suất 430.000m3. Hiện có 01 dự án đã đi vào hoạt động với công suất chứa 50.000m3; 01 dự án 30.000m3 đang triển khai giai đoạn 1 công suất 12.000m3 và 01 dự án 200.000m3 đã khởi công xây dựng. Các dự án này đang mở ra việc hình thành một trung tâm kho vận xăng dầu tại Quảng Trị để cung ứng cho thị trường trong và người nước.
Với tiềm năng phát triển công nghiệp năng lượng đang dần được hiện thực hóa, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định, công nghiệp năng lượng là một lĩnh vực đột phá phát triển, phấn đấu giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp - xây dựng bình quân hàng năm tăng từ 11 - 12% và đưa Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030.
Để thực hiện được mục tiêu này, trong thời gian tới, trước hết, cần ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án công nghiệp năng lượng trọng điểm, có quy mô lớn như dự án Nhiệt điện than BOT 1, dự án nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp Quảng Trị 340MW, các dự án khí hóa lỏng LNG và các dự án điện gió, thủy điện, điện mặt trời... đang được triển khai đầu tư xây dựng.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về vấn đề giải phóng mặt bằng, hỗ trợ hoàn thành nhanh các hồ sơ, thủ tục theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, nhất là đối với các dự án điện, khí, xăng dầu đã được đưa vào quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đặc biệt là tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lượn, có năng lực và uy tín, để tạo nên thương hiệu phát triển của tỉnh.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng suất lao động và bảo vệ môi trường. Tiến hành rà soát lại quy hoạch để có kế hoạch phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời thích hợp, dành lại quỹ đất cho phát triển sản xuất nông nghiệp và du lịch. Đồng thời, tiến hành đánh giá tổng quan vấn đề tác động môi trường của các dự án năng lượng điện để đảm bảo mục tiêu kép vừa phát triển nhưng vẫn phải đảm bảo môi trường sinh thái, bảo vệ đời sống của người dân.
Song song với việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư về năng lượng, cần tập trung thúc đẩy hạ tầng truyền tải. Có giải pháp để thúc đẩy phát triển đường dây truyền tải, đáp ứng công suất phát triển trên địa bàn tỉnh. Trước mắt đẩy nhanh tiến độ thi công đường dây và trạm biến áp 220KV Đông Hà - Lao Bảo để hoàn thành theo kế hoạch, giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng phía Tây của tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu và đề xuất Trung ương triển khai một số dự án truyền tải điện khác như dự án đường dây điện 500KV từ Lào về Việt Nam qua địa bàn tỉnh Quảng Trị; dự án TBA 500KV Quảng Trị, dự án đường dây đấu nối Quảng Trị rẽ Vũng Áng - Đà Nẵng và dự án TBA 110 KV Mỹ Thủy... đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Cuối cùng, cần xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển công nghiệp năng lượng phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và định hướng phát triển trong thời gian tới.
Với tiềm năng, lợi thế đã có, cùng với quyết tâm chính trị cao, tin tưởng rằng mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII “đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung vào năm 2030” sớm thành hiện thực./.
(Thanh Lan - VPTU)
[1] 10 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động, gồm: Thủy lợi – Thủy điện Quảng Trị, công suất 64MW; Đakrông 1, công suất 12 MW; Đakrông 2, công suất 18 MW; Đakrông 3, công suất 8 MW; Hạ Rào Quán, công suất 6,4MW; La La, công suất 3 MW; Khe Giông, công suất 4,5MW; Khe Nghi, công suất 8MW; Đakrông 4, công suất 28MW; La Tó, công suất 15,6MW.
[2] 02 dự án điện gió đã đi vào hoạt động: Hướng Linh 1 công suất 30MW, Hướng Linh 2 công suất 30MW
[3] 03 dự án điện mặt trời Dự án LIG công suất 49,5MWp; Gio Thành 1 công suất 50MWp và Gio Thành 2 công suất 50MWp.
[4] Trong đó, có 29 dự án điện gió, tổng công suất 1.117,2 MW; 06 dự án thủy điện, tổng công suất 83MW
[5] Gồm 69 dự án đã trình bổ sung quy hoạch (trong đó, có 51 dự án điện gió, tổng công suất 2.683,65MW; 18 dự án điện mặt trời, tổng công suất 1.341MWp); 12 dự án đang nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ bổ sung quy hoạch (trong đó, có 08 dự án điện gió, tổng công suất 1.670MW; 03 dự án điện mặt trời, tổng công suất 165MWp; 01 dự án thủy điện, công suất 10MW).
[6] Đến tháng 11/2020, Công ty Điện lực Quảng Trị tiếp nhận 372 hồ sơ đề nghị thoả thuận đấu nối công trình điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) với tổng công suất là 115,51MWp, đã hoàn thành đấu nối hoà lưới 221 khách hàng với tổng công suất 2,76MWp.
[7] Theo Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 16/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Hệ thống đường ống dẫn khí mỏ Báo Vàng về Quảng Trị (thời điểm bắt đầu vận hành 2023 – 2025); Hệ thống đường ống thu gom các mỏ từ Lô 105-110 và Lô 111-113 kết nối với đường ống Báo Vàng-Quảng Trị (thời điểm bắt đầu vận hành sau 2033); Nhà máy xử lý khí tại Quảng Trị (thời điểm bắt đầu vận hành 2033).
[8] Theo quyết định số 1139/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”.