|
Ảnh minh họa (Nguồn: baodautư) |
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tính chung năm 2021 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng điện thoại di động năm 2021 đạt 233,7 triệu chiếc, tăng 7,6%; sản lượng ti vi đạt 11165,7 nghìn chiếc, giảm 38,6%; sản lượng linh kiện điện thoại ước đạt 480,8 nghìn tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt trị giá 51 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng đối với xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020; trong đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang thị trường Trung Quốc đạt 15,18 tỷ USD, tăng 23%; sang thị trường Mỹ đạt trị giá 9,69 tỷ USD, tăng 10,3%; sang EU (27 nước) đạt 7,89 tỷ USD, giảm 9,1% so với năm trước.
Bộ Công Thương nhìn nhận, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành điện tử nhìn chung duy trì được tốc độ ổn định và tăng trưởng khá trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử tiêu dùng như ti vi, máy giặt, điều hòa, tủ lạnh, điện thoại di động.
Tuy nhiên, một thực tế không quá khó để nhận ra, mặc dù Việt Nam nằm trong số các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN, nhưng có đến khoảng 95% giá trị thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các tập đoàn đa quốc gia đóng vai trò chủ đạo, trong đó đặc biệt là các tập đoàn của Hàn Quốc, Nhật Bản… ở các lĩnh vực sản phẩm cuối cùng và sản xuất linh kiện điện tử.
Hiện, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử thấp. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng gần 50 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong khi khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước còn rất hạn chế.
Để chủ động phát triển nhanh, bền vững cho ngành công nghiệp điện tử, Cục Công nghiệp cho rằng, cần rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa điện tử có xuất xứ Việt Nam, nhằm tạo điều kiện để các thương hiệu điện tử trong nước tạo được niềm tin với người tiêu dùng, hướng tới các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần tập trung thúc đẩy phát triển thị trường ngoài nước, tận dụng tốt cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do mang lại, thực hiện hiệu quả phòng vệ thương mại và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới./.
A.N