|
Phiên đối thoại với chủ đề "Sản xuất trên thế giới" tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017, chiều 9/11. |
Ngày 9/11, tại Đà Nẵng, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 bước vào ngày làm việc thứ hai.
Phiên họp đầu tiên của Hội nghị diễn ra ngày 8/11 thảo luận về việc làm thế nào để các ngành công nghiệp có thể thích ứng với bối cảnh công nghệ và tự động hóa đang phát triển nhanh.
Chủ tịch doanh nghiệp CreditEase, ông Ning Tang tin rằng thế hệ lao động tiếp theo sẽ được tiếp nhận công nghệ mới. Con người sẽ trở nên thông minh hơn, có khả năng sử dụng những công nghệ đó để hoàn thành công việc tốt hơn.
Trong nền kinh tế toàn cầu, sự phát triển của công nghệ không chỉ hỗ trợ người lao động lành nghề mà còn cả lực lượng lao động phổ thông. Đặc biệt, công nghệ phát triển chính là một trong những giải pháp để bảo đảm toàn cầu hoá bao trùm, giúp tất cả mọi người, từ các tập đoàn lớn tới công ty nhỏ và người dân ở vùng sâu, vùng xa có thể thụ hưởng lợi ích của phát triển kinh tế toàn cầu.
Phiên thảo luận thứ hai xoay quanh các giải pháp tạo sức sống cho nền kinh tế thông qua việc kết nối toàn cầu, khu vực và trong nước ở lĩnh vực thương mại và kinh doanh.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế, ông Jin Liqun, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cho rằng, trong thời gian tới, cơ sở hạ tầng của khu vực APEC chưa thể theo kịp xu hướng thời đại và cần được đầu tư nhiều hơn. Ông Jin Liqun nhấn mạnh, mục tiêu sắp tới của khu vực là xây dựng các đô thị trở thành trung tâm thương mại để kết nối người dân nhưng trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, cần có biện pháp bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại phiên thảo luận, các diễn giả cũng bàn về việc đưa hàng hóa tới người tiêu dùng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ông Scott Price, Phó Giám đốc toàn cầu Tập đoàn Walmart (Hoa Kỳ) nêu ví dụ về việc Walmart đang xây dựng các chương trình bán hàng trực tuyến, các mạng lưới siêu thị ở nông thôn và vùng sâu vùng xa. Theo ông, truyền thông có vai trò ngày càng quan trọng đối với việc thúc đẩy nền kinh tế trong kỷ nguyên số. Truyền thông hiệu quả sẽ giúp mang thông tin sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách tốt nhất.
Về vấn đề môi trường, các diễn giả nhất trí việc tiêu thụ năng lượng hiện nay chưa bền vững, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do đó, APEC cần nỗ lực hơn trong lĩnh vực này, từ việc tái tạo, xử lý chất thải tới sử dụng tiết kiệm nhiên liệu trong sản xuất và tiêu dùng.
Hướng tới tự do hóa thương mại
Tại phiên thảo luận về tương lai của tự do hóa thương mại, Tổng thống Peru, ông Pedro Pablo Kuczynski, lo ngại về tương lai của thương mại. Chứng kiến những xu hướng trên thế giới trong hai năm vừa qua, như Brexit hay việc một số nước rút khỏi các hiệp định thương mại, Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski cho rằng thương mại quốc tế đang trải qua thời kỳ khủng hoảng. Ông khẳng định một trong những lý do dẫn tới những xu hướng này là sự thay đổi, đặc biệt là sự già hóa của dân số châu Âu và Hoa Kỳ.
Thảo luận và bàn bạc sôi nổi về kỷ nguyên số, ông Jay Collins, Phó Chủ tịch Toàn cầu Ngân hàng Doanh nghiệp và Đầu tư, Tập đoàn CitiGroup nói: “Chúng ta đang sống trong thế giới có rất nhiều công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, robot, công nghệ và các thiết bị điện tử mới, mang lại nhiều cơ hội và cách nhìn khác nhau”.
Hầu hết các cuộc thảo luận tại Hội nghị lần này đã đề cập tới lợi ích lớn của kỷ nguyên số. Các diễn giả bày tỏ quan ngại về những mối đe dọa như tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng và các hình thức tội phạm công nghệ cao trong thời kỳ này.
Ngày làm việc thứ hai của Hội nghị kết thúc bằng cuộc thảo luận về “Sản xuất trên thế giới”.
Hôm nay (10/11), Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các nền kinh tế APEC như Nhật Bản, New Zealand, Australia, Malaysia, Hoa Kỳ và Trung Quốc.
(theo TTXVN)