Thảo luận tại Hội trường, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đánh giá việc bỏ khung giá đất và trao quyền quyết định bảng giá và mức giá cụ thể hàng năm cho chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, cần có những nguyên tắc, cơ sở để định giá phù hợp, bảo đảm khách quan, minh bạch.
Về bảng giá đất, khoản 1 Điều 164 dự thảo Luật quy định: "bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm, được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 của năm. Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, được thuê tổ chức có chức năng tư vấn, xác định giá đất để xây dựng bảng giá đất".
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) cho rằng, quy định như dự thảo có thể hiểu Sở Tài nguyên và Môi trường tự xây dựng hoặc đi thuê đơn vị có chức năng xây dựng bảng giá đất và sản phẩm là bảng giá đất vẫn là của Sở Tài nguyên và Môi trường. Trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương trong thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất.
Đại biểu nhấn mạnh, tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể được sát đúng. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng cần có tổ chức độc lập và chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hàng năm.
|
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh). Ảnh: QH |
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) nhận định, việc dự thảo luật đã bỏ khung giá đất của Chính phủ là nội dung sửa đổi quan trọng, phù hợp với thực tiễn hiện nay đang diễn ra. Tuy nhiên làm sao để giá đất sát với giá thị trường theo đại biểu lại là một bài toán rất khó.
Đại biểu dẫn chứng: Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, thị trường bất động sản, trong đó thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất phát triển chưa thật sự ổn định, thiếu minh bạch và chưa bền vững. Hiện nay, trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất luôn tồn tại 2 giá khác nhau, giá trong hợp đồng thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước. Cử tri cho rằng, một trong những nguyên nhân là do thuế chuyển quyền sử dụng đất hiện quá cao, trong khi bảng giá đất do Nhà nước ban hành quá thấp so với giá thị trường nên tình trạng này tồn tại lâu nay chưa giải quyết được. Do đó, đại biểu cho rằng làm thế nào để xác định giá đất sát với giá thị trường là điều mà luật phải tính toán kỹ và cần quy định chặt chẽ công tác công khai thông tin, tuyên truyền về giá để hạn chế tình trạng sốt đất ảo, giúp cân bằng, ổn định về giá thị trường, có chế tài xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá về đất gây nhiễu loạn thị trường đất đai.
Đồng quan điểm, đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) nêu quan điểm, cần phải quy định, thể chế thật kỹ về tiêu chí, các điều kiện, các căn cứ về cứ pháp lý, căn cứ vào thực tiễn, những cơ sở để tham khảo, hội đồng định giá như thế nào, các thành phần như thế nào để đảm bảo định giá sát với giá thị trường. Hiện nay chúng ta bỏ đi khung giá đất và định giá hằng năm, mà đã nói giá thị trường thì sẽ có lúc lên và lúc xuống, đó là nguyên tắc thị trường. Nhưng thường bấy lâu nay chúng ta định giá đất cụ thể thường thường năm sau cao hơn năm trước.
Theo đại biểu, nếu năm sau định giá cao hơn năm trước thì không thể sát với giá thị trường, vì giá thị trường có thể năm này cao, có thể sang năm thấp và năm sau lại cao lên. Ở đây, đại biểu đề nghị phải xác định rất cụ thể trong dự án luật lần này và giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Bởi vì thực tiễn đã chứng minh một điều, tâm lý của người dân khi Nhà nước thu hồi đất, áp giá đền bù thì luôn luôn mong muốn được áp giá cao, nhưng khi nộp tiền sử dụng đất thì luôn luôn mong muốn nộp tiền với giá thấp, đó là tâm lý chung, chúng ta phải định giá thế nào để hài hòa vấn đề này. Vì vậy, đề nghị cần phải đánh giá thật kỹ để tránh đi những khiếu kiện, khiếu nại rất phức tạp…/.