Công khai minh bạch, chìa khoá thành công cổ phần hoá 

(Chinhphu.vn) – Quan trọng nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, đổi mới mới tư duy, công khai minh bạch và nhà đầu tư nước trong và ngoài nước nhìn vào tiềm năng thì mới đầu tư chứ không phải vì đất đai. Do đó, việc xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ tính minh bạch sẽ là một yêu cầu quan trọng trong công tác cổ phần hoá.

 

Đây là ý kiến của đại diện các chuyên gia nhà quản lý tại cuộc tọa đàm với chủ đề: “Nâng hiệu quả DNNN: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vừa qua.

 

Vẫn có sự chần chừ vì chưa nghiêm khắc

 

Tuy chiếm chưa đến 1% tổng số lượng doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lại đang nắm giữ những lĩnh vực kinh tế then chốt của đất nước và đóng góp lớn nhất vào GDP với tỷ trọng gần 30%, giải quyết nhiều việc làm. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các DNNN hiện vẫn chưa tương xứng với nguồn lực khổng lồ đang nắm giữ.

 

 

Các chuyên gia, nhà quản lý tại buổi Toạ đàm.Ảnh:VGP/Nhật Bắc.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước đã tồn tại quá lâu trong thể chế được ưu tiên, ưu đãi, bao cấp nên tư duy và thói quen vẫn chưa thay đổi được triệt để. Trong đó, môi trường đầu tư kinh doanh có phần chưa thật sự bình đẳng, DNNN vẫn được ưu tiên, ưu đãi về số mặt như đất đai, vốn…

 

Thậm chí có ý kiến nhận định doanh nghiệp nhà nước là “sân sau” của các bộ chủ chủ quản hay các ngành chủ quản. Các bộ ngành đó dựa vào doanh nghiệp nhà nước để được lợi ích nhóm, do đó cải cách doanh nghiệp nhà nước còn nhiều lực cản.

 

Có cùng quan điểm, ông Phùng Văn Hùng cho rằng, những năm qua DNNN dựa quá nhiều vào các ưu đãi như nguồn vốn, đất đai. Nhiều khi không được quan tâm nhiều tới đầu tư sản xuất, quản lý hiệu quả để đẩy sản xuất phát triển.

 

Nhận định về nguyên nhân cổ phần hoá chậm, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng: chủ trương cổ phần hoá, thoái vốn DNNN là chủ trương lớn Đảng, Nhà nước, được chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều năm. Những năm qua, chất lượng cổ phần hoá đã nâng lên rất nhiều với các thương vụ lớn, minh bạch, gia tăng lợi ích của nhà nước nhưng tiến độ vẫn chậm so với kế hoạch của Chính phủ.

 

Ngược lại cũng tâm lý các lãnh đạo doanh nghiệp khi cổ phần hoá là từ bỏ quyền hạn của mình với các DN vẫn sự “luyến tiếc” còn cơ quan quản lý chưa nghiêm khắc.

 

“Ta đã quyết liệt đấy nhưng đã phê bình, kiểm điểm, khiển trách ai trong lĩnh vực này chưa? Ta phải kiểm điểm cái này”, ông Phùng Văn Hùng nói.

 

Đại diện Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng kỳ vọng vào việc đẩy nhanh tiến trình xây dựng Nghị định của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước đi vào hoạt động, để có đầu mối sớm hoàn thiện cơ chế để tiến hành cổ phần hoá tốt hơn là để các bộ tự thực hiện.

 

 

 

Phân tích thêm về trở lại từ chính tâm lý người đứng đầu các DNNN, hay cơ quan chủ quản, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính thẳng thắn cho rằng, đúng là trước đây có sự nhập nhằng giữa các ngành nghề kinh doanh chính, có các DNNN có vị thế đất đai ở vị trí tốt nhưng gần như không làm được gì thêm để gia tăng giá trị tài sản.

 

 

 

Do vậy, Chính phủ đã đi trước một bước, thể hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo là bằng việc quy định các DNNN trước khi cổ phần hoá phải sắp xếp lại tài sản đất đai. Nếu doanh nghiệp không dùng hết đất thì chuyển giao lại đất cho địa phương để địa phương sử dụng. Đây là giải pháp đổi mới sát với thực tiễn, quy định ở Nghị định số 126 về sắp xếp đất đai và Nghị định số 32 của Chính phủ về thoái vốn. DNNN sắp xếp xong đất đai đi thì hãy cổ phần hoá, thoái vốn theo đúng lộ trình đặt ra.

 

“Trước đây là có DN làm ào ào có bao nhiêu tài sản thì đưa luôn vào báo cáo để bán để tạo ra lợi thế giả tạo. DN cơ khí mà lấy đất đai của mình tạo ra giá trị gia tăng là không phải”, ông Đặng Quyết Tiến thẳng thắn chia sẻ.

 

Tuy vậy, khi Chính phủ đưa ra thông điệp tăng cường đấu giá công khai minh bạch thì chính các DN lại “ngần ngừ” vì khi làm thế mà bỏ đất ra thì có khi hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, nên các lãnh đạo DN cũng chần chừ, cũng lo lắng.

 

Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, nếu quyết liệt thì vẫn được. TP. Hà Nội làm được vì đã quyết tâm, sắp xếp hàng nghìn mảnh đất lớn nhỏ trước khi cổ phần hoá Hapro và thu hồi được nhiều diện tích đất không sử dụng sau khi cổ phần hoá để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế khác vào đây.

 

“Nên ở đây quan trọng nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, đổi mới mới tư duy, công khai minh bạch và nhà đầu tư nước ngoài họ nhìn vào tiềm năng thì mới đầu tư vì tiềm năng chứ không phải vì đất. Thứ hai quy định như vậy làm cho minh bạch được đường hướng của DN trong thời gian tới” – ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.

 

Xử lý quyết liệt, không còn chỗ cho doanh nghiệp “mù mờ” thông tin

 

Việc tuân thủ các báo cáo thông tin của các DNNN và chủ sở hữu DNNN (theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP), đáp ứng các yêu cầu minh bạch hoạt động của DNNN đã cổ phần hoá thông qua niêm yết trên thị trường chứng khoán là giải pháp quan trọng của Chính phủ để bắt buộc các DN phải hoạt động thực chất, nhưng nhiều DN cổ phần hoá xong lại không niêm yết.

 

Ông Phùng Văn Hùng - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, khi đã niêm yết thì tính công khai minh bạch được nhấn mạnh, “sức khoẻ” của doanh nghiệp sẽ bộc lộ trên thị trường chứng khoán, được đo đếm công khai giám sát bởi các cơ quan nhà nước, bởi các tổ chức kinh tế, người dân theo dõi trên thị trường chứng khoán để có thể đầu tư hoặc không đầu tư vào DN đó.

 

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp-Bộ Tài chính, vừa qua Bộ Tài chính cũng rà soát lại, tính tới thời điểm ban hành Nghị định số 126 thì có hơn 700 DNNN sau cổ phần hoá chưa niêm yết. Phân loại ra thì có gần 300 DN đã đăng ký công ty đại chúng, trong đó có gần 200 DN đăng ký giao dịch và niêm yết. Qua rà soát Chính phủ đã đưa thành quy định tối đa một năm rưỡi sau phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) thì DNNN phải lên đăng ký giao dịch. Do đó, nhiều doanh nghiệp làm hồ sơ IPO xong cũng có thể đăng ký giao dịch trên sàn Upcom ngay…

 

“Những DN nào đủ điều kiện mà trốn tránh thì chúng tôi sẽ xử phạt hành chính, tới đây sẽ rà soát tiếp. Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chủ sở hữu phải có những hình thức xử lý hành chính nếu cố tình không lên sàn khi đã đủ điều kiện”, ông Đặng Quyết Tiến cho biết.

 

Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ tiếp tục công bố công khai để công luận giám sát, đây là giải pháp công khai minh bạch cần kiên trì thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

 

Chính phủ đặc biệt quan tâm và bản thảo để hoàn thiện cơ chế chính sách và đưa ra những giải pháp hữu hiệu hơn trong việc phân bổ lại nguồn lực nhà nước đang nắm giữ một cách hợp lý hơn. Tới đây, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng chủ trì sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 28/9 tới đây sẽ tiếp tục bàn về nhiều vấn đề.

 

Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính chia sẻ thông tin: Mục đích hội nghị toàn quốc của Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước tiến hành vào cuối tháng 9 này tập trung vào rà soát và đánh giá 2 năm nhiệm kỳ 2016-2020, xét về công tác cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước đạt đến đâu. Đồng thời, sau hơn 1 năm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII, chuyên đề của Quốc hội về rà soát tình hình xây dựng pháp luật và thực hiện sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa là dịp đánh giá lại, tổng hợp những vướng mắc, đặc biệt những hạn chế để kịp thời khắc phục, đảm bảo hoàn thành công cuộc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước mà Quốc hội, Đảng giao nhiệm vụ cho Chính phủ.

 

Ông Đặng Quyết Tiến cũng cho biết: đến thời điểm hiện nay, chúng tôi nhận được 461 kiến nghị của 18 bộ, cơ quan ngang bộ; 44 tập đoàn, tổng công ty và 46 địa phương. Các ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp của các Bộ ngành tập trung vào các vấn đề công tác triển khai thực hiện có những vướng mắc, tính đặc thù trong vướng mắc cổ phần hóa trong sắp xếp đất đai, vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp hay vấn đề sắp xếp kinh doanh, tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt xử lý những vấn đề tồn tại kinh doanh thua lỗ của các dự án, tập đoàn kinh tế vừa qua.

 

“Đây là một dịp để cho Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp để bàn bạc tháo gỡ, tìm ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tháo gỡ, xử lý những dự án tồn tại khó khăn mà thời gian qua dư luận đang quan tâm”, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định. 

Huy Thắng

576 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1229
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1229
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87157369