Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến việc ký kết một số văn kiện hợp tác
của các công ty Việt Nam – Nhật Bản. Ảnh: Thống Nhất
Các đánh giá trên được đưa ra tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam với chủ đề “Hướng đến kỷ nguyên mới trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản”, do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Ngân hàng BTMU – Nhật Bản và Ngân hàng Viettinbank tổ chức ngày 5/6. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe (Sin-dô A-bê), Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, lãnh đạo các bộ, ngành khác của Việt Nam và hơn 1.500 lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch JETRO, ông Hiroyuki Ishige (Hi-rô-y-u-ki I-si-ghê) nhấn mạnh Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam được tổ chức nhằm truyền đi thông điệp mạnh mẽ về nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam vì tương lai phát triển của Việt Nam. Chủ tịch JETRO khẳng định cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản dành sự quan tâm và kỳ vọng lớn đối với Việt Nam. Song song với điều này, các tiêu chuẩn yêu cầu của giới doanh nghiệp đối với Việt Nam ngày càng cao. Chính vì vậy, những cơ hội trao đổi ý kiến, đối thoại vô cùng quan trọng. Ông Ishige tin tưởng rằng tại hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với các lãnh đạo bộ, ngành của Việt Nam sẽ giải đáp rõ ràng nhằm giải quyết những tâm tư, lo lắng của các doanh nghiệp Nhật Bản. Chủ tịch JETRO nhận định là nền kinh tế chủ nhà của Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017, Việt Nam sẽ nỗ lực trong việc lập ra các quy định quốc tế, thúc đẩy tự do thương mại. Ngoài ra, với tư cách là quốc gia thứ hai ký vào Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đang trở thành một điểm đầu tư được thế giới chú trọng.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Honda Shokai, ông Fumiaki Honda (Phư-mi-y-a-ki Hon-đa) bày tỏ sự bất ngờ khi thấy số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam rất đông. Ông cho rằng tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có phát biểu rất rõ ràng, chuẩn xác, giải đáp thấu tình đạt lý những thắc mắc của doanh nghiệp Nhật Bản.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Tokyo - Mitsubishi UFJ, ông Hirano Nobiyuki (Hi-ra-nô Nô-bi-y-ư-ki), đưa ra ý kiến về triển vọng của thị trường Việt Nam từ quan điểm kinh tế vĩ mô. Theo ông Nobiyuki, Ngân hàng Tokyo - Mitsubishi UFJ đã có bề dày về hoạt động tại Việt Nam. Năm 2013, UFJ đã đầu tư vào 20% vốn tại VietinBank, coi đó là một trong những hoạt động quan trọng trong chiến lược đầu tư của UFJ tại Việt Nam. Ông Nobiyuki đánh giá VietinBank là một trong những ngân hàng quốc doanh hàng đầu Việt Nam. UFJ hiện đang cung cấp nhiều dịch vụ tài chính khác nhau cho khách hàng là các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Ông đánh giá nền kinh tế Việt Nam là môi trường tích cực cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với yếu tố này, việc Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào sẽ góp phần giúp nước này phát triển kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đánh giá về phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như lãnh đạo các bộ ngành Việt Nam tại hội nghị, ông Sunao Baba (Xư-na-ô Ba-ba), phụ trách Công ty cổ phần Tenpoint, Tập đoàn ONO cho biết công ty của ông đang có dự định đầu tư vào Việt Nam. Theo ông Baba, sau khi nghe những phát biểu, giải đáp của các lãnh đạo cấp cao Việt Nam, ông tin tưởng rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Công ty của ông Baba hiện có 20 nhân viên Việt Nam, vì vậy ông rất mong muốn mối quan hệ tốt đẹp của hai quốc gia ngày càng phát triển. Ông cho biết hiện tại, các doanh nghiệp Nhật Bản đang có nhu cầu cao về nhân lực vì vậy doanh nghiệp của ông đang có ý định tìm kiếm, tuyển dụng nhân lực của Việt Nam để đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản đang thiếu lao động trầm trọng.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo, ông Kuniharu Nakamura (Cư-ri-ha-rư Na-ca-mư-ra) đã đề cập đến hai đặc trưng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Đó là khác với xu hướng đầu tư ban đầu nhằm vào sản xuất để xuất khẩu ra nước ngoài, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm và đồ điện gia dụng hướng vào thị trường Việt Nam đang gia tăng và xu hướng thứ hai là sự gia tăng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ về khuôn mẫu, gia công kim loại,… Đây chính là những doanh nghiệp có trình độ cao trong ngành công nghiệp phụ trợ, sẽ đóng góp cho sự phát triển công nghiệp hóa của Việt Nam. Ông cho rằng Việt Nam với tình hình chính trị - xã hội ổn định, sức lao động phong phú là môi trường thuận lợi cho đầu tư. Tuy nhiên, ông cũng nêu ra một số vướng mắc cần giải quyết trong đó có việc phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay, trong số 170 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại khu công nghiệp Thăng Long, chỉ có 10% số doanh nghiệp này có cấp quản lý là người Việt Nam. Trong khi đó, các chuyên gia Nhật Bản được cử sang Việt Nam vốn phụ trách kỹ thuật vì vậy rất khó khăn khi phải đảm nhận thêm các nhiệm vụ quản lý nhân sự, tài chính, kế toán… Ông Nakamura cho biết trong năm nay Sumitomo bắt đầu xây dựng khu công nghiệp Thăng Long 3, bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục đóng góp cho quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của Việt Nam./.
Theo TTXVN