Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)


Trao đổi với phóng viên, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội cho biết, cộng đồng doanh nghiệp không coi đây là hội nghị về tuyên truyền mà là hội nghị của hành động. Ngay sau hội nghị, Thủ  tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 20 về việc chấn chỉnh việc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp nhằm hạn chế việc thanh tra doanh nghiệp không được quá 1 lần/năm. Ông Mạc Quốc Anh đánh giá, với việc làm kịp thời đó, doanh nghiệp hết sức vui mừng, vì  đây chính là  thể hiện việc nói đi đôi với làm, góp phần hỗ trợ và bảo vệ cho các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Theo ông Mạc Quốc Anh, dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện, nhưng nó chưa đúng  với kỳ vọng mà cộng đồng doanh nghiệp đặt ra. Ở đâu đó vẫn còn chi phí không chính thức "hành" doanh nghiệp. Điều này làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

"Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn thông điệp hành động của Chính phủ sẽ được thực hiện sớm. Chúng ta phải tổ chức thêm những cuộc đối thoại với doanh nghiệp nữa dưới các tỉnh, thành các quận huyện các địa phương để truyền tải thông điệp hội nghị này. Bởi vì hội nghị này chúng ta làm quy mô cấp toàn quốc và chỉ có 2000 doanh nghiệp dự. Tuy có làm trực tuyến nhưng cộng động doanh nghiệp mong muốn được triển khai như triển khai các nghị quyết của Đảng quán triệt đên từng đảng viên…

Khi cần là chính quyền địa phương từ cấp cơ sở phải thực hiện việc này để chỉ thị xuống các chuyên viên công chức viên chức thực hiện việc hỗ trợ cho doanh nghiệp. Một phần tâm tư doanh nghiệp cần sự liên kết hợp tác chia sẻ thông tin phản ánh. Và doanh nghiệp mong muốn có cuộc tổng kết đánh giá sau hội nghị đối thoại với Thủ tướng.

Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, trong vòng 100 ngày đầu Chỉ thị của Thủ tướng ra yêu cầu việc hạn chế thanh tra cần ra soát xem có nơi nào bị thanh tra hơn 1 lần không. Nếu có cần cảnh tỉnh và báo cáo Thủ tướng. Qua đó, Thủ tướng sẽ có hình thức chấn chỉnh kịp thời. Ngoài ra cũng cần sự vào cuộc của các phương tiện truyền thông nhằm giúp phát hiện ra những sai sót và là cầu nối cho cộng đồng doanh nghiệp được lên tiếng phản ánh. 

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho rằng, cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và doanh nghiệp diễn ra mới đây là rất thành công với nhiều điểm mới khi Thủ tướng công bố ngay Chỉ thị hạn chế thanh tra doanh nghiệp, điều này từ trước đến nay chưa có. Chính phản ứng quyết liệt này đã tạo ấn tượng rất mạnh với người dân.

Ông Nguyễn Tôn Quyền đánh giá, tổng kết của Thủ tướng rất chi tiết, đưa ra những vấn đề cụ thể của Chính phủ thời gian tới khiến doanh nghiệp và người dân phấn khởi, yên tâm. Nếu Chính phủ làm được những điều như Thủ tướng nói thì chắc chắn trong thời gian tới kinh tế của chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, các doanh nghiệp yên tâm sản xuất tốt hơn.

Tuy nhiên, sự thay đổi nào cũng cần phải có lộ trình và thời gian. Thực ra, đã ban hành rất, rất nhiều luật lệ, nghị định, thông tư. Từ chi phí, lệ phí chính thức đến không chính thức sẽ có rất nhiều văn bản phải sửa. Ông Nguyễn Tôn Quyền cũng bãy tỏ sự tin tưởng vào quyết tâm của Thủ tướng cũng như Chính phủ, nhưng cách tiến hành sửa chữa này như thế nào thì Chính phủ cần công bố cụ thể.

Cuộc gặp giữa Thủ tướng và doanh nghiệp vừa qua mới chỉ là ý tưởng, còn những quyết nghị, quyết tâm, những cam kết được thể hiện bằng văn bản chính sách thì cần phải có thời gian và làm một cách quyết liệt, nhanh chóng, như vậy mới tạo được sự yên tâm cho người dân và doanh nghiệp.

Sau cuộc đối thoại doanh nghiệp, ngoài Chỉ thị 20 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngay khi đang chủ trì hội nghị, ngày 6/6 vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm đơn vị thiếu trách nhiệm, chậm trễ, gây phiền hà cho doanh nghiệp

Thủ tướng nêu rõ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Kịp thời xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng thiếu trách nhiệm, chậm trễ, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời khẩn trương rà soát sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý đảm bảo thống nhất với Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Rà soát, cụ thể hóa các quy định, điều kiện kinh doanh theo quy mô Doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III; thống nhất cách hướng dẫn cho Doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong cùng một vấn đề để không gây khó khăn và bất lợi cho Doanh nghiệp; ban hành hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các thủ tục, quy định của pháp luật đảm bảo nguyên tắc dễ hiểu, dễ thực hiện.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần tiếp tục tập hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp, phân tích làm rõ các căn cứ, văn bản liên quan để kiến nghị giải quyết…/.

Minh Phương