Khơi dậy tinh thần yêu nước, biến thành động lực phát triển
Trao đổi với báo chí, đại biểu Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Đảng uỷ Vietcombank (Đảng ủy Khối các Doanh nghiệp Trung ương) cho rằng Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày trong phiên khai mạc đã khái quát về thành tựu lớn nhất trong nhiệm kỳ vừa qua mà đất nước ta đạt được là duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương, các cân đối lớn được đảm bảo, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều suy giảm. Những thành tựu đạt được đã góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Theo đại biểu Nghiêm Xuân Thành, Báo cáo chính trị cũng đã xác định động lực và nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững. “Trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng của người dân để đưa đất nước ta phát triển phồn thịnh trong giai đoạn mới. Từ đó xác định cần có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp để bảo vệ người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức vì lợi ích chung”, đại biểu Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.
Đại biểu Nghiêm Xuân Thành cho rằng, điều này hết sức quan trọng để khơi dậy những đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Phát triển đội ngũ doanh nhân giữ vai trò tiên phong trong hội nhập
|
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam . Ảnh: VGP/Hoàng Giang
|
Còn TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, doanh nhân phải hiểu tình hình đất nước, hiểu đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, để xây dựng kế hoạch và định hướng đi cho doanh nghiệp mình.
Theo ông Tô Hoài Nam, dấu ấn thực hiện thành công mục tiêu “kép” trong năm 2020 rất đặc biệt và điều đó tạo nên năng lượng rất mạnh, sự phấn chấn, hào hứng, tăng thêm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào các quyết sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ở Đại hội XIII.
Theo ông Tô Hoài Nam, trong các chính sách để cụ thể hóa các Nghị quyết Đại hội XIII sắp tới, rất cần phát triển đội ngũ doanh nhân tương xứng, giữ vai trò tiên phong trong hội nhập, góp phần định vị sức mạnh, uy tín của nền kinh tế mang thương hiệu Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
“Mặc dù chủ trương, định hướng, nhiệm vụ 2021-2025 đã khái quát toàn diện, đúng đắn và bao gồm nhiều hàm ý nhưng dưới góc độ doanh nghiệp và kinh tế, cộng đồng doanh nhân mong muốn, khi triển khai, rất cần xác lập rõ hơn một số mục tiêu như: Cần tập trung chỉ đạo hoàn thành dứt điểm một số công trình hạ tầng trọng điểm, không để kéo dài thời gian thi công, gây khó khăn phiền hà cho giao thông của người dân, lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp.
Trong mục tiêu tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có trong nước, rất cần “mở kho” các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học trong nước do Nhà nước quản lý, để cộng đồng doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, tham khảo, khai thác, tránh lãng phí. Đồng thời để gia tăng nhanh chóng năng lực công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển, năng lực cải tiến kỹ thuật, đổi mới sáng tạo áp dụng các công trình nghiên cứu khoa học. Vì đây là nguồn tài nguyên có giá trị, đối với đất nước, xã hội và với cộng đồng kinh doanh”, ông Tô Hoài Nam đề xuất.
Kỳ vọng Nghị quyết tạo ra đột phá mạnh mẽ hơn
|
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - Ảnh: VGP/Phan Trang |
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tiếp nối đà tăng trưởng đang có, năm 2021 tới đây sẽ là năm tiền đề quan trọng để cả đất nước đồng lòng thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới.
Bày tỏ ấn tượng với nội dung phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ông Vũ Anh Minh cho rằng, phát biểu đã khơi dậy niềm tự hào và khát vọng cống hiến của dân tộc. Rất tâm đắc với chủ trương tập trung vào việc sử dụng nguồn lực con người, trọng tâm là cán bộ cấp chiến lược, ông Minh nhìn nhận, khai thác được nguồn lực con người chính là đầu tư đúng trọng tâm, đúng hướng trong việc phát triển kinh tế xã hội.
“Cá nhân tôi cũng như tập thể Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam kỳ vọng các Nghị quyết tới đây sẽ tạo ra đột phá mạnh mẽ hơn, được cụ thể hóa bằng hệ thống văn bản pháp luật, các chỉ đạo của Quốc hội, của Chính phủ để các bộ, ban, ngành thực hiện kịp thời, đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trong thời gian tới”, ông Minh cho biết.
Ông Minh cũng chia sẻ, đối với ngành đường sắt, năm 2021 và những năm tiếp theo, ngành tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất nhằm đạt được năng suất tốt hơn, tiến tới chuyển hướng dần bằng việc tăng tỉ trọng vận tải hàng hóa nhiều hơn vận tải hành khách để giảm chi phí logistics. Vận tải đường sắt tiếp tục chứng tỏ ưu thế của mình trong việc vận chuyển hàng đặc chủng, hàng hóa khối lượng lớn với độ an toàn và giá thành rẻ hơn so với đường bộ.
Sức mạnh nội lực đang nổi trội
|
TS. Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VGP/Lan Anh |
Với tư cách là một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu về quản trị, kinh tế vĩ mô, PGS. TS. Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận thấy, trong 5 năm gần đây, nền kinh tế đã có sự chuyển biến căn bản về chất, không những tăng trưởng về quy mô mà còn tăng trưởng về năng lực cạnh tranh. Sức mạnh nội lực nổi trội của nền kinh tế như kinh tế tư nhân, Nhà nước, tập thể, vốn đầu tư nước ngoài đã tạo ra được hệ sinh thái hài hòa với nhiều chức năng nhiệm vụ khác nhau, nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và người dân.
“Ấn tượng rõ nét nhất mà tôi nhìn thấy là khu vực nông thôn mới. Thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã đầu tư cho các chương trình phát triển nông thôn mới, tạo được sự thay đổi rất mạnh mẽ đối với cuộc sống của người dân, cũng như tạo ra nguồn nhân lực để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế cao hơn trong nhiệm kỳ tới”, PGS Hoàng Văn Hải nhận xét.
Bên cạnh đó, theo ông Hải, một điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội là các khu vực kinh tế đều xác định được vị trí, vị thế, tầm quan trọng của mình, không có sự đối lập mà còn phối hợp với nhau. Đặc biệt, chúng ta có thêm được sự đồng thuận quan trọng nhất từ các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, người dân cùng hướng vào việc thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường.
Ông Hải cho biết, rất nhiều doanh nghiệp và người dân kỳ vọng vào những sự đột phá trong thời gian tới, bởi Việt Nam là một đất nước có tiềm năng, nguồn lực dồi dào, đội ngũ nhân lực trẻ, người dân thông minh nên không có lý do nào khiến chúng ta không thể thực hiện được giấc mơ sánh vai với các cường quốc năm châu, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có một vị thế quan trọng, với uy tín ngày càng nâng lên với những dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân, cũng như cộng đồng quốc tế.
|
TS. Nguyễn Hồng Chỉnh, giảng viên Học viện Tài chính. Ảnh: VGP/Lan Anh |
Có cùng nhận định giai đoạn 2016-2020 vừa qua, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, TS. Nguyễn Hồng Chỉnh, giảng viên Học viện Tài chính, kỳ vọng nhiệm kỳ tới, Việt Nam sẽ phát triển mạnh theo hướng kinh tế số và phải dựa được vào khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, phải chú trọng vào giáo dục đào tạo và coi nguồn nhân lực là yếu tố sống còn.
“Tôi cho rằng, với tiềm lực, sự dẫn dắt đúng đắn theo chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, chúng ta đã thấy rõ con đường đi rất đúng hướng, giúp cho Việt Nam sớm đạt được các tiêu đã đề ra trong tương lai”, TS. Nguyễn Hồng Chỉnh chia sẻ.
Nhóm PV